Đưa nông sản ế lên mạng
Vài năm trở lại đây, hàng loạt mặt hàng nông sản ế ẩm của nông dân Tây Nguyên được một phụ nữ và các bạn của cô nỗ lực đưa lên mạng để tìm hướng tiêu thụ.
Bắt đầu từ những mặt hàng như khoai lang, dâu tây, hồng rồi đến giờ là sữa ong, mật ong. Xuất thân từ một gia đình nghèo, từng tốt nghiệp Trường đại học Đà Lạt, người phụ nữ ấy giờ đã có một doanh nghiệp nhỏ và từng bước tích lũy vốn để tiếp tục hiện thực hóa giấc mơ giúp nông dân tiêu thụ nông sản…
Đầu năm 2015, chị Trần Thị Mao được một người họ hàng ở Đức Trọng (Lâm Đồng) gửi cho một bao khoai lang giống Nhật Bản. Ăn thấy ngon, nhưng sau khi biết nông dân vùng trồng khoai tại các tỉnh Lâm Đồng, Đác Nông, Đác Lắc đều đang khốn khổ vì bí đầu ra, cô chụp ảnh sản phẩm rồi đưa lên mạng rao bán, trước tiên chia sẻ trên facebook của cá nhân.
Sự chia sẻ đó được bạn bè và nhiều khách hàng trong cả nước ủng hộ. Và thế là hơn năm tấn khoai ế được bán hết chỉ trong vòng hai tuần. Bà Nguyễn Thị Sâm, chủ hộ trồng khoai tại Ea Kar (Đác Lắc) cho biết, khoai lang Nhật được người dân trồng để bán cho các nhà máy chế biến trong vùng. Nhưng năm nay, do sản lượng lớn, trong khi các nhà máy lại tiêu thụ có mức độ, cả cánh đồng khoai mấy trăm tấn ế chỏng chơ. Giá khoai rẻ đến độ nhiều hộ dân chả buồn đào lên bán, cứ để ngoài ruộng cho hư hỏng.
“Do để quá lứa, khoai hỏng gần hết. Khi em có nhiều khách hàng nhận mua khoai thì lại hết mùa. Giá như có thêm người giúp và biết sớm hơn có lẽ tình hình đã khác, chứ không chỉ dừng lại ở con số vài tấn”, Trần Thị Mao vẫn tiếc rẻ khi kể về đợt bán khoai cách đây nửa năm ấy.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền núi nghèo Nghệ An, rồi theo bố mẹ vào lập nghiệp ở Đác Lắc. Mao kể, tuổi thơ của cô gắn bó với những vườn cây ăn quả trù phú nhưng chứa đầy nỗi buồn của người thân khi gặp năm được mùa, mất giá. Cô bảo: “hình ảnh bố mẹ em cầm dao chặt cả vườn cam ế cứ mãi ám ảnh”.
Suốt bốn năm sinh viên, vừa là một bí thư Đoàn năng nổ, vừa tích cực đi làm thuê, đóng bông đóng hoa cho nhà vườn, càng chứng kiến nhiều cảnh tượng nông dân bị ép giá khi tiêu thụ nông sản, Trần Thị Mao càng ấp ủ ước mơ sẽ tìm cách giúp bà con đưa nông sản ra thị trường. Tốt nghiệp đại học, Mao cùng một người bạn vay mượn thêm tiền của họ hàng để mở công ty du lịch kết hợp bán nông sản trên mạng in-tơ-nét, rồi kinh doanh phòng vé máy bay.
Phòng vé máy bay tại Đà Lạt trở thành địa điểm quen thuộc để nhiều nông dân gửi gắm hàng... ế. Năm 2014, Trần Thị Mao nổi tiếng trên mạng in-tơ-nét về việc tiêu thụ dâu tây trồng chậu. “Trước đó một năm, thấy người dân than khổ vì dâu mất giá, chỉ còn chưa tới 20.000 đồng/kg, em gợi ý cho vài hộ bứng nguyên cây vào chậu làm cảnh rồi rao bán thử trên mạng, không ngờ được khách hàng ưa thích, tiêu thụ mạnh, nhất là ở thị trường miền bắc”.
Trước Tết Nguyên đán 2014, Mao đặt hàng, hàng trăm nông dân chủ động gieo thẳng hạt dâu vào chậu rồi chăm sóc và chở đến... nhờ Mao bán hộ. Hàng chục nghìn chậu dâu tây cảnh đã được tiêu thụ đem lại lợi nhuận cho người trồng cao hơn việc bán quả.
