Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đưa Ong Lánh Nạn

Đưa Ong Lánh Nạn
Ngày đăng: 19/05/2012

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu mật ong sang thị trường Mỹ - nơi tiêu thụ tới 85% lượng mật ong của VN - gặp khó do bị kiểm soát rất gắt gao chất trừ nấm carbendazim.

Để đảm bảo chất lượng mật ong, hàng trăm ngàn đàn ong đang được di dời khỏi khu vực Tây nguyên và Đông Nam bộ.

Đây là khu vực để tránh chất trừ nấm carbendazim vốn được sử dụng rất nhiều trong cây cao su và cây điều.

Di chuyển ra Bắc

Thời điểm này năm trước đi dọc những khu rừng cao su nằm cạnh quốc lộ 14 dễ dàng bắt gặp các lán trại được dựng lên, cạnh đó là hàng trăm thùng ong đang được dưỡng mật nhưng năm nay khá vắng vẻ. Nhiều chủ ong ở Đắk Lắk, Bình Phước, Đồng Nai... đã phải đem ong xuống miền Tây hoặc ra các tỉnh phía Bắc để đánh mật.

Ông Tạ Minh Phụng ở thị trấn Quảng Phú (Cư M’Gar, Đắk Lắk) cho biết vụ ong năm 2011 ông thu được gần 20 tấn mật, nhưng đến nay toàn bộ số mật ong trên (trị giá khoảng 600 triệu đồng) vẫn phải ký gửi ở kho của Công ty cổ phần Ong mật Đắk Lắk do mật có nguồn gốc từ hoa cao su và hoa điều không tiêu thụ được. “Công ty hướng dẫn chúng tôi đưa ong ra phía Bắc để đánh mật vải nhưng tiền đầu tư vào vụ ong trước quá nhiều nên chúng tôi cụt vốn, phải ứng tiền ở công ty được 40 triệu đồng lấy phí đưa ong đi. Số nợ ngân hàng đầu tư cho vụ ong trước gần 200 triệu đồng đến hạn nhưng chưa biết lấy đâu để trả” - ông Phụng nói.

Ông Nguyễn Chí Toàn, chủ trại ong ở P.Ea Tam (TP Buôn Ma Thuột), cho biết thời điểm này năm trước nhà lúc nào cũng đông công nhân tập trung thu hoạch mật do vào cuối mùa hoa cao su nhưng năm nay chỉ còn lại vài người. Gần 300 thùng ong đã được đưa lên xe chở ra Lục Ngạn (Bắc Giang) và tỉnh Phú Thọ để lấy mật hoa vải. Ông Toàn nói: “Mùa hoa cao su nào gia đình chúng tôi cũng thu gần chục tấn mật, nhưng năm nay phải bỏ mùa do mật làm ra không bán được, từ đầu vụ ong tôi đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để thuê xe, nhân công đưa ong ra các tỉnh phía Bắc đón mật rồi”.

Tương tự, ông Ngô Sỹ Hoành - người nuôi ong ở xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột) - cho biết từ giữa tháng 3 đã phải thuê người chở ong ra phía Bắc đánh mật do lo ngại mật hoa điều và hoa cao su nhiễm chất diệt nấm, đến nay chi phí đã tốn gần 60 triệu đồng.

Chủ động vượt qua rào cản

Nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân phải di chuyển các đàn ong đi lánh nạn vì từ năm 2011 Mỹ - thị trường tiêu thụ tới 85% sản lượng mật ong hàng năm của VN - đưa thêm chất carbendazim, thuốc phòng trị nấm trên cây trồng vào kiểm soát. Điều đáng chú ý là so với tiêu chuẩn của châu Âu, mức quy định của Mỹ về hàm lượng carbendazim cao một cách vô lý khiến việc xuất khẩu gặp không ít khó khăn. Theo quy định của EU và Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX), tiêu chuẩn cho phép đối với chất carbendazim trong mật ong là 1 phần triệu nhưng quy định ở thị trường Mỹ yêu cầu thấp hơn hàng trăm lần.

Với yêu cầu khắt khe và là một rào cản kỹ thuật mới nên các doanh nghiệp và người dân cần nhiều nỗ lực và thời gian để vượt qua. Dù vậy, theo ông Nguyễn Xuân Bình - giám đốc Cơ quan thú y vùng VI, xuất khẩu mật ong sang thị trường Mỹ vẫn diễn ra bình thường chứ không bị cấm như nhiều thông tin trước đó.

Ông Lê Tấn Lực, phó giám đốc Công ty cổ phần Ong mật Đắk Lắk, cho hay thời điểm này những năm trước công ty xuất qua Mỹ được khoảng 4.000 tấn mật ong, nay con số này mới chỉ dừng lại ở mức 1.000 tấn, hàng ngàn tấn mật đang phải nằm kho. Bên cạnh việc chờ đợi các cơ quan chức trách có biện pháp can thiệp để tháo gỡ khó khăn, công ty đã hướng dẫn nông dân di chuyển đàn đến các vùng hoa khác, chấp nhận chi phí lớn để bán được mật. “Đồng thời công ty cũng chuyển hướng thị trường tiêu thụ qua một số nước châu Á để đa dạng hóa thị trường” - ông Lực nói.

Còn ông Phan Đình Trọng - giám đốc Công ty Ong mật Đồng Nai, phó chủ tịch Hội Nuôi ong VN - cho biết chỉ mật ong ở các khu vực cây trồng mà người dân dùng chất carbendazim mới khó xuất khẩu, các vùng khác vẫn xuất khẩu đi Mỹ bình thường. “Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã xuất khẩu 1.500 tấn ong mật đi Mỹ. Bên cạnh đó công ty cũng đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường mật ong của VN sang các nước châu Á như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ...” - ông Trọng nói.

Cũng theo ông Trọng, trong thời gian tới ngành nuôi ong VN cần chủ động hơn trong việc đối phó với các rào cản kỹ thuật từ nước nhập khẩu thông qua các chương trình nuôi ong sạch, nuôi ong hữu cơ. Bởi ngoài thị trường Mỹ, nhiều thị trường khác cũng có tiềm năng nhập khẩu mật ong của VN nếu đáp ứng được nhu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. “Tháng 9 tới đây, đoàn kiểm tra của châu Âu sẽ tới VN để đánh giá hệ thống kiểm soát chất tồn dư trong mật ong của VN. Nếu được công nhận, mật ong của VN có thể quay trở lại thị trường này sau khi bị ngưng từ năm 2007” - ông Trọng cho hay.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Lắk, tỉnh này đang có trên 200.000 đàn ong nhà, trong đó chủ yếu ở Công ty cổ phẩn Ong mật Đắk Lắk. Lượng mật từ hoa cao su và hoa điều hằng năm chiếm sản lượng 5.000 - 7.000 tấn/mùa (từ tháng 2 đến tháng 6).

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng - cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), carbendazim là một loại chất trừ nấm được phép sử dụng tại VN và nồng độ tối đa cho phép trong các loại thực phẩm được quy định trong quyết định 46/2007 của Bộ Y tế và thông tư 68/2010 của Bộ NN&PTNT. Theo các văn bản này, tùy theo từng loại củ quả mà có mức giới hạn cho phép khác nhau dao động từ 0,1 gam/kg (0,1 phần triệu) trong hạt cà phê, lạc đến 1 phần triệu trong khoai lang, chuối và lên đến 5 phần triệu trong lúa mạch, táo khô.

Theo ông Hồng, một số thị trường khó tính như Mỹ quy định mức cho phép hàm lượng carbendazim rất thấp hoặc không cho phép chất này trong thực phẩm. Còn ở VN và nhiều nước khác, chất này vẫn được cho phép sử dụng trong phòng trừ nấm trên cây trồng, đặc biệt là cây công nghiệp như cao su, cà phê, điều... Với hàm lượng dùng và thời gian ngưng sử dụng hợp lý thì việc sử dụng chất này không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm

Trồng Ổi Xá Lỵ Cho Thu Nhập Cao Ở Trung An (Củ Chi, TPHCM) Trồng Ổi Xá Lỵ Cho Thu Nhập Cao Ở Trung An (Củ Chi, TPHCM)

Trung An là một trong 11 xã nằm trong dự án Nông thôn mới của huyện Củ Chi (Tp. HCM). Do vậy, việc ưu tiên phát triển mọi mặt về kinh tế, cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội rất được quan tâm. Những năm gần đây, Trung An được biết đến như là một điểm du lịch sinh thái khá nổi tiếng của huyện với nhiều loại trái cây: ổi không hạt, mít Thái, măng cụt, chôm chôm…

29/09/2012
Lời Giải Cho Vùng Nuôi Nghêu Ven Biển Gò Công (Tiền Giang) Lời Giải Cho Vùng Nuôi Nghêu Ven Biển Gò Công (Tiền Giang)

Ông Trần Văn Vinh, nông dân có kinh nghiệm nuôi nghêu hàng chục năm, đồng thời có trại sản xuất nghêu giống "có tiếng" ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông cho biết, nghêu nuôi khu vực biển Tân Thành đã chết hàng loạt liên tục 5 năm qua, nhưng thiệt hại nghiêm trọng nhất là năm 2010, 2011 và đầu năm 2013. Đúc kết kinh nghiệm qua các năm nuôi nghêu của mình, ông Vinh nhận định, thực tế hiện nay vùng biển này chỉ còn nuôi nghêu thịt được khoảng 6 tháng, tức là bắt đầu thả nghêu giống từ tháng 5-6 dương lịch (lúc này mới bắt đầu có nghêu giống) và thu hoạch vào tháng 12 trong năm, chậm nhất là tháng 1 năm sau.

06/05/2013
Hồi Sinh Cây Trái Cù Lao Minh (Vĩnh Long) Hồi Sinh Cây Trái Cù Lao Minh (Vĩnh Long)

Cù lao Minh thuộc huyện Long Hồ (Vĩnh Long), nổi tiếng với bạt ngàn vườn cây ăn trái. Đặc biệt là 2 loại cây “chủ lực”: chôm chôm và nhãn. Sau này, có thêm cây chanh tàu cũng đã từng cho thu nhập khá cao.

21/06/2013
Thanh Long Ruột Đỏ Bán Được Giá Ở Hải Dương Thanh Long Ruột Đỏ Bán Được Giá Ở Hải Dương

Nông dân xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh, Hải Dương) bắt đầu thu hoạch thanh long ruột đỏ. Giá bán tại gốc 40 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần so với thanh long ruột trắng.

01/10/2012
Ngư Dân Trúng Vụ Cá Giò Ngư Dân Trúng Vụ Cá Giò

Toàn phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu - Đà Nẵng) có 22 tàu cá công suất nhỏ (20-30CV), khai thác ở vùng biển ven bờ. Năm nay, bà con ngư dân rất phấn khởi vì được mùa cá giò.

21/06/2013