Quảng Ninh Sốt Ốc Mút Các Huyện Miền Đông
Ốc mút - như tên dân dã của nó - vốn chẳng phải là loại đặc sản cao cấp gì. Thế nhưng thời gian gần đây, ốc mút lại đang lên “cơn sốt” ở một số huyện miền Đông như Đầm Hà, Hải Hà (Quảng Ninh)... Người ta đổ xô đi bắt ốc mút để bán cho các thương lái Trung Quốc. Mặc dù hỏi chính các chủ buôn là thu mua ốc mút về làm gì thì ai cũng lắc đầu: Không biết!...
Gọi là ốc mút vì loài ốc này rất nhỏ, nhưng vỏ lại rất cứng và muốn ăn thì phải đập trôn ốc, sau đó mút lấy ruột ốc… Từ xưa đến nay, nhất là thời kỳ mà các loại ốc còn phong phú trong tự nhiên, thì chả mấy khi người ta ăn ốc mút, may ra chỉ có bọn trẻ thỉnh thoảng hay nhặt về luộc ăn chơi…
Thế nhưng gần đây ốc mút tự dưng “có giá”. Ngày nghỉ, chúng tôi ra bãi biển ở khu vực Hải Hà cùng một nhóm bạn học sinh. Và thực sự không khỏi ngạc nhiên khi thấy nhiều người đi bắt ốc mút đến thế! Từ con trai, con gái, người già, người trẻ… người thì mang theo cái rổ nhựa, người mang bao tải, hay có người chỉ mang cái tui nilon đơn giản, tất cả đều chỉ một công việc: Tìm bắt những con ốc mút bé tí teo!
Tôi làm quen với một cậu bé đang lúi húi nhặt ốc vào rổ. Em bảo em đang học lớp 7 ở Trường PTCS Quảng Chính. Hôm nay chủ nhật nên em theo mẹ ra biển nhặt ốc bán kiếm tiền thêm”. Người phụ nữ đi bên cạnh (chắc là mẹ cậu bé, người thôn 5, xã Quảng Chính) thì cho biết thêm: Tuỳ thời tiết, nếu tốt thì mỗi ngày bà bắt được khoảng 1 tạ ốc, còn bình thường thì khoảng 70 - 80kg. Riêng hôm nay đông người bắt, chắc chỉ được khoảng 30kg thôi.
Một người đàn ông tầm tuổi trung niên tên là Đường (ở xã Quảng Điền, huyện Hải Hà) vừa xóc rổ ốc cho sạch cát trong một vũng nước nhỏ trước khi bỏ vào bao, vừa nói: “Ốc này chúng tôi bán tại bãi cho thương lái với giá 2.200 đồng/kg. Mỗi rổ ốc khoảng 5kg, cả ngày kiếm lấy 10 rổ cũng được hơn trăm nghìn để chi tiêu…”.
Ốc mút hầu như có ở khắp bãi biển của Hải Hà, nhưng để bắt được nhiều thì phải đi ra bãi xa, gần mép biển. Ở đó các thương lái cho đậu bè sẵn. Mọi người bắt ốc và bán luôn tại chỗ cho họ.
Tuy là tự phát, nhưng những người đi bắt ốc cũng chia nhau theo nhóm để vừa trò chuyện, vừa dễ gom vào bán cho thương lái một thể. Thỉnh thoảng một thương lái lại đi kiểm tra một vòng xem ốc có đạt tiêu chuẩn hay không và chỉ chỗ ốc đẹp cho mọi người vào bắt. Thường thì chỉ bắt ốc ngoài bãi tự nhiên, nhưng cũng có khi những người đi bắt ốc được sự cho phép của chủ bãi nuôi nghêu để vào trong bãi bắt...
Cuối ngày, mọi người hối hả khiêng, gánh những bao ốc của mình xếp hàng tại bè của các lái buôn để bán. Chủ buôn đào sẵn 1 hố cát rộng ngay cạnh bè để người bán rửa sạch cát bám trên thân ốc trước khi cho vào bao đem lên cân. Cô Hạ (thôn Bắc, xã Phú Hải) cười bảo tôi: “-Hôm nay cô mới đi bắt ốc mút lần đầu cháu ạ! Cũng vì thấy nhiều người đi bắt quá nên rủ mấy chị em, cô cháu cùng xóm đi xem sao…”.