Cô Nguyễn Thị Đức, chủ một vườn dâu tại Đà Lạt cho biết, dâu tây vào chính vụ vẫn thường rớt giá, nhiều khi lãi không đủ bù lỗ. Nhưng vụ Tết 2014, nhờ đưa dâu vào trồng trong chậu rồi gửi bán, gia đình cô bán được gần 1.000 chậu dâu với giá 30.000-35.000 đồng một gốc, lợi nhuận cao hơn cả lúc dâu được giá.
“Em bắt đầu bán nông sản trên mạng từ năm 2010 với rất nhiều mặt hàng như hoa tươi Đà Lạt , dâu tây, hồng giòn, bơ, chuối, cà chua, khoai tây, a-ti-sô. Ban đầu, cũng gặp không ít khó khăn trong đóng gói, vận chuyển gửi qua các nhà xe, rồi chưa tính hết được rủi ro cho nên buôn bán cứ phập phù. Nhiều người khuyên em nên bỏ cuộc, tập trung cho phòng vé. Nhưng em thấy như thế sẽ thật thất vọng về bản thân khi bỏ dở ước mơ của mình.
Rồi em vào TP Hồ Chí Minh học thêm về kinh doanh, nhất là kinh doanh trực tuyến trên mạng, ma-két-ting. Kiến thức học và kinh nghiệm bán nông sản ế đã thúc đẩy em thành lập trang web chonongsane.com, bà con nông dân cũng có điều kiện vào mạng. Mỗi lần em phát động chiến dịch bán hàng nông sản ế là không khí cứ rầm rộ, bà con xa gần biết và tự chở nông sản đến chỗ em nhờ bán. Nhắn tin, phản hồi khách hàng và bà con suốt cả ngày đêm anh ạ”, Mao chia sẻ thế.
Tôi lên mạng, vào trang chonongsane.com để đọc thêm thông tin. Mặt hàng mới nhất vừa được cô đưa lên mạng và cũng được kỳ vọng rất nhiều là các sản phẩm từ ong, nhất là sữa ong chúa. Từ vài hộ nuôi ong đầu tiên mà cứ cuối tuần cô lại lên thăm, giờ có thêm hàng chục hộ dân nhận cung cấp hàng. Và sau những phản hồi của khách hàng về hiệu quả sản phẩm, cô đang tất bật làm thủ tục để ra mắt thương hiệu sữa ong chúa Trần Mao.
“Chỉ từ bán trên mạng mà em đã mở được hơn 40 đại lý độc quyền ở mỗi tỉnh, thành phố. Hàng bán rất chạy. Sắp tới, em sẽ mở rộng quy mô ra cả nước ngoài và ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm ong cho các huyện ở Tây Nguyên”, Trần Thị Mao chia sẻ với chúng tôi.
Còn vô vàn lý do đặt chợ ế,…nhưng qua đây, hy vọng sẽ được nhiều người ủng hộ, chung tay để nâng cao thành quả lao động của người nông dân Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Sau 2 năm liên tục nghêu bị thiệt hại nặng nề, năm nay, nghêu nuôi phát triển ổn định, không có hiện tượng chết bất thường và giá nghêu đang tăng cao. Do đó, diện tích nuôi nghêu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang dần phục hồi, hứa hẹn thắng lớn.
Đến thời điểm này, sau nhiều tháng bán sản phẩm dưới giá thành, người chăn nuôi bắt đầu kiệt quệ, bỏ nghề. Dễ dàng nhận thấy việc giảm, bỏ đàn qua thị trường con giống đang rất ảm đạm. Con giống gia cầm, giống heo dù rẻ vẫn không ai mua. Chắc chắn trong một vài tháng tới nguồn cung sẽ thiếu hụt.
Nghề nuôi ốc sên đang là một trong những ngành nông nghiệp phát triển tại Bulgaria khi nhu cầu từ Pháp và Ý đối với món ăn cao cấp nhưng lạ miệng này tăng cao. Trước đây, nghề nuôi ốc sên vốn rất phát triển tại Tây Âu, nhưng từ năm 2006 ngành kinh doanh ốc sên bắt đầu chuyển hướng sang Đông Âu, và tạo cơ hội thuận lợi cho Bulgaria phát triển.
Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an tiếp tục gửi mẫu sản phẩm Gold Protein đã thu giữ của Công ty TNHH sản xuất Nam Hoa và Công ty TNHH Hồng Triển (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) đi kiểm nghiệm tại phòng phân tích thức ăn chăn nuôi thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam.
Sau 4 năm thực hiện dự án “Phát triển vùng nguyên liệu sản xuất chè Ô Long” của Bộ Khoa học công nghệ, đến nay thị xã Phú Thọ (Phú Thọ) đã trồng được 50 ha chè, hoàn thành kế hoạch đề ra.