Động Thổ Trang Trại Chăn Nuôi Bò Sữa Ứng Dụng Công Nghệ Cao
Sáng ngày 7/5 tại Nông trường Suối Giai thuộc 2 xã Phước Sang, Tân Hiệp, huyện Phú Giáo, Công ty Cổ phần Đường Bình Dương đã làm lễ động thổ Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao với tổng mức đầu tư 215,4 tỷ đồng, trên diện tích 471,86 ha. Quy mô chăn nuôi 3.500 con bò sữa với sản lượng đạt trên 8 triệu kg sữa/năm. Dự án không chỉ trực tiếp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, mà còn góp phần tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến
Trang trại ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công việc quản lý điều hành. Vì vậy, tất cả các hoạt động liên quan đến quản lý và chăm sóc đàn bò sẽ được vận hành thông qua phần mềm quản lý đàn tiên tiến của châu Âu. Chuồng trại được thiết kế theo một quy trình khép kín, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của bò và kế hoạch chu chuyển đàn tổng thể. Tuy bò được nuôi tập trung nhưng mở ra không gian để tự do đi lại trong chuồng có mái che phủ. Mỗi khu chuồng đều có sân chơi được bố trí xen kẽ với từng khu vực chuồng trại, vừa có tác dụng cách ly cục bộ, tạo độ thông thoáng, vừa bảo đảm sự thoải mái thư giãn nhất cho đàn bò.
- Mỗi con bò có khung nằm riêng biệt được lót đệm cao su nhập khẩu từ châu Âu được thiết kế đặc biệt để phù hợp với công nghệ nuôi nhốt mới, bảo đảm chỗ bò nằm luôn luôn được khô ráo, sạch sẽ, không gây ẩm mốc là nguyên nhân phát sinh vi sinh vật gây hại cho bò. Công nghệ điều khiển vi khí hậu trong chuồng còn có tác dụng chống stress nhiệt cho bò bằng hệ thống quạt và phun nước được kiểm soát bởi máy đo và phần mềm quản lý.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mía đường II Bùi Thị Thanh Trà cho biết: Dây chuyền vắt sữa tự động được quản lý và vận hành bằng phần mềm kết nối với hệ thống dữ liệu ghi nhận từ chip điện tử đeo cổ bò, phân tích dữ liệu để đưa ra các báo cáo kịp thời về tình hình sức khỏe của đàn hoặc của từng cá thể bò, từ đó giúp đưa ra những chế độ dinh dưỡng và chăm sóc phù hợp hơn làm tăng tính hiệu quả và an toàn của công đoạn vắt sữa, bảo đảm chất lượng và sản lượng sữa.
Hệ thống làm lạnh tự động và quản lý chất lượng sữa bằng việc tự động điều chỉnh hạ nhiệt độ của sữa xuống ở mức nhiệt độ phù hợp hơn, từ đó có thể giữ sữa tươi được nhiều ngày. Dinh dưỡng cho bò được áp dụng công nghệ phối trộn hỗn hợp (TMR - Total Mix Ration) được lập trình kết nối với phần mềm quản lý dinh dưỡng theo TMR và phần mềm quản lý đàn để kiểm soát việc cho ăn phù hợp theo từng lứa tuổi và từng nhóm bò.
Về công nghệ dinh dưỡng, trang trại còn có thiết bị trộn rải thức ăn di động chuyên dùng đảm trách nhiệm vụ trộn thức ăn hỗn hợp theo chỉ số quy định bởi phần mềm quản lý dinh dưỡng ra quyết định chế độ dinh dưỡng phù hợp cho từng lứa tuổi bò và từng nhóm bò cụ thể. Với đặc điểm ứng dụng các công nghệ và thiết bị tiên tiến giúp các giải pháp về phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường của dự án được tốt hơn và thực hiện đúng quy định pháp luật.
Dễ chuyển giao cho nông dân
Tổng Giám đốc Công ty Đường Bình Dương Nguyễn Thanh Trung cho biết: Dự án tập trung xây dựng và chuyển giao cho nông dân Mô hình chăn nuôi nông hộ kiểu mẫu (Demo farm) để đào tạo và chuyển giao công nghệ cho nông dân. Mô hình chăn nuôi nông hộ kiểu mẫu được xây dựng sao cho phù hợp với người nông dân có ít đất đai và nguồn vốn đầu tư không nhiều từ 2 - 4 con bò ban đầu và phát triển lên nông hộ quy mô 30 đầu bò.
Thông qua Demo Farm, Chủ đầu tư dự án sẽ có cơ hội giúp người nông dân áp dụng mô hình nuôi nhốt tập trung tiên tiến phù hợp với điều kiện hạn chế của một hộ gia đình. Ví dụ như áp dụng công nghệ dinh dưỡng cho bò ăn uống đúng khẩu phần và đúng thời gian quy định theo từng lứa và nhóm; Hoặc áp dụng công nghệ thiết kế để thiết kế không gian chuồng và sân chơi cho bò vận động, có hệ thống quạt và phun mưa làm mát không khí trong chuồng bò làm bò không bị stress do nhiệt độ cao;
Áp dụng hệ thống vắt sữa bằng máy bán tự động giúp thu được lượng sữa không bị hao hụt nhiều và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; Thiết lập hệ thống thu gom phân gọn và sạch sẽ để áp dụng hệ thống Biogas... Quan trọng là tất cả những ứng dụng từ chuyển giao công nghệ này đều được tính toán với quy mô và yêu cầu tài chính hoàn toàn phù hợp với khả năng của người nông dân hiện nay.
