Đổi Thay Ở Hỏa Tiến
Trong thời chiến, xã Hỏa Tiến là vùng đất anh hùng. Còn trong thời bình, Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây luôn vững vàng ý chí, cùng một niềm tin và quyết tâm trong “cuộc chiến” chống đói nghèo và công cuộc xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
Về xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh những ngày này sẽ nghe người dân bàn tán sôi nổi về vụ khóm Cầu Đúc được mùa, trúng giá vừa qua. Xen kẽ vào đó là những câu chuyện liên quan đến xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương. Cây khóm Cầu Đúc và công tác xây dựng NTM đã giúp đời sống người dân và bộ mặt nông thôn nơi đây thay đổi từng ngày.
Làm giàu từ vùng đất phèn, mặn
Đến xã Hỏa Tiến vào bất cứ thời điểm nào trong năm, hình ảnh quen thuộc mà mọi người thấy là màu xanh bạt ngàn của những rẫy khóm. Với đặc thù là vùng đất nhiễm phèn và ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn những tưởng đó là một bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp của bà con địa phương.
Nhưng không, người dân với sự cần cù, linh hoạt đã đứng vững và làm giàu từ vùng đất này bằng chính loại trái cây nổi tiếng cả nước - khóm Cầu Đúc.
Năm nay đã 81 tuổi, nhưng ông Huỳnh Kim Hạo, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, vẫn cần mẫn lao động trên những rẫy khóm Cầu Đúc không thua kém gì trai trẻ.
Đối với ông, cây khóm Cầu Đúc tựa như người bạn thâm niên, bởi ông đã dành trọn cuộc đời mình để gắn bó với nó. Không những vậy, các con ông hiện nay cũng dựa vào cây khóm Cầu Đúc để nuôi sống gia đình mình. Với giá khóm cao kỷ lục trong vụ nghịch mùa vừa qua, gia đình ông đã thu về hơn 50 triệu đồng từ 2ha trồng khóm Cầu Đúc.
Ông Hạo phấn khởi cho biết: “Dẫu giá khóm có lúc tăng, lúc giảm, nhưng chỉ cần người nông dân chịu khó một chút là có thể sống khỏe từ rẫy khóm của mình. Như gia đình tôi đây, không giàu có như người ta, nhưng cái ăn, cái mặc thì không cần lo với nguồn thu nhập từ trái khóm Cầu Đúc hàng năm”.
Khóm Cầu Đúc hiện nay chiếm hơn 74% số diện tích đất nông nghiệp của xã Hỏa Tiến. Con số này cho thấy vị thế to lớn của cây khóm trong đời sống của người dân địa phương. Nhờ nó mà không ít hộ dân trên địa bàn xã không phải lo về cái ăn, cái mặc như gia đình ông Hạo, từ đó góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương này chỉ còn hơn 4%.
Ông Dương Minh Truyền, Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, cho biết: “Cây khóm Cầu Đúc đã trở thành loại cây trồng giảm nghèo chủ lực của xã suốt thời gian qua. Nhờ gắn bó nhiều năm với cây khóm Cầu Đúc, nên người dân rất có kinh nghiệm trong canh tác, giúp hiệu quả sản xuất ngày càng tăng. Chúng tôi thường xuyên cử cán bộ xuống hỗ trợ kỹ thuật cho bà con để giúp khóm Cầu Đúc giữ được vị ngon nổi tiếng của mình”.
Bừng sáng bức tranh nông thôn
Từ khi bắt tay xây dựng NTM vào năm 2011 đã tạo nên một bước ngoặt đối với xã Hỏa Tiến. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục đi vào chiều sâu, thể hiện qua con số 100% ấp trên địa bàn xã được công nhận ấp văn hóa.
Còn phong trào xây dựng gia đình văn hóa tiếp tục phát triển rộng rãi nhờ sự tham gia nhiệt tình của người dân. Nhà tường kiên cố, khang trang mọc lên ngày càng nhiều, chứng tỏ cuộc sống vật chất của người dân địa phương đã khấm khá hơn trước. Tình hình an ninh - trật tự ở địa phương được giữ vững ổn định và nhiều năm liền địa phương không để xảy ra phạm pháp hình sự, giúp người dân an tâm trong cuộc sống cũng như lao động, sản xuất…
Cuộc sống ngày càng khấm khá nên người dân đã đóng góp nhiều hơn cho công tác xây dựng NTM ở địa phương. Ông Hồ Văn Hớn, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, cho biết: “Thời gian đầu, khi nói đến chuyện xây dựng NTM thì người dân còn khá bỡ ngỡ. Nhờ địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nên dần dần bà con cũng hiểu. Chỉ sau mấy năm xây dựng NTM đã giúp chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên đáng kể.
