Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thực Trạng Liên Kết Sản Xuất Trong Ngành Hàng Cá Tra

Thực Trạng Liên Kết Sản Xuất Trong Ngành Hàng Cá Tra
Ngày đăng: 30/10/2013

Không có ngành, lĩnh vực nào phát triển “thần tốc” như ngành sản xuất cá tra. Nó đã từng giúp cho hàng ngàn nông dân trở nên giàu có, hàng trăm doanh nghiệp (DN) ăn nên làm ra, giúp ngành thủy sản cả nước luôn giữ tốc độ phát triển cao, trong khoảng 10 năm (2002- 2012).

Chỉ với diện tích nuôi thương phẩm khoảng 6.000ha, bằng 1% diện tích nuôi tôm, nhưng sản lượng nuôi đạt 1.300.000 tấn/năm, xuất khẩu đạt trên 1,8 tỷ USD/năm, thị trường xuất khẩu mở rộng đến 136 nước và vùng lãnh thổ.

Sự phát triển quá nhanh của ngành công nghiệp cá tra trong khi môi trường kinh doanh chưa phát triển tương xứng càng làm cho xung đột lợi ích giữa người nuôi và DN chế biến dễ bùng phát và đỉnh điểm cực kỳ khó khăn là từ đầu năm 2013 đến nay. Vì đâu nên nỗi khi 2 mắt xích chính trong “chuỗi” sản xuất này lại không đối xử với nhau như người “cùng hội cùng thuyền”?

Thực trạng liên kết sản xuất trong ngành hàng cá tra

Một trong những tồn tại lớn nhất hiện nay trong sản xuất và tiêu thụ cá tra là mối liên kết (LK) theo chuỗi giá trị, LK ngang giữa người nuôi với người nuôi, giữa DN với DN còn lỏng lẻo.

Trước những khó khăn đặt ra về tiêu thụ sản phẩm, Chính phủ đã có chủ trương tăng cường sự LK “4 nhà” (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông dân và nhà DN) bằng Quyết định 80/TTg ngày 24/6/2002, nhằm tạo mối LK mật thiết giúp nông dân tạo ra sản phẩm nông nghiệp bảo đảm cả chất và lượng, để phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đây là chủ trương đúng đắn để đưa nông dân hội nhập quốc tế và nâng sức cạnh tranh nông sản với các nước khi Việt Nam gia nhập WTO. Sự LK này là tất yếu mà các nước kinh tế phát triển đều đã đi qua và thành công. Các địa phương cũng có đầy đủ các chương trình và kế hoạch triển khai thực hiện chủ trương này nhưng hình như LK “4 nhà” quá khó nên thả nổi?

Kết quả khảo sát 4 tỉnh (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long) nuôi cá tra trọng điểm ở ĐBSCL, các hình thức sản xuất này trong nuôi cá tra đã hình thành trong vài năm gần đây, phổ biến nhất là nông dân LK theo hình thức hợp tác xã (HTX) hoặc chi hội, được gọi là “LK ngang” và nông dân LK với các DN chế biến thủy sản hoặc sản xuất thức ăn cá tra, còn gọi là “LK dọc”.

Hình thức LK dọc đã hình thành từ năm 2004, người nuôi LK với các công ty chế biến xuất khẩu thủy sản hoặc công ty sản xuất thức ăn thủy sản theo hợp đồng được ký kết giữa hai bên. Ở hình thức LK này, nông dân được công ty đầu tư 100% thức ăn và khoán chi phí sản xuất khác cho nông hộ gồm: con giống, thuốc - hóa chất, lương công nhân, thuê ao, điện- dầu và các chi phí khác.

Trong đó, chi phí thức ăn được khoán cố định theo hệ số tiêu tốn thức ăn, tỷ lệ đạm và cung cấp theo nhu cầu của nông dân đã đăng ký sản lượng cá nuôi gia công. Nông dân phải chi trước các khoản chi phí (trừ thức ăn) và được thanh toán lại các khoản chi phí này sau khi thu hoạch.

Theo kết quả trên thì giá cá bán ở hình thức LK dọc cao hơn so với hình thức riêng lẻ và LK ngang. Hình thức LK dọc thể hiện nhiều ưu điểm như: thức ăn được cung cấp cho cá trong quá trình nuôi, giảm chi phí đầu tư của nông hộ và đầu ra sản phẩm được bao tiêu. Nhìn chung, đây là hình thức LK có ít rủi ro và giúp nông dân ổn định sản xuất ở ĐBSCL.

Thế nhưng, khi có biến động thị trường, DN chế biến thường trách nông dân không tôn trọng hợp đồng, sẵn sàng “bẻ kèo” khi giá cả diễn biến có lợi cho họ, còn người nuôi luôn cho rằng các DN ép giá nhằm “tối đa hóa lợi nhuận”! Trong thời gian dài đã qua, người nuôi cá và DN chế biến vẫn là 2 “đối thủ” chứ chưa là đối tác của nhau.

Khi cá tra có giá cao, khan hiếm hàng thì người nuôi cá tra nguyên liệu có hàng hóa ngoảnh mặt với nhà máy thu mua. Ngược lại, khi cá tra rớt giá, cung vượt cầu, DN lại “làm ngơ” với người nuôi cá theo kiểu “kiến ăn cá, cá ăn kiến”.