Cuối buổi cân ốc bán, cô Hạ bắt được 42kg. Tính ra chưa đủ 100.000 đồng. “-Người ta bảo do khai thác nhiều quá nên ốc không còn nhiều như thời gian đầu. Người bắt giỏi cả ngày cũng chỉ được 60kg thôi!” - Cô Hạ bảo thế..
Các chủ buôn thu mua ốc mút ngay tại bãi biển.
Chị Vân (ở xã Quảng Chính) đứng bên cạnh chờ tới lượt cân ốc thì lại tỏ ra có kinh nghiệm hơn. Chị bảo, có lần chị đi 4 con nước liền, hôm nào cũng được trên dưới một tạ ốc. Hôm nay chị đi muộn nên ra đây bắt, chứ bình thường thì chị cùng mấy người ở xóm đi đò ra đảo bắt mới được nhiều.
Hỏi mới biết, một số thương lái còn dùng đò chở cả trăm người ra đảo, lên tận bãi trên Đầm Hà v.v.. để bắt ốc. Như chị Vân nói, ốc ngoài đó nhiều hơn, vơ tay được cả nắm, mà con nào cũng đều nhau, chứ không như bãi trong này phải dùng hai tay vừa nhặt vừa chọn lựa, vì nếu ốc non thì người ta không thu mua. Vậy nên đi xa tuy tốn ít chi phí tiền đò nhưng bù lại, thu hoạch cũng khá hơn, nhiều khi bắt được đến 1 - 2 tạ ốc, bán được 3 - 4 trăm nghìn đồng/buổi là chuyện bình thường.
Khi được hỏi về việc ốc mút được thu mua để làm gì thì hầu hết mọi người đều lắc đầu không biết. Người ta bảo, chỉ biết thương lái thu mua thì mình đi bắt để bán. Có người đoán: Chắc bên Trung Quốc người ta thu về để chế biến thức ăn gia súc, làm mắm hoặc có thể chỉ là xuất khẩu sang làm một món ăn bình dân chăng…?
Không chỉ người đi bắt ốc mút không biết, mà ngay cả những chủ buôn chuyên đi mua ốc của người dân để bán cho thương lái Trung Quốc cũng chẳng hơn gì. Vừa cân ốc cho bà con, vợ chồng chị chủ bè thu mua ốc vừa cười bảo: “Ốc này để mang xuất khẩu nước ngoài đấy. Họ thu mua để làm gì thì mình không biết, nhưng người ta mua thì mình cũng đi thu lại bán thôi”.
Việc thu mua hải sản không rõ mục đích của thương lái Trung Quốc trước nay vẫn là vấn đề mà chúng ta không thể coi nhẹ. Để thất thoát tài nguyên rồi sau đó lại chịu chi phí cao cho sản phẩm nhập khẩu vẫn là một vấn đề lớn đối với người tiêu dùng trong nước… Vậy nên, thiết nghĩ cơ quan chức năng nên xem xét, nếu thấy quả là có lợi thì tạo điều kiện cho bà con; còn nếu thấy hại thì cũng có biện pháp kịp thời, đừng để sau này hối tiếc…
Có thể bạn quan tâm
Nghề nuôi rắn ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) mới xuất hiện vài năm gần đây nhưng đã phát triển mạnh và sản phẩm rắn đã xuất khẩu ra nhiều nước trong khu vực châu Á, đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho người dân.
Tỉnh Đồng Nai, nơi được coi là “vương quốc heo” đang điêu đứng vì giá heo liên tục tụt dốc, từ 52.000 đ/kg nay chỉ còn 42.000 đ/kg. Điều đáng nói, trong khi nhiều mặt hàng như lúa gạo, cá ba sa, cá tra khi giá rớt “đáy” Chính phủ đều có gói giải pháp để cứu, nhưng con heo thì chẳng thấy ai quan tâm.
Ông Lộc Mậu Triển - Chủ tịch HĐQT Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Chiềng Sung đã trở thành người bạn thân thiết của nhà nông Tây Bắc, là người có công đầu đưa Sơn La thành vựa ngô của cả miền Bắc.
Nhiều nhà vườn ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết, thanh long ruột đỏ là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, dễ tiêu thụ, cho năng suất và giá trị kinh tế cao.
Những ngày tháng 5 trời nắng gắt, cá mú con vào rạng khá dày. Ngư dân vùng biển Gành Rái, xã Chí Công (Tuy Phong, Bình Thuận) thu nhập khấm khá từ bắt cá mú con.