Bước đầu công ty sẽ chọn nhân sự và gửi đi các nước Hà Lan, Pháp, Canada, Mỹ để học tập kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ để sau đó về nước xây dựng, điều khiển trại kiểu mẫu và chuyển giao cho nông dân áp dụng.
Bảo đảm đầu ra ổn định
Công ty kết hợp với Công ty Friesland Campina VN (Sữa Cô gái Hà Lan) mở các lớp đào tạo hướng dẫn nông dân trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc bò, chế biến thức ăn TMR, hướng dẫn cách vắt sữa và bảo quản sữa, xây dựng quy trình canh tác trồng cỏ đạt hiệu quả và năng suất cao tạo tiền đề cùng với những hộ nông dân trên địa bàn xây dựng cộng đồng chăn nuôi bò sữa có quy mô lớn. Kết quả điều tra của Cục Thống kê cho thấy: Chỉ số tiêu thụ sữa tươi ở Việt Nam chỉ đạt 14 kg/người/năm. Trong khi ở các nước đang phát triển trong khu vực tiêu thụ từ 30 - 60 kg sữa/người/năm và các nước phát triển là 118 kg/người/năm.
Trang trại chăn nuôi bò sữa áp dụng công nghệ cao của dự án là mô hình mới của ngành chăn nuôi bò sữa tỉnh Bình Dương, phù hợp với quan điểm phát triển chăn nuôi của ngành, của tỉnh và có khả năng nhân nhanh đàn bò sữa chất lượng cao. Dự án tạo ra nhiều việc làm cho người lao động trong vùng trong suốt thời gian xây dựng, cũng như khi đưa vào khai thác sử dụng, tạo ra một vùng chăn nuôi bò sữa theo công nghệ tiên tiến, kỹ thuật cao cung cấp và đáp ứng một phần nguồn sữa nguyên liệu đạt chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Dự án góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho huyện Phú Giáo nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung và góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong tỉnh.
Ngành chăn nuôi bò sữa đã và đang từng bước phát triển, gặt hái được những thành công ban đầu trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tham gia vào quá trình xóa đói giảm nghèo ở vùng nông thôn, ngoại thành. Việc đầu tư xây dựng trang trại bò sữa, ứng dụng công nghệ cao sẽ tạo tiền đề tốt cho sự phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa của tỉnh Bình Dương nói riêng và của Việt Nam nói chung.
- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Tiến sĩ TỐNG XUÂN CHINH: Người nông dân rất cần cù và sáng tạo
Bò sữa không phải là con nuôi truyền thống mà được du nhập từ nước ngoài. Nhờ chủ trương của Chính phủ mà những năm gần đây nghề chăn nuôi bò sữa đã phát triển rộng rãi từ khắp nơi trên cả nước. Bình Dương có khí hậu nóng, nên việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, trồng trọt sẽ rất thuận lợi. Với sự cần cù, sáng tạo của người nông dân trong việc chăn nuôi bò sữa sẽ giúp Việt Nam chủ động hơn về nguồn sữa, ít bị lệ thuộc vào nước ngoài và góp phần bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe cho toàn dân.
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN THANH LIÊM: Dự án có ý nghĩa quan trọng
Nhờ ứng dụng công nghệ cao đã giúp giá trị sản xuất nông nghiệp của Bình Dương đạt hiệu quả cao, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao có ý nghĩa quan trọng đối với Bình Dương và ngành nông nghiệp, hình thành vùng chăn nuôi tập trung, kiểm soát tốt dịch bệnh. Gắn chăn nuôi, trồng trọt với chế biến, tạo giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm
Trồng dưa leo trong vườn cao su là sáng kiến của anh Hồ Ngọc Phố ở ấp 8C, xã Lộc Hòa (Lộc Ninh - Bình Phước). Tuy mới đưa vào thử nghiệm nhưng bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ ngày 1.7.2012, hàng năm, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước.
Với niềm đam mê nuôi chim chóc từ thuở còn để chỏm, cộng với tính ham học hỏi, anh Lê Hữu Dũng ở thôn Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị đã trở thành triệu phú từ nghề nuôi chim cút.
Vụ đông xuân 2011 - 2012, Trạm khuyến nông huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã xây dựng mô hình trồng lạc giống mới L14 thâm canh năng suất cao. Mô hình được thực hiện với quy mô 3 ha tại xứ đồng Tre, thôn Thọ Tây, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), với 35 hộ nông dân tham gia.
Từ một hộ nghèo ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh, bằng sự chăm chỉ và mạnh dạn đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, mô hình nuôi dê và lợn rừng của gia đình anh nông dân Lương Văn Say đã đem lại hiệu quả kinh tế cao