Cởi trói lúa gạo Việt Nam gạo Việt Nam đã thua Thái Lan và Campuchia
Bài 4: Gạo Việt Nam đã thua Thái Lan và Campuchia
LTS: Để có cái nhìn sâu hơn vào những vấn đề tồn đọng và các giải pháp cho bài toán lúa gạo Việt Nam, phóng viên Tuần Việt Nam trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD).
Quy mô nhỏ lẻ khiến sản xuất khó khăn, tăng chi phí
Thưa ông, chính sách hạn điền ảnh hưởng thế nào đế phát triển ngành nông nghiệp và lúa gạo nói chung, trong bối cảnh hội nhập Đàm phán Thương mại Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)?
- Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và TPP, AEC nói riêng với sự cắt giảm rào cản thuế quan tạo ra sức ép cạnh tranh cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Thay vào đó, các nước sẽ tập trung sử dụng hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn trong các quan hệ thương mại.
Sản phẩm nông sản của Việt Nam có tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường của các thị trường tiêu dùng khó tính.
Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên là do quy mô đất đai ở Việt Nam quá thấp, bình quân dưới 0,5 ha/hộ. Qui mô sản xuất nhỏ lẻ khiến cho việc tổ chức sản xuất, tổ chức ngành hàng và liên kết chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn, gây phức tạp cho quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, và kiểm soát dịch bệnh, tăng chi phí sản xuất và chi phí giao dịch, khó áp dụng khoa học công nghệ mới.
Tập trung đất đai là chủ trương lớn đã được đặt ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 7 về vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn (Tam Nông) để tiến đến một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Luật Đất đai 2013 cũng đã nới rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) của hộ gia đình so với quy định trước đây.
Tuy nhiên, quá trình tập trung đất đai diễn ra một cách rất chậm chạm. Nguyên nhân chính là do thị trường đất nông nghiệp hoạt động rất yếu ớt do:
- Khả năng thu hút lao động của khu vực công nghiệp dịch vụ yếu. Đồng thời, sự tập trung quá mức vào việc phát triển một số đô thị công nghiệp lớn có ít khả năng thu hút lao động tăng thêm hàng năm từ khu vực nông thôn.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2014 có 66,9% dân số và 69,6% lực lượng lao động vẫn tập trung ở khu vực nông thôn - trong đó lực lượng lao động đang làm việc trong khu vực nông lâm thủy sản là 46,3%, và con số này giảm rất chậm trong thời gian qua. Phần lớn lực lượng lao động mới được tạo ra hàng năm đều bị giữ lại trong khu vực nông thôn.
- Phần lớn lực lượng lao động rút ra từ khu vực nông thôn tham gia vào lực lượng lao động phi chính thức (chiếm 77% lực lượng lao động) do lao động nông thôn phần lớn là lao động giản đơn (chiếm 47,6% tổng lao động có việc làm).
Đối diện với những rủi ro về an sinh xã hội, việc không đảm bảo điều kiện về nhà ở, trường học cho con cái nên người lao động di cư vẫn giữ đất ở quê. Đất đai đã chuyển từ vai trò “tư liệu sản xuất” sang thành “vật bảo hiểm rủi ro”. Lao động rút ra khỏi khu vực nông nghiệp nhưng vẫn giữ đất đã tạo ra tình trạng bỏ hoá và giảm đầu tư vào đất diễn ra khá phổ biến. Kết quả là đất đai không được tập trung vào tay những người nông dân sản xuất giỏi nhất.
- Trong khi đó, nông hộ nhỏ chưa có đủ điều kiện về tài chính, kỹ năng sản xuất và quản lý, thông tin và quan hệ xã hội để tập trung ruộng đất. Đồng thời, thủ tục chuyển nhượng đất đai phức tạp nên rất khó khăn cho nông hộ ngay cả các doanh nghiệp tham gia mua hoặc thuê đất nông nghiệp.
Qui mô sản xuất nhỏ lẻ khiến Việt Nam khó quản lý chất lượng, kiểm soát dịch bệnh và áp dụng khoa học công nghệ mới.
Thời gian canh tác, gối vụ ngắn khiến chất lượng thấp
Khả năng cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam, nông dân Việt Nam với các nước mới nổi khác như Myanmar, Ấn Độ,.. đặc biệt khi nước ta đang hội nhập sâu rộng hơn, đồng nghĩa hàng rào thuế quan sẽ có xu hướng dỡ bỏ?
- Khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao nói chung và gạo chất lượng cao nói riêng. Gạo Việt Nam có chất lượng thấp hơn so với gạo Thái Lan và Campuchia do người nông dân sử dụng các giống canh tác ngắn ngày (3 tháng/vụ) và trồng 2-3 vụ/ năm để tận dụng đất đai hạn hẹp, thời gian sinh trưởng ngắn. Trong khi đó, gạo của 2 nước trên chủ yếu là gạo một vụ, chất lượng ngon, an toàn và giá cả cạnh tranh hơn.
Sau khủng hoảng lương thực thế giới năm 2007 - 2008, các nước xuất khẩu và nhập khẩu gạo đều đẩy mạnh sản xuất lúa gạo, đảm bảo an ninh lương thực, tránh lệ thuộc vào nhập khẩu lúa gạo đã dẫn đến cung vượt quá cầu. Người tiêu dùng các nước nhập khẩu gạo chính như Trung Quốc cũng yêu cầu gạo chất lượng cao, an toàn.
