Độc Đáo Mô Hình Nuôi Gà Tre Thương Phẩm Theo Hướng An Toàn Sinh Học
Ở Tiền Giang phong trào chăn nuôi gia cầm phát triển khá mạnh, nhưng nuôi gà tre theo qui mô trang trại an toàn sinh học của cơ sở chăn nuôi gà tre Hương Việt, ấp Lương Phú B, xã Lương Hoà Lạc, huyện Chợ Gạo là một mô hình chăn nuôi độc đáo đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi.
Anh Nguyễn Thanh Liêm, chủ cơ sở chăn nuôi gà tre Hương Việt cho biết, trước đây, anh có người bạn ở Viện Chăn nuôi đề nghị anh bảo tồn giống gà tre đang có nguy cơ mai một. Xuất phát từ ý tưởng đó, năm 2006, anh Liêm bắt đầu nuôi thử nghiệm vài chục con gà tre, chủ yếu là để bảo tồn, lưu giữ giống gà tre quí hiếm. Thời điểm này, anh phải ngược xuôi lặn lội khắp nơi, từ Tây Ninh cho đến Tân Châu, tỉnh An Giang, chỗ nào có gà tre giống là anh sưu tầm mang về lai tạo, chọn lọc ra giống gà tre thuần chủng. Lúc đầu, anh chỉ nuôi để làm kiểng, về sau khi thấy thịt gà tre ngon và xu hướng tiêu thụ gà tre trên thị trường ngày càng phổ biến nên năm 2007, anh quyết định chuyển sang đầu tư nuôi gà tre để lấy thịt với số lượng khoảng 1.000 con.
Do gà tre là đối tượng chăn nuôi khá mới mẻ và người tiêu dùng chưa quen với thịt gà tre, nên đầu ra của sản phẩm gà tre thương phẩm ở cơ sở chăn nuôi của anh Liêm gặp nhiều khó khăn. Không nản chí, anh Liêm kiên trì đi đến tận các nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh, giới thiệu sản phẩm thịt gà tre. Một thời gian sau, khi gà tre trở thành đặc sản được người tiêu dùng chấp nhận, dần dần anh Liêm mở rộng qui mô chăn nuôi theo hình thức trang trại khép kín từ khâu con giống, ấp nở, nuôi đến giai đoạn thương phẩm, giết mổ và đóng gói.
Sau thời gian cần mẫn chăn nuôi, đến nay, anh Liêm đã gầy dựng được trang trại chăn nuôi gà tre an toàn sinh học bề thế, với tổng đàn khoảng 80.000 con, trong đó gà bố mẹ là 8.000 con, còn lại là gà các lứa tuổi cho đến gà xuất chuồng. Mô hình chăn nuôi gà tre thương phẩm mang tính hàng hoá của anh Liêm là lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện ngoài một cơ sở chăn nuôi chính ở ấp Lương Phú B, xã Lương Hoà Lạc, đến nay anh phát triển được 20 cơ sở phụ nằm rải rác trên địa bàn huyện Chợ Gạo.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày, trang trại chăn nuôi của anh Liêm xuất bán khoảng 700- 800 con gà tre đã qua giết mổ đóng gói và gà tre thịt chưa qua giết mổ cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Với giá bán hơn 100.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm anh thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng từ mô hình nuôi gà tre an toàn sinh học.
Theo anh Liêm, gà tre tương đối dễ nuôi hơn các loại gia cầm khác, nhưng trong quá trình nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm chủng phòng bệnh cho đàn gà. Để chăn nuôi thành công, anh tranh thủ tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi gà tre an toàn sinh học qua sách báo, xem đài,... Đặc biệt, năm 2012, trang trại của anh bắt đầu sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi để hạn chế mùi hôi, không ô nhiễm môi trường, gà ít bệnh hơn. Anh cho biết, gà tre được cho ăn thức ăn công nghiệp, sau 4 tháng nuôi, gà được xuất chuồng, với trọng lượng từ 500 - 700 gam/con.
Anh Liêm chia sẻ: Nuôi gà tre thương phẩm vấn đề quan trọng là phải đảm bảo được khâu tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian tới, khi thị trường tiêu thụ đặc sản gà tre ngày càng rộng mở, anh sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng qui mô chăn nuôi theo nhu cầu của thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 9.9, Liên minh Nông nghiệp tổ chức Diễn đàn Chính sách nông nghiệp Việt Nam với chủ đề “Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN lên ngành chăn nuôi tại Việt Nam”.
Hiện đang vào mùa thu hoạch chính của các loại rau củ đặc sản của Đà Lạt (Lâm Đồng) như xà lách, cà chua, súp lơ, bắp cải, cải thảo, nhưng do thị trường đang tiêu thụ mạnh nên giá các loại rau tăng cao so với tháng trước. Giá tăng nhưng các mặt hàng rau, củ Đà Lạt vẫn đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thu mua và xuất khẩu của các cơ sở kinh doanh tại Đà Lạt.
Tuy không ngọt lịm như một số giống cam trồng dưới xuôi, nhưng bù lại, trái hường có mùi khá thơm, khi ăn có vị thanh, mát.
Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải cởi bỏ chính sách “độc quyền tập thể” trong xuất khẩu lúa gạo theo Nghị định 109. Thay vào đó, cần tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp (DN) mới, năng động tham gia xuất khẩu gạo.
Độc giả Phạm Hoàn (Đồng Nai) hỏi: Gia đình tôi muốn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm để sản xuất nông nghiệp thì có được Nhà nước hỗ trợ không? Xin hỏi Nhà nước quy định thế nào về việc hỗ trợ nông dân nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp?