Đổi đời nhờ trồng gấc
Mạnh dạn thuê đất trồng gấc, chỉ một năm sau, ông Đặng Văn Hai ở H.Mang Thít (Vĩnh Long) đã có thu nhập gần 600 triệu đồng.
Ruộng gấc của ông Hai được nhiều người tham quan học hỏi kinh nghiệm. Ảnh: Thanh Đức
Ông Hai (còn gọi Hai Đạo, 53 tuổi, ngụ ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Phước) kể gia đình chỉ có vài công đất vườn nhưng đã chia hết cho mấy đứa con. Cách đây hơn 1 năm, sau khi tham quan các mô hình nông nghiệp ở nhiều nơi, ông mạnh dạn thuê đất lúa kém hiệu quả để trồng gấc. Ban đầu, ông thuê 10 công đất gần nhà với giá 2 triệu đồng/công/năm. Sau hơn 2 tháng chăm sóc, thấy gấc phát triển tốt, ông thuê thêm hơn 10 công cách nhà khoảng 2 km để xuống giống. Do địa phương chưa có ai trồng gấc, nên thấy ông đầu tư trồng với quy mô lớn thì nhiều người can ngăn. “Tôi dám làm vì tin đất phù hợp, giống mua ở nơi đáng tin cậy và đầu ra được bao tiêu hẳn hoi”, ông Hai nói.
Theo ông Hai, đối với đất lúa kém hiệu quả có thể trồng màu, nhưng chỉ sau 1 - 2 vụ trồng phải đổi giống cây màu rất tốn công. Trong khi trồng gấc có thể đầu tư một lần nhưng thu hoạch nhiều năm liền, nếu trồng khéo có thể lên tới 5 - 7 năm. Quyết là làm, ông đến Viện Cây ăn quả miền Nam ở Tiền Giang mua giống. “Tôi chọn giống có gốc ghép nước ngoài nên cho trái thịt dày và ngon. Tuy giá bán cao hơn bên ngoài nhưng chất lượng tin cậy. Mỗi dây 17.000 đồng, tôi mua hơn 800 dây tốn hơn 100 triệu đồng. Chỉ sau 4 tháng chăm sóc, gấc đã cho trái hơn sự mong đợi”, ông Hai phấn khởi.
Ông Hai cho biết, gấc rất dễ trồng. Để giảm chi phí, ông dựng màn lưới bằng cây cách mặt đất khoảng 2 m. Mỗi công đất (1.000 m2) chỉ trồng 40 dây gấc. Mỗi liếp có bề ngang 4 m và mương nước khoảng 2,5 m. Khi xuống giống, ông đào một hố lớn, trộn phân bò và tro trấu tạo độ xốp để cây phát triển bền vững. Khi cây có trái, bón phân mỗi tháng 1 lần, chủ yếu là NPK. Nếu dây tốt thì rải phân kali cho vỏ gấc dày, ruột đỏ, tránh sâu bệnh. “Cần lưu ý, khi gấc cho trái thường gặp 2 loại bệnh là thán thư và vàng lá làm trái bị nhỏ. Để trị bệnh này, chỉ cần cắt đoạn nhánh dây bị bệnh và phun ít thuốc bảo vệ thực vật, sau đó gấc sẽ ra nhánh tốt và trái to bình thường”, ông Hai chia sẻ và cho biết những tháng đầu, trung bình ông hái bán 100 kg/tuần, giá bán 15.000 đồng/kg thu về hơn 1,5 triệu đồng. Khi dây càng lớn, gấc cho trái càng nhiều và sản lượng thu hoạch tăng lên. Sau gần 1 năm, ông Hai thu khoảng 50 tấn trái, với giá bán bình quân 12.000 đồng/kg, gia đình ông có 600 triệu đồng.
Ông Cù Văn Thinh, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phước, cho biết thấy ruộng gấc của ông Hai hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân đã đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và được ông hướng dẫn tận tình. Hiện ông còn tham gia thu mua gấc cho nhiều hộ trồng nhỏ lẻ ở địa phương. “Mô hình của ông Hai vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên vùng đất kém hiệu quả, vừa nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Vừa qua, sản phẩm gấc của ông Hai được trưng bày tại Festival Vật tư nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, rất đáng tự hào”, ông Thinh nhận xét.
Có thể bạn quan tâm
Đó là ý kiến phát biểu của ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tại hội thảo “Tác động của các FTAs đối với thương mại xuất nhập khẩu tôm Việt Nam”.
Chỉ 4 tháng đầu năm 2015, tổng số lô tôm xuất khẩu cả nước bị ba thị trường nhập khẩu chính là Mỹ, EU và Nhật Bản trả về do “vướng” chất cấm đã bằng gần 40% so với con số của cả năm ngoái, theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad).
Xuất khẩu khó khăn, giá nguyên liệu tôm và cá tra xuống thấp cùng với dịch bệnh trên tôm hoành hành từ đầu năm tới nay khiến cho nông dân cắt giảm diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản. Do vậy, nhiều doanh nghiệp lo lắng về khả năng thiếu nguồn nguyên liệu thủy sản xuất khẩu vào quí 3 sắp tới.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Với không ít yếu kém từ khâu sản xuất, chế biến tới tiêu thụ, nhiều chuyên gia đánh giá, nếu không kịp thời khắc phục, chỉ vài năm tới khi kinh tế hội nhập sâu, đường ngoại ồ ạt tràn vào, ngành mía đường Việt Nam có thể sẽ bị đánh bật khỏi “cuộc chơi” và “dâng” toàn bộ thị trường cho các DN nước ngoài.