Dưa hấu Nghi Long được mùa kép
Ông Nguyễn Tứ Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Long (Nghi Lộc - Nghệ An) phấn khởi: “Hôm qua có trên 10 chiếc xe tải nằm dọc cánh đồng dưa hấu để “ăn hàng”. Năm nay, dưa hấu được mùa lại được giá, nông dân Nghi Long thắng lớn!”...
Do trời nắng nóng, việc thu hái dưa ở xã Nghi Long chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Nhiều lều bạt đã được dựng trên các thửa ruộng để bảo quản dưa và chờ tư thương thu mua.
Nhộn nhịp nhất vẫn là không khí thu hoạch dưa tại xóm 13. Cả xóm hiện có trên 100 hộ trồng dưa với diện tích trên 19 ha. Những ngày này, lao động đi làm ăn xa, đi làm thợ ở vùng phụ cận đều trở về thu hoạch dưa. Không khí thu hoạch hối hả, gia đình nào cũng muốn tranh thủ thu hoạch thật nhiều dưa vào thời điểm giá cao.
Đêm đến, đèn điện thắp sáng choang giữa các cánh đồng, người lớn, người già, trẻ nhỏ đều tập trung ra đồng như hội. Một phần, dưa được các tư thương đến tận ruộng thu mua, phần nữa các hộ dân tự vận chuyển vào tận TP Vinh, TX Hoàng Mai … tiêu thụ.
Lão nông Nguyễn Văn Phượng, xóm 13 năm nay đã ngoài lục tuần nhưng vẫn hăng hái cùng con cháu ra đồng: “Chưa năm nào thắng lớn như năm nay chú à! Nhà tôi trồng 2.500 m2 dưa hấu, 300 m2 dưa lê xen lẫn dưa vàng, dù mới vào vụ thu hoạch nhưng đã bán được 4 tấn dưa hấu, gần 1 tấn dưa lê.
Năm nay, giá dưa cao nên chúng tôi rất phấn khởi. Dự tính còn khoảng 6 tấn dưa hấu nữa, nếu trong 1 tuần tới, giá vẫn giữ nguyên, trừ chi phí đầu tư, ngày công chăm bón, gia đình tôi sẽ đút túi trên 70 triệu đồng sau hơn 2 tháng vất vả chăm sóc. Chi phí đầu tư cho mỗi sào dưa (500 m2) chỉ trên dưới 1 triệu đồng, tính ra lãi ròng cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lạc, đậu”.
Ông Nguyễn Tứ Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Long cho biết thêm: Ngày cao điểm, toàn xã bán được trên 50 tấn dưa các loại, thu về trên 350 triệu đồng. Những năm trước, năng suất bình quân chỉ đạt 2 tấn dưa hấu/sào/vụ nhưng năm nay có thể đạt trên 2,2 tấn. Có quả dưa lên tới 6-7 kg, ruột đặc, đỏ, ngọt lịm. Năm ngoái, giá dưa chỉ 5000đ/kg nhưng năm nay ở mức 7.000đ/kg (dưa hấu) và 15.000đ/kg (dưa lê).
Những người trồng dưa lâu năm ở Nghi Long giải thích, sở dĩ dưa hấu năm nay được mùa là nhờ nắng nóng kéo dài. Cây dưa rất phù hợp với đất cát nóng, cần có lượng ánh sáng nhiều và nước tưới đủ để sinh trưởng, phát triển. Nghi Long có nguồn nước ngầm dồi dào, đủ phục vụ tưới cho cây dưa.
“Ở đây, chỉ cần 3 trăm nghìn đồng là khoan được 1 giếng khoan, máy hút hàng giờ liền không cạn nên hộ trồng dưa nào cũng có ít nhất 1 giếng. Bên cạnh đó, hệ thống mương máng tưới tiêu được bê tông hóa đến tận chân ruộng rất thuận lợi cho cây trồng phát triển. Vào chính vụ thu hoạch dưa, nếu trả 250.000đ/công lao động để đi làm thuê, con em Nghi Long vẫn bỏ về thu hoạch dưa” – ông Nguyễn Hữu Đường, bí thư chi bộ xóm 13 cho biết.
Được biết, trước đây những cánh đồng đất cát bạc màu dọc QL 1A của xã Nghi Long được trồng lạc, ngô, vừng… Năm 2005, UBND xã trồng thử nghiệm 5 ha dưa hấu. Cây dưa hấu thích nghi đến khó tin trên đồng đất Nghi Long, hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần so với các cây trồng khác.
Hằng năm, UBND xã Nghi Long tổ chức các đợt tập huấn kỹ thuật và đưa nhiều giống dưa vào để nông dân tự lựa chọn. Sau nhiều năm sàng lọc, Nông Trang 755 đang là giống dưa chủ lực tại địa phương này. Đến nay, toàn xã đã mở rộng diện tích trồng dưa hấu lên 40 ha tại các xóm 3, 4, 5, 13, 14, 15…Dưa hấu Nghi Long được tiếng là ngon, không chỉ phục vụ nhu cầu tại địa phương và vùng phụ cận mà còn chinh phục được những thị trường khó tính tại các tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng…
Có thể bạn quan tâm
Hồ tiêu Việt Nam chiếm 30% sản lượng và hơn 50% thị phần giao dịch toàn cầu, điều quan trọng hơn là vai trò và vị trí ngành hồ tiêu Việt Nam từng bước được nâng cao khi các nước bắt đầu lấy giá bán của Việt Nam để tham khảo. Mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu thế giới - IPC đề nghị chuyển trụ sở từ Indonesia, quốc gia có lượng hồ tiêu nhiều nhất trước đây, sang Việt Nam.
Cho vay vốn để mua bò chăn nuôi là mô hình không mới nhưng cách làm mới ở Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Đức Linh (Bình Thuận) là để dân tự chọn bò trước rồi giải ngân là cách làm hay giúp dân thoát nghèo bền vững…
Những năm gần đây, nhiều người ở huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã triển khai thành công mô hình nuôi chim bồ câu theo hướng công nghiệp - đầu tư ít mà nhanh thu hồi vốn. Tuy nhiên, mô hình này cũng đang đứng trước không ít khó khăn về vấn đề tiêu thụ.
Trong đó: 2.916ha ngô; 1.510ha lúa nương; 591,9ha sắn; còn lại những loại cây trồng khác. Vụ đông xuân năm nay ở Mường Chà được mùa là động lực để bà con nông dân tích cực làm cỏ đợt 1 và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây trồng trên nương.
Chiều 2-6, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến thời điểm này, đã có hơn 56ha tôm bị dịch bệnh, chủ yếu là bệnh đốm trắng do virus gây nên, chiếm khoảng 10% diện tích hồ nuôi. Dịch bệnh xảy ra nhiều nhất ở huyện Tư Nghĩa với trên 30ha, huyện Bình Sơn gần 10ha. Tại Bình Định, theo cơ quan chuyên môn, cũng đã có hơn 70ha mặt nước nuôi tôm bị dịch bệnh phải thu hoạch sớm…