Đổi Thay Từ Những Mô Hình Kinh Tế

Phước Chiến là xã đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Bắc với trên 98% là đồng bào dân tộc Raglai. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp có đến ¾ là đồi dốc, dễ bị xói mòn nên canh tác rất khó khăn. Được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, những đề án, mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả, đem lại sự đổi thay ấm no cho nhân dân Phước Chiến.
Theo chân anh Ka-tơ Vân, ở thôn Đầu Suối B, xã Phước Chiến, chúng tôi lên thăm cánh rừng neem của gia đình và nghe kể về cuộc sống của những người dân Raglai trong thôn từ khi tham gia trồng mới rừng theo Dự án 661. Chỉ tay về hướng một ngọn đồi, anh Vân cho biết, trước đây, quả đồi này nhà mình chỉ trồng bắp, dựa vào nước trời và một năm thu hoạch 1 lần.
Từ năm 2008, được Nhà nước hỗ trợ cây giống, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và mỗi tháng cấp 70 kg gạo… Cuộc sống của cả nhà đã ổn định, không còn chịu cảnh đói giáp hạt nữa và yên tâm chăm sóc rừng. Anh Ka-tơ Vân là một trong 264 hộ dân trên địa bàn xã Phước Chiến tham gia trồng mới 300 ha rừng neem…
Chia tay những cánh rừng neem, chúng tôi đến thăm mô hình “Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi” của gia đình ông Chamaléa Tượng, thôn Đầu Suối A. Hai vợ chồng ông Tượng, cô con gái đầu và đứa cháu ngoại đều đang làm cỏ, chăm sóc những gốc mít nghệ cao sản được trồng từ cuối năm 2011. Xen giữa những gốc mít là những hàng thơm đã bắt đầu cho quả bói.
Ông Tượng cho biết, gia đình ông là 1 trong 3 hộ đầu tiên của xã tham gia Đề án “Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi” của huyện Thuận Bắc. Nhờ được hỗ trợ về cây giống, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên diện tích đất dốc bạc màu trước đây của gia đình nay đã trở thành vườn cây xanh tốt hứa hẹn những mùa bội thu.
Ngoài mít nghệ và thơm, gia đình ông còn có trên 200 gốc chuối và 30 gốc điều được Nhà nước hỗ trợ giống, trồng từ năm 2008, nay đã cho thu hoạch, ước tính khoảng 30 triệu đồng/năm. Gia đình ông tham gia trồng 1,5 ha rừng neem và có 3 sào ruộng tham gia mô hình sản xuất lúa chịu hạn với năng suất vụ đông-xuân vừa qua là 5,5 tạ/sào đã đem lại cuộc sông ấm no cho gia đình.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng cây công nghiệp, cây ăn trái trên đất dốc của các hộ dân thí điểm, đến nay xã Phước Chiến đã có hàng trăm hộ dân tham gia. Năm 2012, Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc tiếp tục hỗ trợ cho nhân dân xã Phước Chiến 10.800 cây mít nghệ, 2 ha thơm giống và 3 ha chuối sứ theo Đề án. Xã Phước Chiến có 5 thôn, với tổng số dân trên 4.000 người. Đồng chí Chamaléa Quyền, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cuộc sống của nhân dân Phước Chiến những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc.
Đường liên thôn, liên xã được bê-tông, trường lớp, trạm y tế được xây dựng khang trang. Các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế không chỉ góp phần cải thiện cuộc sống trước mắt cho người dân mà còn mở ra những triển vọng phát triển lâu dài, đặc biệt là làm thay đổi nhận thức của bà con, chủ động trong sản xuất, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đúng vào ngày chúng tôi về Phước Chiến, đoàn kiểm tra công nhận xã đạt chuẩn về Phổ cập Giáo dục Mầm non trẻ 5 tuổi của UBND huyện Thuận Bắc cũng đến làm việc với xã và kết luận: Phước Chiến đạt tiêu chuẩn. Đây cũng là một dấu ấn ghi nhận cuộc sống đang đổi thay trên quê hương Phước Chiến.
Related news

Khác với vẻ tĩnh mịch của không gian ven sông Cẩm Lệ trước đấy, thì nay có thể dễ dàng bắt gặp ngay không khí nhộn nhịp, vui vẻ, với hoạt động chăm sóc, thu hoạch rau của bà con nông dân nơi đây từ lúc tờ mờ sáng.

Do ảnh hưởng của thời tiết, làm 6.000m2 quýt hồng của ông Lê Ngọc Bích ngụ xã Tân Phước, huyện Lai Vung bị rụng gần hết. Bao nhiêu công sức, tiền của tập trung cho mùa quýt mới coi như đổ sông, đổ biển. Sau vụ quýt bị thất bại, ông Bích tìm cách để vớt vát lại. Ông mua màng phủ nông nghiệp che toàn bộ các gốc quýt đã bị rụng bông này nhằm tránh mưa và xử lý cho ra hoa tiếp.

Ông Võ Văn Nam, cư ngụ tại ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành - một trong những nơi được xem là "phát tích" của cây vú sữa Lò Rèn - thương hiệu cây ăn quả độc đáo của Tiền Giang đang được khẳng định trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Vào những ngày này, bà con các xã Mường Phăng, Pa Khoang (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đang thu hoạch đào Pháp trong niềm vui phấn khởi vì đào được mùa, được giá.

Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long - Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững chuỗi giá trị xoài”. Tham gia hội thảo có đại diện các doanh nghiệp thu mua và chế biến xoài từ Tiền Giang và TP.Hồ Chí Minh cùng với nông dân sản xuất và chủ vựa xoài trong tỉnh Đồng Tháp.