Đưa Hàng Việt Sang Châu Phi
Thị trường châu Phi là một trong những nơi để doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu, nằm trong chiến lược đa dạng hóa thị trường nhằm tránh phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc
Trong 2 ngày 25 và 26/6, tại diễn đàn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng (NH) châu Phi và các nước ASEAN khối Pháp ngữ tổ chức ở TP HCM, nhiều chuyên gia tham dự đều đánh giá tiềm năng trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nước châu Phi là rất lớn.
Thiếu sự kết nối của ngân hàng
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, năm 2013, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - châu Phi đạt 4,29 tỉ USD, tăng hơn 22% nhưng chưa tương xứng với tiềm năng nên cần thúc đẩy quan hệ hợp tác, tăng cường trao đổi thương mại giữa 2 khu vực.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang châu Phi gồm gạo, máy vi tính, điện thoại và linh kiện các loại, thủy sản, cà phê, sản phẩm dệt may. Doanh nghiệp (DN) Việt nhập khẩu từ thị trường này chủ yếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như hạt điều thô, bông, sợi, dầu thô, gỗ.
Theo các DN, khó khăn lớn nhất hiện nay trong hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường châu Phi là rủi ro về thanh toán. Dù kim ngạch xuất khẩu hàng tỉ USD vào thị trường này nhưng DN Việt đang phải xuất qua một nước thứ ba ở châu Âu, rồi DN châu Âu mới xuất tiếp sang châu Phi. Ngay việc thanh toán, do Việt Nam chưa có NH thương mại nào mở chi nhánh tại châu Phi nên DN cũng phải qua một NH quốc tế của nước thứ ba.
Ông Nguyễn Văn Chiểu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết từ năm 1998, DN đã sang châu Phi nhập khẩu hạt điều nguyên liệu. Đến nay, lượng nhập khẩu ngày càng lớn nhưng hầu hết phải thông qua các DN trung gian ở Singapore, Ấn Độ.
DN Việt rất muốn được mua bán trực tiếp với DN bản địa nhưng sợ rủi ro thanh toán. “Ngay Bờ Biển Ngà là nước xuất khẩu điều thô lớn nhất thế giới, nơi DN Việt nhập hạt điều nhiều nhất, cũng chưa có chi nhánh NH Việt Nam nên gặp nhiều khó khăn” - ông Chiểu dẫn chứng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Giám đốc bộ phận thanh toán quốc tế NH TMCP An Bình (ABBank), nhận xét thị trường châu Phi rất tiềm năng nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức và vai trò của NH thương mại Việt chưa nhiều.
Cuối năm ngoái, ABBank có theo đoàn của Bộ Công Thương qua châu Phi tìm hiểu thị trường. Về nước, ABBank thiết lập quan hệ NH đại lý với một NH tại châu Phi nhưng không phải NH bản địa mà là NH quốc tế có chi nhánh tại đây. Do đó, cần có giải pháp cụ thể kết nối DN Việt với thị trường châu Phi qua hệ thống NH thương mại.
Gỡ nút thắt bằng “hàng đổi hàng”
Ông Nguyễn Văn Chiểu cho biết Vinacas đang triển khai đề án xuất khẩu gạo và nhập khẩu điều thô tương ứng giá trị với Bờ Biển Ngà vào đầu năm 2015. Sẽ có khoảng 200.000 tấn gạo được xuất khẩu thí điểm theo mô hình “gạo đổi điều”. “Trở ngại trong thanh toán giữa 2 thị trường sẽ được giải quyết bằng mô hình này. Nếu thành công, không chỉ gạo mà một số mặt hàng chủ lực của Việt - Phi có thể tiếp tục, như nông sản Việt đổi lấy bông, sợi, gỗ” - ông Chiểu nói.
Thực tế, mô hình “hàng đổi hàng” để giải quyết rủi ro thanh toán đã được ngành điều trình Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Lý do là tự DN triển khai đề án rất khó vì liên quan đến hạn ngạch xuất khẩu gạo, giá sàn… Gần đây, đề án được khơi lại và có triển vọng khi liên tiếp các đoàn DN châu Phi làm việc với Vinacas để bàn về hợp tác mua bán, đầu tư. Cuối tháng 5-2014, tại hội nghị khách hàng toàn cầu của ngành điều Việt Nam, DN từ châu Phi sang khá đông và rất quan tâm đề án này.
Theo các chuyên gia, để mô hình “hàng đổi hàng” thành công, cần sự tham gia của chính phủ 2 nước Việt Nam và Bờ Biển Ngà nhằm hỗ trợ về hạn ngạch, thuế, thủ tục xuất nhập khẩu. Các NH thương mại cũng phải vào cuộc, tài trợ để DN đứng ra làm đầu mối thu gom gạo xuất khẩu hoặc ngược lại… DN cũng kỳ vọng Bộ Ngoại giao vào cuộc bởi tại nhiều nước ở châu Phi, Việt Nam chưa có đại sứ quán, tham tán nên DN không mạnh dạn mở nhà máy, lập chi nhánh NH.
Sẽ có chương trình hành động cụ thể
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết sau khi kết thúc diễn đàn sẽ báo cáo kết quả và xin chỉ đạo của Chính phủ để xây dựng chương trình hành động với những mục tiêu, định hướng, biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Phi. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển, nhu cầu tự chủ của Việt Nam và cả các nước châu Phi để tránh lệ thuộc quá lớn vào một vài thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều đối tượng nuôi cho hiệu quả kinh tế cao như: cá rô phi, ba ba, tôm càng xanh… đặc biệt con cá lóc bông được thị trường ưa chuộng đem lại thu nhập cao, ổn định, được xác định là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của nông dân Nghĩa Hưng.
“Thời buổi kinh tế khó khăn, số tiền 30 triệu đồng mà Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) cho vay hết sức ý nghĩa với gia đình tôi. Có vốn, tôi sửa sang lại chuồng trại và đầu tư thêm thức ăn cho đàn gà”- ông Đỗ Trọng Bình (thôn Bình Phú, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) tâm sự.
Anh Đỗ Tiến Hùng quê ở Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội làm nghề bán đinh lăng gần 10 năm nay. Gần đây, anh Hùng mua được gốc đinh lăng có tuổi đời 62 năm với giá gần 10 triệu đồng, sau đó anh bán lại cho một khách quen với giá 20 triệu đồng.
Vụ mùa năm 2014, huyện Hạ Hòa gieo cấy gần 3.500ha lúa, trong đó diện tích lúa lai chiếm hơn 48%, lúa chất lượng cao 8,76%, còn lại là lúa thuần. Đến thời điểm này, nhiều diện tích lúa đã cho thu hoạch với năng suất ước 54 tạ/ha. Một số cây màu vụ mùa như: Ngô năng suất ước 42 tạ/ha; lạc năng suất ước 16,5 tạ/ha; đậu, đỗ các loại 19,9ha.
Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật, rầy tiếp tục gia tăng mật độ và gây hại mạnh trên các trà lúa giai đoạn ngậm sữa - đỏ đuôi, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng gây cháy chòm, cháy ổ từ khoảng ngày 15-9 trở đi. Các huyện cần chú ý: Yên Lập, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Tam Nông, Hạ Hòa, TP Việt Trì...