Quá trình thực hiện hợp đồng sản xuất và tiêu thụ cá tra còn nhiều bất cập do Quyết định 80/QĐ-TTg với các điều khoản văn bản chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích, động viên chung chung, thiếu cơ sở pháp lý ràng buộc trách nhiệm dân sự hoặc hình sự giữa các bên tham gia ký kết hợp đồng, dễ dẫn đến tranh chấp khi có biến động thị trường và người trực tiếp sản xuất bao giờ cũng gặp rủi ro cao nhất. Chung quy cũng vì lợi nhuận riêng nên các DN và người nuôi cá chưa gắn bó với nhau được.

Rõ ràng mối LK lỏng lẻo giữa người nuôi- DN càng bị tổn thương mỗi khi xảy ra sự cố, họ sẵn sàng đổ tội cho nhau. Vấn đề xung đột lợi ích giữa người sản xuất- DN không phải mới và không chỉ có ở ngành nông nghiệp, nhưng đặc biệt ngành hàng cá tra thì gay gắt hơn, thiệt hại nặng nề hơn mỗi khi có biến động thị trường.

Rõ là với cách làm như ta lâu nay thì nông dân là người dễ bị tổn thương nhất: chịu khổ trước, khổ nhiều nhất và viễn cảnh sẽ là người sướng sau cùng xem ra chưa biết đến bao giờ! Thế mới thấm thía đòi hỏi cái “tâm” của DN cá tra sao mà “xa xỉ”, và cái “tầm” của các thành phần trong chuỗi LK ngành hàng cần xiết bao!

Thế nhưng đằng sau “ánh hào quang” lại luôn ẩn chứa nỗi lo thua lỗ và nỗi buồn rớt giá của những người trực tiếp làm nên “ánh hào quang” ấy! Cũng chính sự “thần kỳ” ấy đã và đang tạo ra nhiều hệ lụy như: trong khi sản lượng tăng không dưới 2 con số/năm thì giá xuất khẩu cá tra lại đi theo chiều ngược lại, từ 3,76 USD/kg vào năm 2000 rớt dần xuống còn 2,2 USD/kg năm 2012; tỷ trọng giá trị gia tăng quá thấp, chưa đầy 1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra; sản lượng nuôi bắt đầu giảm…


Có thể bạn quan tâm

Cấp Giống Tái Canh Cây Cà Phê Cấp Giống Tái Canh Cây Cà Phê

Để thực hiện chương trình tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, trong 2 năm qua, từ nguồn vốn của Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (VICOFA), người dân trong tỉnh còn được cấp miễn phí giống cà phê để “trẻ hóa” vườn cây. Tuy nhiên, qua thực tế cấp phát cho thấy, công tác này đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là ở cấp cơ sở, nơi mà việc triển khai còn mang tính hình thức đại trà, chiếu lệ.

31/07/2013
Trồng Lúa Nhật Lợi Nhuận Từ 30 - 35 Triệu Đồng/héc-Ta Trồng Lúa Nhật Lợi Nhuận Từ 30 - 35 Triệu Đồng/héc-Ta

Hội Nông dân xã Bình Phú (Châu Phú - An Giang) cho biết, vụ hè thu năm nay, xã Bình Phú có 27 hộ trồng lúa Nhật, với tổng diện tích trên 120 héc-ta, đạt năng suất bình quân trên 6,5 tấn/héc-ta. Toàn bộ sản phẩm được Công ty TNHH Angimex - Kitoku mua với giá 8.400 đồng/kg lúa khô, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi từ 30 - 35 triệu đồng/héc-ta.

31/07/2013
Bác Bỏ Tin Đồn Về Trường Hợp “Mít Non Nhúng Thuốc Trung Quốc” Bác Bỏ Tin Đồn Về Trường Hợp “Mít Non Nhúng Thuốc Trung Quốc”

Chỉ vì tin đồn thất thiệt “mít non nhúng thuốc Trung Quốc bán tràn lan ngoài thị trường” mà nhà vườn trồng mít ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) và các địa phương lân cận phải lao đao vì giá giảm thê thảm, gây thiệt hại rất lớn.

31/07/2013
Liên Kết Bám Biển Thời Xăng Dầu Tăng Giá Liên Kết Bám Biển Thời Xăng Dầu Tăng Giá

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng giá xăng dầu tăng 3 lần, hàng ngàn tàu cá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gặp khó. Chi phí nhiên liệu tăng cao nhưng tôm, cá, mực... lại mất giá; sau chuyến biển thu không đủ bù chi. Khoảng nửa tháng nay, nhiều chiếc tàu ra khơi cầm chừng.

31/07/2013
Keo Giống Hút Hàng Keo Giống Hút Hàng

Gần đây, do lợi nhuận từ việc trồng keo giấy khá cao, nông dân Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) mở rộng diện tích trồng keo giấy vụ mới. Hiện nay, các vườn ươm tại Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) bán cây con (chủ yếu giống keo giâm hom) dao động từ 600 đồng đến 700 đồng/1 cây keo giấy, tuy nhiên nguồn cung cũng chỉ đủ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trồng rừng của người dân. Trung tâm Dịch vụ thương mại Khánh Vĩnh đã mua 165.000 cây keo lai giâm hom từ các tỉnh khác để đáp ứng nhu cầu trồng rừng của bà con.

31/07/2013