Thỏi son Christian Louboutin và thương hiệu nông sản Việt
Từ thỏi son gây sốt nhờ thương hiệu...
Thỏi son Christian Louboutin có giá thành 90 USD (chưa kể các loại thuế, phí, dịch vụ chuyển phát...) trong khi đó, nhiều loại mỹ phẩm hàng đầu thế giới khác cũng mới ra những dòng son cao cấp nhưng chỉ có giá khoảng phân nửa như Tom Ford có giá 50 USD, Chanel giá 35 USD và Yves Saint Laurent với giá khoảng 30 USD...
Giới truyền thông về thời trang trên thế giới đưa ra những nhận định rất chung về lý do khiến thỏi son này có giá trị cao như vậy.
Nhận định đầu tiên chính là thiết kế và chất lượng của thỏi son. Thiết kế hình viên đạn khá độc đáo chưa từng có là điểm cộng đầu tiên. Còn về chất lượng, đa số ý kiến của người dùng đều đánh giá chất lượng tốt, nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng chỉ tốt ngang như các loại son cao cấp khác có giá rẻ hơn nhiều.
Tuy nhiên, lý do mấu chốt mà giới truyền thông cho rằng thỏi son này vẫn có thể tạo nên cơn sốt săn lùng mua nó chính là do thương hiệu hàng đầu trong làng thời trang - Christian Louboutin.
Bản thân thương hiệu này đã tạo nên hiệu ứng đám đông và khiến đám đông cố gắng sở hữu để tự mình có thể trải nghiệm và có những cảm nhận riêng.
Những cảm nhận đó được chia sẻ trên mạng xã hội, các trang mạng cá nhân... lại tạo nên một vòng tuần hoàn kích thích “ước mơ” có được thỏi son này của các “tín đồ” thời trang.
Nói đến Christian Louboutin, người ta nghĩ ngay đến những đôi giày đế đỏ có giá hàng nghìn USD. Việc ra đời những đôi giày đắt giá này gắn với câu chuyện người sáng lập nhãn hàng này nhìn thấy một bức ảnh về một viện bảo tàng tại châu Phi có biển cấm đi giầy cao gót vì sợ gót giầy sẽ làm hỏng nền nhà.
Với niềm đam mê thiết kế giày, Christian Louboutin đã quyết tâm cho ra đời một sản phẩm tôn vinh phụ nữ và thời trang. Giày đế đỏ gắn với thương hiệu Christian Louboutin ra đời từ đó.
Nhiều sản phẩm khác của Christian Louboutin khi ra đời cũng có những câu chuyện riêng để thu hút người tiêu dùng.
Thực sự, chiêu thu hút bằng chính “cá tính” của sản phẩm này đã tạo nên thành công không giới hạn của thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới này. Cũng xin nhắc lại, thương hiệu này thuộc về đất nước được mệnh danh là một trong những kinh đô thời trang của thế giới - nước Pháp. Đó có lẽ cũng là điều dễ hiểu, dễ lý giải.
... nghĩ về nông sản Việt
Tại Việt Nam, khi vươn lên thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Việt Nam đã được vinh danh là một trong những nơi có thể sản xuất lương thực để giúp đẩy lùi nạn đói toàn cầu. Nhưng đất nước có thế mạnh nông nghiệp của chúng ta vẫn đang thiếu vắng những thương hiệu nông sản mang tầm quốc tế.
Thực tế, chất lượng nông, lâm, thủy sản Việt đã được khẳng định tại nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ, châu Âu...
Nhưng cũng không ít loại nông sản Việt như gạo, cà phê, hồ tiêu... phải cam chịu cảnh xuất thô để gia công rồi đóng mác các thương hiệu của quốc gia khác.
Thậm chí 3 sản phẩm đầu tiên được chỉ dẫn địa lý tại châu Âu là “Nước mắm Phú Quốc”, “Chè xanh Mộc Châu” và “Cà phê Buôn Ma Thuột” đều từng bị tranh chấp ở nước ngoài và chúng ta phải rất gian nan mới có thể lấy lại được chính thương hiệu của mình.
Nông sản Việt hiện đang trong quá trình vươn lên về chất lượng để tìm chỗ đứng ở các thị trường quốc tế. Nhưng việc tạo thương hiệu cho nông sản cũng chưa được chú ý và phát triển có chiến lược. Điều đó khiến sự tồn tại của nông sản Việt ở mỗi thị trường cũng rất mong manh.
Giống như Christian Louboutin, rất nhiều sản vật của Việt Nam có những truyền thuyết và câu chuyện riêng được nhắc đến. Ví dụ như “nữ hoàng của các loại quả” - trái sầu riêng - là cả một thiên tình sử bi tráng về tình yêu và lòng chung thủy của người dân xứ gạo trắng nước trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hay như nước mắm Phú Quốc tuy có lịch sử 200 năm nay và đã rất nổi tiếng nhưng cũng ít người tiêu dùng biết được đây là loại nước mắm duy nhất trên thế giới chỉ làm từ nguyên liệu cá cơm. Các loại cá đều có thể ướp làm mắm nhưng cá cơm tại vùng biển Phú Quốc được ướp tươi ngay trên tàu với muối Bà Rịa-Vũng Tàu... sẽ cho sản phẩm có hàm lượng tạp chất thấp và chất lượng dinh dưỡng cao đặc biệt... Đó là sự khác biệt.
Những câu chuyện, sự tích xung quanh nông sản Việt như thế dường như chỉ âm thầm tỏa sáng trong... các kho dữ liệu. Vì vậy nếu có thể gắn những câu chuyện này vào quá trình thương mại hóa sản phẩm như thương hiệu Christian Louboutin đã làm thì chắc chắn những sản vật của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội được biết đến hơn trên trường quốc tế.
Đó là cách để nông sản Việt có thể “bay” đến nhiều nơi trên thế giới và có quyền lựa chọn thị trường của riêng mình.
Có thể bạn quan tâm
Mục tiêu của Dự án là cải tiến, nâng cao chất lượng đàn bò thịt tại Bến Tre nhằm đưa cơ cấu giống bò thịt chất lượng cao từ 3% (năm 2010) lên 15% (năm 2015), góp phần làm thay đổi cơ cấu giống bò, hình thành ngành sản xuất chăn nuôi bò thịt.
Rời quê hương Bắc Giang với hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Văn Minh (khu phố Ba Đình, thị trấn Thái Hòa, huyện Tân Uyên - Bình Dương) đã chọn Bình Dương làm quê hương thứ hai để lập nghiệp. Với mô hình VAC (vườn - ao - chuồng), hàng năm ông Minh đã thu được tiền tỷ và là một trong những gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 5 năm liền của tỉnh.
Thời gian qua, việc mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi, cây trồng không chỉ làm đa dạng mô hình sản xuất mà nó còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhiều nông hộ ở đồng bằng sông Cửu Long.
Những ngày biển động, khi nhiều tàu đánh bắt nằm im gối bờ thì tàu đánh bắt cá chuồn, cá mập của ngư dân Nghĩa An (Tư Nghĩa - Quảng Ngãi) bắt đầu vào "mùa làm ăn". Công việc nguy hiểm, thời tiết không được thuận lợi, nhưng bù lại cho những nhọc nhằn là phiên biển "trúng đậm".
Bên cạnh mô hình luân canh tôm – lúa ở Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã khẳng định tính hiệu quả của vùng canh tác bền vững, thì mô hình luân canh tôm nước lợ với tôm càng xanh đã cho nông dân nguồn thu nhập đáng kể.