Do đó, ngay cả khi chưa hội nhập, ngành lúa gạo Việt Nam đã bị cạnh tranh gay gắt. Khi mở cửa theo cam kết, gạo Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn hơn nữa. Để nâng cao khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo hướng tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực (Myanmar, Thái Lan…) ngày càng lớn, có nên nới lỏng điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu gạo (Nghị định 109), để tạo điều kiện xuất khẩu theo những điều kiện ưu tiên riêng cho các loại gạo đặc sản có lợi nhuận và tính cạnh tranh cao không?
- Để cạnh tranh trong bối cảnh dư cung lúa gạo và người tiêu dùng có xu hướng sử dụng gạo chất lượng cao, đòi hỏi ngành lúa gạo Việt Nam phải nâng cao chất lượng gạo để tham gia vào các thị trường ngách có quy mô nhỏ nhưng giá trị cao như gạo hữu cơ, gạo đặc sản.
Tuy nhiên Nghị định 109/NĐ-CP/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo quy định doanh muốn kinh doanh xuất khẩu gạo phải đảm bảo ít nhất hai điều kiện cần đó là: (i) Có ít nhất 1 kho chuyên dùng dự trữ tối thiểu 5.000 tấn lúa; (ii) Sở hữu ít nhất 1 cơ sở xay xát thóc với công suất tối thiểu là 10 tấn thóc/giờ tại tỉnh, thành phố có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển xuất khẩu thóc, gạo.
Nghị định này dẫn đến xu hướng sàng lọc chỉ còn các doanh nghiệp lớn ngày càng có quyền lực, loại bỏ các doanh nhỏ không đáp ứng đủ điều kiện đề ra về năng lực kho bãi và xay xát mà không tính tới các doanh nghiệp xuất khẩu có giá trị và chất lượng cao.
Do đó, cần tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp có làm cánh đồng lớn, có vùng nguyên liệu ổn định, có kho dự trữ đủ tiêu chuẩn về quy mô và kỹ thuật, có giá xuất khẩu cao tham gia xuất khẩu.
Trong dài hạn, cần tính tới việc đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị, hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn tốt đầu tư đổi mới trang thiết bị, xây dựng thương hiệu, chuyển hẳn từ buôn bán trao tay sang xây dựng hợp đồng đối tác đầu tư với các nhà nhập khẩu.
Nếu làm được điều này tốt thì có thể tính tới việc dừng gói tạm trữ lúa gạo.
Có thể bạn quan tâm
Cách đây gần 10 năm, gia đình ông Nguyễn Minh Thiềm, tiểu khu 6, thị trấn Neo (Yên Dũng) tham gia dự án trồng dó bầu với diện tích 0,6 ha. Đến nay, một số cây được cấy trầm bắt đầu cho thu hoạch. Ông Thiềm nói: “Sản phẩm đạt tiêu chuẩn là sau khi cấy chế phẩm trầm, vết sẹo trên cây dó có hình bầu dục, không bị liền bởi các thớ gỗ. Khi thu hoạch, cưa cây tại điểm cách gốc khoảng 10 cm. Phần còn lại để trau mầm, đỡ công trồng cây mới cho lứa tiếp theo. Công ty TNHH Lâm Viên (Hà Nội) thu mua mức giá 40 nghìn đồng/kg gỗ, với 1,2 tấn cây dó cấy trầm, trừ chi phí gia đình tôi thu lãi khoảng 30 triệu đồng”.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đã trồng hơn 493ha chè, tập trung chủ yếu ở các xã phía Bắc. Trong đó, Phước Lộc là xã có diện tích chè trồng dưới tán điều cao nhất (148ha), kế đến là thị trấn Đạ M’ri (113ha) và xã Hà Lâm (90ha). Các xã Đoàn Kết, Đạ P’Loa và Đạ M’ri, mỗi xã có gần 80ha.
Hiện nay, đối với những diện tích cà phê già cỗi đang trong giai đoạn nhổ bỏ chuẩn bị tái canh, người sản xuất phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc ổn định đời sống vì thiếu hụt nguồn thu nếu không có giải pháp “lấy ngắn nuôi dài”. Vì thế, việc phát triển sản xuất cây khoai tây giống Atlantic trên đất cải tạo tái canh cà phê là một biện pháp hữu hiệu đã và đang triển khai tại TP. Buôn Ma Thuột.
Trong hai tuần đầu của tháng 1-2015 đã có 8 lô nhãn xuất khẩu sang Mỹ. Và trong thời gian tới nhiều loại như xoài, thanh long, măng cụt, mận, nho hay các loại hoa như hoa hồng, cẩm chướng sẽ được xuất sang các nước.
Ông Hiếu cho biết: “Năm đầu, do chưa học hỏi kỹ thuật chăm sóc nên sầu riêng bị sâu bệnh nhiều, chết hàng loạt, chỉ còn 100 gốc. Tôi nhận thấy nếu chỉ độc canh sầu riêng hiệu quả sẽ không cao. Vì vậy, tôi đã trồng xen 400 gốc chôm chôm Thái. Sau 3 năm, vườn cây ăn trái hơn 1 ha của tôi phát triển hơn cả mong đợi”.