Đưa nông nghiệp chất lượng cao đến với nông dân
Tiềm năng sản xuất nông nghiệp…
Ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, diện tích đất nông nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm hơn 53% diện tích đất tự nhiên, dân số nông thôn chiếm 55% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của địa phương này đã có những bước chuyển biến tích cực, nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 5,23%.
Nuôi lợn theo phương pháp tự động vận hành thức ăn, nước uống sát trùng ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Xác định ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, các địa phương của Bà Rịa - Vũng Tàu đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra bước phát triển về năng suất, chất lượng.
Trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, ngay từ năm 2000, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng dự án ứng dụng quy trình sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh, từ đó đã kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong ngưỡng cho phép; đồng thời sử dụng các giống ưu thế lai.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, hầu hết các trang trại chăn nuôi ở Bà Rịa - Vũng Tàu với quy mô lớn đều được đầu tư đồng bộ từ con giống, chuồng nuôi, thức ăn, thú y và xử lý môi trường. Chính vì vậy, nhờ tiếp cận với nền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những bước chuyển dịch theo hướng này, từ đó đem lại hiệu quả cao cho người sản xuất.
Theo định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ 2016-2020, tỉnh đặt mục tiêu vận động hơn 50% doanh nghiệp đang hoạt động đủ điều kiện chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch từ 5 đến 7 vùng nông nghiệp chất lượng cao; quy hoạch, lập dự án đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Xuyên Mộc.
Giai đoạn 2020-2025, triển khai lập dự án đầu tư khu ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản tại huyện Đất Đỏ.
Đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có hệ thống các trạm, trại cây giống tốt với năng lực mỗi năm sản xuất 70 nghìn cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả, 42 tấn lúa nguyên chủng, 1.000 tấn giống lúa xác nhận.
Đồng thời ứng dụng công nghệ sản xuất, cung ứng các chủng giống nấm phục vụ sản xuất nấm thương phẩm ở quy mô hộ gia đình; thực hiện thành công việc nuôi cấy mô tế bào đối với các loại cây như keo lai, bạch đàn, dó bầu, mía. Do đó, tỷ lệ sử dụng cây giống mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên địa bàn tỉnh này cũng đã được nâng lên đáng kể.
Từ năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thực hiện mô hình VietGAP cho loại cây ăn quả này ở 3 huyện là Đất Đỏ, Xuyên Mộc và Tân Thành. Sau gần 5 năm, mô hình sản xuất thí điểm thanh long theo mô hình VietGAP ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã cho kết quả khả quan. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang phối hợp cùng nông dân, khuyến khích bà con trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.
Kết quả cho thấy, nhiều hộ nông dân đã có lợi nhuận cao gấp nhiều lần từ thanh long VietGAP so với cách làm trước đây.
…Tiến tới một nền nông nghiệp chất lượng cao
Với các mô hình sản xuất theo công nghệ cao, bước đầu áp dụng có hiệu quả đã thu hút người nông dân ngày càng tích cực tham gia. Đó là mô hình tưới nước tiết kiệm đối với cây hồ tiêu, cây thanh long, cây na đang được triển khai rộng rãi trên khắp địa bàn tỉnh.
Mô hình san mặt ruộng bằng tia la-de cũng đã được nông dân áp dụng, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương này là một trong những mục tiêu quan trọng, vừa nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vừa giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ngay từ năm 2012, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Quyết định phê duyệt Ðề án phát triển cơ điện sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch của tỉnh giai đoạn 2012-2017. Trên cơ sở đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng thành công một số mô hình sơ chế rau, củ quả, đóng gói trái cây, sấy lúa, hay như đầu tư xây dựng mô hình sản xuất trong nhà lưới.v.v..
Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới cho hiệu quả kinh tế cao ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo thạc sĩ Mai Văn Trị, Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có một số nông sản nổi tiếng như hồ tiêu, nhãn xuồng, na... ,trong đó một số ngành hàng như hồ tiêu sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Trước mắt, tỉnh cần chọn một vài loại cây trồng quan trọng để đầu tư trọng điểm hơn cho việc ứng dụng công nghệ cao, đồng thời làm tốt hơn công tác quy hoạch vùng trồng, đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất công nghệ cao, tạo mặt bằng cho hoạt động sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến bảo quản cũng như khâu phân phối sản phẩm...
Ông Lê Văn Tường, xã viên Hợp tác xã Nhân Tâm, huyện Xuyên Mộc cho biết, khi Hợp tác xã Nhân Tâm sản xuất nhãn xuồng cơm vàng theo quy trình VietGAP, sản phẩm đã được bạn hàng tin cậy về chất lượng, mức độ an toàn thực phẩm, xóa bỏ những nghi ngại trước đây về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều đó cho thấy, sản xuất theo chuẩn VietGAP đã giải tỏa được phần nào những khó khăn trong việc đưa quả nhãn ra thị trường.
Theo ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, thì trong định hướng phát triển của ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh này trong giai đoạn 2015-2020, ngành nông nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu đã khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích ngoài vùng quy hoạch; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến, với nhóm cây ăn quả, tập trung phát triển theo quy hoạch, chú trọng tập trung các loại cây chủ lực như nhãn xuồng, na, bưởi da xanh và thanh long.
Cùng với đó, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tiếp tục giữ vững thương hiệu cho một số loại trái cây đặc sản, giúp nhân dân trong vùng tập trung mở rộng diện tích, đầu tư nhân lực vào sản xuất sạch, nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng và hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế hàng hóa mũi nhọn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tiếp cận với một nền nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo chất lượng lượng, hiệu quả kinh tế cho người nông dân yên tâm sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
UBND tỉnh Trà Vinh vừa quyết định hỗ trợ gần 400 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2013 giúp nông dân xây dựng tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm quýt đường Thuận Phú (xã Bình Phú, huyện Càng Long) và sản phẩm măng cụt Tân Quy (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè).
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Tam nông, tình hình các vùng nông thôn của Hà Giang đã có nhiều khởi sắc, thu nhập của nông dân không ngừng được nâng lên.
Nhằm giúp hội viên nâng cao thu nhập, Hội ND xã Đa phước, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh đã vận động các hộ nuôi tôm thành lập tổ hợp tác (THT) nuôi tôm nước ngọt.
Nhằm tăng cường công tác quản lý đàn cá tra bố mẹ có chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu đến năm 2015 có đủ giống cá tra chất lượng cao, sạch bệnh, thay thế toàn bộ giống cá tra hiện nay tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phục vụ nhu cầu sản xuất bền vững đối tượng cá tra, ngày 22/7/2013, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Quyết định số 1673/QĐ-BNN-Tổng cục Thủy sản , ban hành Quy chế quản lý cá tra bố mẹ chọn giống.
Liên tiếp trong những ngày qua, giá cá bống tượng trên địa bàn thành phố Cà Mau đang có dấu hiệu tăng trở lại, bà con nông dân rất phấn khởi vì sản xuất đã có lãi.