Điện, đường, trường, trạm dần được đầu tư xây dựng đã giúp địa phương như khoác lên trên mình chiếc áo mới. Người dân cũng có ý thức hơn trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở gia đình mình. Hiện nay, rất nhiều hộ dân trong ấp đã xây dựng được cột cờ, hàng rào cây xanh, hố rác hợp vệ sinh. Khi mà xây dựng đạt hết 19 tiêu chí NTM chắc mọi thứ còn tốt hơn bây giờ”.
Là địa phương còn nhiều khó khăn của thành phố Vị Thanh, nên những ngày đầu bắt tay vào xây dựng NTM, xã Hỏa Tiến phải đối mặt với bộn bề khó khăn. Nhưng nhờ sự chủ động, linh hoạt trong phương thức lãnh đạo của địa phương đã giúp xã Hỏa Tiến dần vượt qua những trở ngại. Nổi bật là khai thác những điểm mạnh và phát huy nội lực sẵn có của địa phương vào thực hiện các tiêu chí NTM.
Ông Dương Minh Truyền, Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, cho biết: “Hỏa Tiến không phải là xã điểm xây dựng NTM của thành phố Vị Thanh, nên chưa được đầu tư nhiều thời gian qua. Mặc dù vậy, chúng tôi đã tận dụng mọi nguồn lực sẵn có và đến nay đã hoàn thành 9/19 tiêu chí NTM. Đây là kết quả thể hiện sự chung sức, chung lòng của chính quyền địa phương và người dân”.
Dù phấn khởi với thành quả đạt được, nhưng ông Truyền vẫn còn không ít trăn trở trong công tác xây dựng NTM ở địa phương mình. Ông Truyền chia sẻ: “Các tiêu chí còn lại đều là những tiêu chí khó thực hiện, như: cơ sở vật chất văn hóa, giao thông nông thôn, chợ, trường học, môi trường…
Để hoàn thành những tiêu chí này, đòi hỏi rất nhiều nguồn vốn đầu tư và với khả năng của địa phương thì không đủ sức thực hiện. Vì vậy, xã rất cần sự hỗ trợ từ tuyến trên thì mới có thể xây dựng thành công xã NTM”.
Có thể bạn quan tâm
Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức chương trình "Đối thoại bàn tròn về nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL".
Năm 2014, hoạt đông nuôi tôm nước lợ vẫn còn nhiều khó khăn, do thời tiết bất lợi, tỷ lệ dịch bệnh khá cao, giá tôm lên xuống bất thường... Tuy nhiên, nhìn chung năm nay tôm thẻ chân trắng vẫn là đối tượng được ưu tiên chọn nuôi và đa số bà con nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh có một vụ mùa thắng lợi.
Năm 2014, diện tích nuôi thủy sản 47.202ha, đạt 106% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi tôm biển 35.953ha, đạt 112% kế hoạch năm, bao gồm diện tích nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh đã thả giống quay vòng được 10.694ha (tôm sú 1.491ha, tôm chân trắng 9.203ha); diện tích nuôi tôm quảng canh, tôm rừng, tôm lúa 25.259ha, đạt 100% kế hoạch năm.
Là xã ven biển có diện tích mặt nước mặn, lợ chiếm phần lớn tổng diện tích tự nhiên, Đồng Rui có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi thuỷ cầm. Những năm qua, người dân xã đã tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn đưa giống vịt biển vào nuôi. Hiện nuôi vịt biển đã trở thành một trong những mô hình kinh tế mang lại nguồn thu lớn cho bà con ở đây.
Đã có “địa lợi” và “nhân hòa”, nhưng khi mới bắt tay nuôi bò sữa, người dân Bảo Lộc chưa gặp được “thiên thời”. Bởi cách đây khá lâu, người chăn nuôi bò sữa thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu đồng cỏ… đã đành, nhưng đến lúc sản xuất được sữa tươi rồi, thì việc đem bán cũng lắm nhiêu khê. Chỉ mấy năm gần đây, nghề chăn nuôi bò sữa tại Bảo Lộc mới bắt đầu có “tín hiệu” phát triển đáng mừng.