Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đua nhau trồng tiêu bằng trụ cao su sống

Đua nhau trồng tiêu bằng trụ cao su sống
Ngày đăng: 04/09/2015

Hăm hở với sáng kiến mới 

Đang bước vào mùa thu hoạch mủ cao su nhưng tại nhiều nơi trong tỉnh Đăk Nông, người dân dường như chẳng còn mặn mà với công việc thu hoạch mủ từ loại cây này. 

Trước thực trạng giá mủ cao su xuống quá thấp, một số người phải chuyển đổi sang trồng cây khác hoặc duy trì bằng hình thức lấy ngắn nuôi dài. Một số khác quyết định liều lĩnh bằng cách chặt cây cao su và sử dụng làm trụ để trồng tiêu. Số khác cẩn thận hơn thì vẫn để cây cao su sống và trồng tiêu leo lên, xen canh thêm cà phê. Cách làm này hiệu quả ra sao chưa ai biết nhưng đã và đang được rất nhiều người nông dân áp dụng. 

Tại xã Nhân Đạo (Đăk R’Lấp, Đăk Nông) chỉ trong vòng năm qua, diện tích cao su được người dân phá bỏ đã lên đến 97 ha. Trong đó, hơn 50 ha cao su được người dân giữ lại theo phương thức chắn rễ, rong tỉa, hãm ngọn cây để làm trụ sống trồng hồ tiêu. 

Gia đình anh Cao Quang Tấn, thôn 2, xã Nhân Đạo có hơn 2 ha cao su 7 năm tuổi, mỗi cây có đường kính to hơn bắp đùi người lớn, đang cho thu hoạch với sản lượng mủ rất cao. Nhưng do giá mủ xuống thấp, chi phí nhân công lại cao nên anh quyết định phá bỏ để chuyển sang trồng tiêu. 

Theo anh Tấn, so với việc giữ lại và tiếp tục chăm sóc vườn cây cao su rồi chờ giá lên không khả thi hơn là phá bỏ để chuyển đổi sang trồng tiêu. Tuy nhiên, băn khoăn của anh Tấn lại nằm ở việc giá các loại trụ làm giá đỡ để trồng tiêu đang bị đẩy lên quá cao. 

Một trụ bê tông hiện nay có giá trên dưới 200.000 đồng, trụ gỗ đẹp không dưới 250.000 đồng, bèo nhất là trụ cây gòn sống to chỉ bằng cổ tay cũng lên đến vài chục ngàn đồng. Với diện tích 2 ha nhà anh cần đến hơn 2.000 trụ tiêu các loại, tính ra tiền đầu tư trụ đỡ lên đến mấy trăm triệu đồng. “Nghĩ vậy, chi bằng tôi rong tỉa lại hàng ngàn gốc cây cao su có sẵn trong vườn để làm trụ tiêu sống, vừa tiện vừa nhanh lại vừa tiết kiệm cả khối tiền”, anh Tấn nói. 

Cách đó không xa, hàng chục hộ dân xã lân cận Đăk Tín cũng hăm hở tái tạo lại vườn cao su để làm trụ, chuyển sang trồng tiêu. Anh Nguyễn Văn Phú, thôn 1 Đăk Tín có 3,5 ha cao su gần 10 năm tuổi. Ba năm về trước, vườn cao su này cho thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhưng giờ gia đình anh phải chặt bỏ. 

“Thấy người dân một số nơi dùng thân cao su sống làm trụ tiêu tôi cũng học hỏi để làm theo. Cây cao su vừa to lại rất chắc chắn nên nếu làm trụ đỡ cho cây tiêu sẽ không lo bị ngã đổ, còn cây cao su vẫn sống tốt và vẫn có khả năng cho thu mủ được. Nếu vài năm sau giá cao su tăng trở lại tôi sẽ quay lại tiếp tục đầu tư chăm sóc, phát triển lại như ban đầu, không sao cả”, anh Phú cho hay. 

Cây cao su sau một thời gian ngắn rong tỉa cành đã bị nứt vỏ, nguy cơ chết khô rất cao 

"Hiện Sở NN-PTNT Đăk Nông đã có văn bản đề nghị các địa phương phối hợp thống kê số diện tích trên, đồng thời đề nghị UBND các địa phương có diện tích trồng cao su, nhất là cao su tiểu điền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không nên phá bỏ cao su để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác", ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Nông cho hay. 

Bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội nông dân xã Nhân Đạo cho biết, bây giờ việc người nông dân phá bỏ, cải tạo vườn cao su để làm trụ sống trồng tiêu không còn là chuyện lạ, thậm chí đã phát triển trở thành phong trào. Cứ nhà này thấy nhà kia phá bỏ lấy trụ là học hỏi làm theo. Danh nghĩa là Chủ tịch Hội nông dân xã nhưng hầu như chúng tôi không thể can thiệp được gì ngoài việc tuyên truyền, kêu gọi nên giữ lại các vườn cao su xanh tốt, hoặc rất thận trọng khi chuyển đổi mà thôi. 

