Đổi đời nhờ trồng gấc
Mạnh dạn thuê đất trồng gấc, chỉ một năm sau, ông Đặng Văn Hai ở H.Mang Thít (Vĩnh Long) đã có thu nhập gần 600 triệu đồng.
Ruộng gấc của ông Hai được nhiều người tham quan học hỏi kinh nghiệm. Ảnh: Thanh Đức
Ông Hai (còn gọi Hai Đạo, 53 tuổi, ngụ ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Phước) kể gia đình chỉ có vài công đất vườn nhưng đã chia hết cho mấy đứa con. Cách đây hơn 1 năm, sau khi tham quan các mô hình nông nghiệp ở nhiều nơi, ông mạnh dạn thuê đất lúa kém hiệu quả để trồng gấc. Ban đầu, ông thuê 10 công đất gần nhà với giá 2 triệu đồng/công/năm. Sau hơn 2 tháng chăm sóc, thấy gấc phát triển tốt, ông thuê thêm hơn 10 công cách nhà khoảng 2 km để xuống giống. Do địa phương chưa có ai trồng gấc, nên thấy ông đầu tư trồng với quy mô lớn thì nhiều người can ngăn. “Tôi dám làm vì tin đất phù hợp, giống mua ở nơi đáng tin cậy và đầu ra được bao tiêu hẳn hoi”, ông Hai nói.
Theo ông Hai, đối với đất lúa kém hiệu quả có thể trồng màu, nhưng chỉ sau 1 - 2 vụ trồng phải đổi giống cây màu rất tốn công. Trong khi trồng gấc có thể đầu tư một lần nhưng thu hoạch nhiều năm liền, nếu trồng khéo có thể lên tới 5 - 7 năm. Quyết là làm, ông đến Viện Cây ăn quả miền Nam ở Tiền Giang mua giống. “Tôi chọn giống có gốc ghép nước ngoài nên cho trái thịt dày và ngon. Tuy giá bán cao hơn bên ngoài nhưng chất lượng tin cậy. Mỗi dây 17.000 đồng, tôi mua hơn 800 dây tốn hơn 100 triệu đồng. Chỉ sau 4 tháng chăm sóc, gấc đã cho trái hơn sự mong đợi”, ông Hai phấn khởi.
Ông Hai cho biết, gấc rất dễ trồng. Để giảm chi phí, ông dựng màn lưới bằng cây cách mặt đất khoảng 2 m. Mỗi công đất (1.000 m2) chỉ trồng 40 dây gấc. Mỗi liếp có bề ngang 4 m và mương nước khoảng 2,5 m. Khi xuống giống, ông đào một hố lớn, trộn phân bò và tro trấu tạo độ xốp để cây phát triển bền vững. Khi cây có trái, bón phân mỗi tháng 1 lần, chủ yếu là NPK. Nếu dây tốt thì rải phân kali cho vỏ gấc dày, ruột đỏ, tránh sâu bệnh. “Cần lưu ý, khi gấc cho trái thường gặp 2 loại bệnh là thán thư và vàng lá làm trái bị nhỏ. Để trị bệnh này, chỉ cần cắt đoạn nhánh dây bị bệnh và phun ít thuốc bảo vệ thực vật, sau đó gấc sẽ ra nhánh tốt và trái to bình thường”, ông Hai chia sẻ và cho biết những tháng đầu, trung bình ông hái bán 100 kg/tuần, giá bán 15.000 đồng/kg thu về hơn 1,5 triệu đồng. Khi dây càng lớn, gấc cho trái càng nhiều và sản lượng thu hoạch tăng lên. Sau gần 1 năm, ông Hai thu khoảng 50 tấn trái, với giá bán bình quân 12.000 đồng/kg, gia đình ông có 600 triệu đồng.
Ông Cù Văn Thinh, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phước, cho biết thấy ruộng gấc của ông Hai hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân đã đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và được ông hướng dẫn tận tình. Hiện ông còn tham gia thu mua gấc cho nhiều hộ trồng nhỏ lẻ ở địa phương. “Mô hình của ông Hai vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên vùng đất kém hiệu quả, vừa nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Vừa qua, sản phẩm gấc của ông Hai được trưng bày tại Festival Vật tư nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, rất đáng tự hào”, ông Thinh nhận xét.
Related news
Để giảm thiểu tác động xấu do tình trạng nhiễm mặn gây thất thu cho nghề trồng lúa, nông dân xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre chuyển sang nuôi bò, bước đầu cho thấy hiệu quả khả quan.
Những năm gần đây, khoai lang đang được coi là cây trồng chủ lực ở bản Tây Hưng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu - Sơn La), bởi quy trình canh tác phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân.
Khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, nhưng chị Lò Thị Tiên, đội 6, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) vẫn rạng rỡ, phấn khởi. Chị Tiên bộc bạch: “Đã mấy năm rồi, suốt ngày quanh quẩn với đàn chim bồ câu Pháp.
Mùa này, có đi đến làng rau các quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh vào những ngày cận Tết mới thấy cảm giác thật dễ chịu trước màu xanh tươi non, mướt mát của những luống rau. Mùa rau Tết cũng là lúc người trồng rau nghĩ đến chuyện tích lũy sau một năm lao động miệt mài…
Trong khi người nuôi lợn, nuôi gà, nuôi vịt đang lúng túng, người bỏ chuồng không, người nuôi cầm chừng chưa muốn tái đàn do dịch bệnh, giá giống và thức ăn chăn nuôi tăng cao thì con chim cút trở thành vật nuôi thay thế ưu việt.