Thả nhá bắt cua đá
Mùa biển động năm nay, cua đá xuất hiện dày, mỗi đêm trung bình một người bắt 2 đến 3kg cua đá. Thỉnh thoảng có người trúng cua đá, từ đêm đến sáng bắt bán được 400.000 đến 500.000 đồng.
Anh Trần Văn Tính ở xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu) làm nghề thả nhá bắt cua đá trên đầm Cù Mông, cho hay: Nghề này đánh bắt theo cách truyền thống.
Cái nhá làm khung bằng sắt có hình chữ nhật rộng hai gang tay, dài bằng ba gang tay người lớn, xung quanh viền lưới, cấu tạo gồm hai mảnh lồng có gắn lò xo.
Khi đặt nhá, ta mở miệng lồng ra, phía trên lắp cái chốt gài nối với sợi dây thòng xuống giữa lồng nhá, ở đó găm miếng mồi.
Khi cua cá ăn miếng mồi thì chốt phía trên bị kéo bung ra, lập tức hai miệng nhá gập lại như cái bẫy.
Cua đá sống tự nhiên trong hang đá, bờ đầm và moi hang duỗi dưới lớp bùn.
Mùa biển động là mùa sinh sản, chúng thường đi săn mồi ban đêm nên người dân quanh đầm thả nhá bắt cua đá.
Cạnh đó, anh Phan Văn Vĩnh, xách thùng đựng cua đá, khoe: Cứ 5 giờ chiều đi thả nhá chỗ nước sâu từ 1,5 đến 4m nước, sáng sớm ra thăm bắt được từ 2 đến 3kg cua đá bán với giá 80.000 đồng/kg, bình quân thu 200.000 đồng.
Thỉnh thoảng có người trúng cua đá, từ đêm đến sáng, bắt cua bán được từ 400.000 đến 500.000 đồng.
Đó là chưa kể chình biển và các loại cá khác lọt vào nhá.
Dọc theo bán đảo thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu), khu vực đầm Cù Mông có nhiều bãi rạng, ngư dân ở đây thả nhá bắt cua đá kiếm thêm thu nhập.
Ông Trần Văn Lợi ở xã Xuân Cảnh, chạy ghe đi thăm nhá về cho hay: Vùng này có người lắc thúng chai thả nhá chỗ nước gành đá cạn, người thì dùng ghe thả nhá ở ngoài sâu.
Nếu thả nhá bằng lắc thúng chai thì từ 40 đến 50 cái nhá, còn thả ghe từ 70 đến 100 cái nhá.
Mặt nước đầm Cù Mông rộng lớn, vì vậy khi thả nhá phải làm dấu, mỗi cái nhá nối sợi dây dài cột vào đầu dây miếng xốp nổi lên mặt nước.
Khi đi thăm nhá đến chỗ có miếng xốp làm dấu đó kéo sợi dây nhá theo lên.
Ông Võ Tấn Sĩ, Phó chủ tịch Hội Nông dân TX Sông Cầu, cho biết: Cua đá ở đầm Cù Mông không lớn, trọng lượng từ 15 đến 20 con/kg.
Số lượng nhá thả nhiều, tuy nhiên không phải nhá nào cũng dính cua đá, có nhá dính chình biển, có nhá thì bị tôm cá rỉa mồi trống không.
Cua đá khi nướng, luộc hoặc hấp sả sẽ có màu đỏ nâu, vỏ bóng loáng.
Bộ phận ngon nhất của cua đá là càng cái, thịt vừa săn chắc vừa ngọt.
Càng cua đá hấp dẫn nhất là nướng, luộc, rang muối tiêu.
Vì vậy, nhiều nhà hàng, quán ăn tìm mua đặc sản cua đá ở đây.
Tuy nhiên cua đá trên đầm Cù Mông xuất hiện tùy theo năm, có năm nhiều, năm ít, riêng năm nay cua đá xuất hiện dày, mang lại thu nhập khá lớn cho nhiều người dân quanh đầm.
Có thể bạn quan tâm
Nâng cao năng lực sản xuất tôm giống và tăng hiệu quả quản lý Nhà nước về chất lượng tôm giống là một trong những vấn đề được thảo luận tại hội nghị triển khai đề án nâng cao chất lượng tôm giống, do Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức vào sáng 29/4.
Theo kế hoạch, năm 2014 huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) sẽ phát triển vùng nuôi tôm công nghiệp 1.100 héc-ta. Tuy nhiên, chỉ mới đến cuối tháng 3, diện tích nuôi tôm công nghiệp của huyện lên đến hơn 1.500 héc-ta, tăng gấp 3 lần so với năm 2013. Hiện nay, nuôi tôm công nghiệp đã trở thành phong trào, lan rộng ở 11/11 xã, thị trấn trong huyện.
VASEP cũng cho biết, các nhà nhập khẩu Nhật đang cân nhắc chuyển qua mua tôm từ Ấn Độ và Indonesia. Điển hình là nhiều nhà nhập khẩu từ Nhật Bản đang tiến hành hướng dẫn nhà máy bên Ấn Độ làm hàng tôm duỗi thay thế cho các đơn hàng đang mua từ Việt Nam.
Gà Đông Tảo có nguồn gốc từ xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nằm trong danh sách các giống gia cầm quý hiếm của Việt Nam hiện đang được bảo tồn nguồn gen. Trước đây, gà Đông Tảo thường được dùng để cúng tế hay tiến vua vì thịt gà rất ngon.
Nắng hạn là nguyên nhân chính làm vụ đậu đen đông-xuân ở huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) mất mùa. Năm ngoái năng suất đạt 5 tấn/ha, nay giảm gần một nửa.