Thận trọng không thừa 

Theo ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Nông, xét trên vấn đề phát triển kinh tế thì việc người dân tuy không chặt cao su nhưng dùng cây cao su để làm trụ sống cho tiêu leo cũng đồng nghĩa với việc chặt bỏ cao su. Vì trồng cao su nhằm thực hiện mục đích khai thác mủ; nếu đốn, chỉ để vài cành và thân để tiêu leo thì cây cao su không thể cho mủ, sản xuất mủ không còn ý nghĩa. 

Qua thực tiễn, cao su sau khi bị chắn gốc, rong cành, tỉa ngọn cây đã mất sức rất nhiều, rất dễ bị nhiễm các loại bệnh xâm nhập thông qua các vết cắt, chặt. Nhất là khi người dân thực hiện rong tỉa cành để trồng tiêu thường rơi đúng thời điểm mùa mưa. Nước mưa sẽ thấm vào các vết thương của cây gây nên tình trạng thối cây tại các vết hở, nhiều khả năng cây bị chết. 

Mặt khác, cây cao su sau khi bị chết sẽ bị tuột lớp vỏ, kéo theo dây tiêu cũng bị tuột xuống theo. Bản thân cây cao su khi đã hết thời kỳ khai thác, ở độ tuổi trên 30 năm (tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc và khai thác mủ), sẽ được thanh lý và cưa xẻ thành thanh, ván phục vụ cho ngành chế biến gỗ. Trong thực tế chưa ai sử dụng để làm trụ tiêu vì đặc điểm của loài cây cao su gỗ nhẹ và hay bị mối. Do đó, cây cao su một khi đã khô thường sẽ nhanh bị đổ ngã. 

Về yếu tố kỹ thuật, cây hồ tiêu rất nhạy cảm với nấm bệnh, đặc biệt là nấm phytophthora, tác nhân gây ra bệnh héo chết nhanh. Trong khi cây cao su lại là ký chủ của nấm phytophthora, lại thêm nấm trắng, nấm hồng. Hồ tiêu là cây trồng khó tính và chưa ai khẳng định hiệu quả kinh tế khi sử dụng cây cao su làm trụ. 

Bên cạnh đó, cây cao su là cây ưa thoáng ở gốc, nếu cho vào dây tiêu phát triển kín phía dưới sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh rất cao. Do vậy, cách làm này là chưa đảm bảo cơ sở khoa học; mặc dù, thực tế đã có một số hộ dân tự phát trồng hồ tiêu cho leo trên cây cao su.


Có thể bạn quan tâm

Diện Tích Nuôi Trồng Thuỷ Sản Ở Tây Ninh Tăng 13,08% Diện Tích Nuôi Trồng Thuỷ Sản Ở Tây Ninh Tăng 13,08%

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, trong 4 tháng đầu năm 2014, diện tích nuôi trồng thuỷ sản của địa phương này đã tăng 13,08% so với cùng kỳ năm 2013.

19/05/2014
Nuôi Dông Dễ Bán Nuôi Dông Dễ Bán

Anh Trần Văn Chánh ở ấp Bà Đen, xã An Cư, huyện Tịnh Biên thực hiện mô hình nuôi dông đầu tiên ở vùng Bảy Núi, thả nuôi 1.500 con giống với diện tích chuồng trại rộng 500 m2.

19/05/2014
Làm Giàu Nhờ Nuôi Chim Trĩ Đỏ Làm Giàu Nhờ Nuôi Chim Trĩ Đỏ

Khoảng ba năm trở lại đây, một số gia đình trên địa bàn xã Quang Bình (Kiến Xương - Thái Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn mô hình nuôi chim trĩ đỏ để thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

19/05/2014
Chương Trình Khí Sinh Học Cho Ngành Chăn Nuôi Việt Nam Chương Trình Khí Sinh Học Cho Ngành Chăn Nuôi Việt Nam

Dự án Chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam được triển khai ở Phú Yên từ giữa năm 2013, đã góp phần cải thiện, thay đổi thói quen chăn nuôi của nông dân nhiều địa phương. Qua đó người dân quan tâm hơn đến việc xử lý chất thải chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển chăn nuôi một cách bền vững.

19/05/2014
Quảng Ngãi Ngổn Ngang Vụ Mới Quảng Ngãi Ngổn Ngang Vụ Mới

Vụ đông xuân vừa kết thúc, vụ hè thu đã bắt đầu. Dù biết đây là cách giảm thiểu tối đa thiệt hại do hạn hán khi lúa trổ và mưa bão lúc thu hoạch, nhưng việc sản xuất gối đầu như thế khiến nông dân không khỏi âu lo…

19/05/2014