Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thành Công Với Mô Hình Đa Canh, Đa Con Kết Hợp Khép Kín

Thành Công Với Mô Hình Đa Canh, Đa Con Kết Hợp Khép Kín
Ngày đăng: 24/04/2013

Anh Trần Quốc Việt, cư ngụ tại ấp Long Hải, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu) là người thành công với mô hình đa canh, đa con kết hợp khép kín với quy mô diện tích gần 05 ha. Nhờ biết tận dụng diện tích đất sẵn có và vận dụng sáng tạo những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm nên anh đã thực hiện mô hình sản xuất tổng hợp: 02 vụ tôm sú kết hợp 01 vụ cua, cá rô phi; 01 vụ lúa kết hợp với tôm càng xanh; nuôi cá sấu, cá bống tượng, mỗi năm thu nhập từ 500 - 800 triệu đồng.

Năm 2012, là năm anh thành công nhất với mô hình này và đã thu về gia đình hơn 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi trên 500 triệu đồng. Khi tham quan mô hình của anh, chúng tôi thấy rằng yếu tố quyết định thành công của mô hình này là anh Việt biết kết hợp một cách khoa học các đối tượng nuôi và bố trí lịch thả nuôi hợp lý.

Với mô hình tôm sú, cua, anh bố trí thả nuôi từ tháng 01 đến tháng 8 dương lịch và thu hoạch dứt điểm. Theo anh, trong khoảng thời gian này nước và độ mặn trong vuông còn cao nên thả tôm, cua phát triển tốt ít bị bệnh. Đầu tháng 01 dương lịch, sau khi thu hoạch vụ lúa trên đất tôm xong, anh tiến hành cải tạo vuông và thả 100.000 con tôm giống, sau khoảng 3 tháng nuôi ông bắt đầu thu hoạch tôm vụ 1. Đối với tôm vụ 2, khi thả tôm vụ 1 khoảng 2,5 tháng, anh cải tạo ao dèo thả 100.000 con tôm giống vụ 2, sau khi thu hoạch hết tôm vụ 1, anh xử lí nước trong vuông thấy màu nước tốt, chuyển tôm trong ao dèo ra vuông nuôi. Theo anh, làm như vậy vừa tranh thủ được thời gian, vừa tránh được mầm bệnh từ vụ tôm trước lây qua vụ tôm sau.

Con cua sau khi thả tôm sú được 01 tháng, anh tiến hành cải tạo ao dèo, thả 4.000 con cua giống. Theo anh, để dèo cua đạt tỷ lệ sống cao, ao dèo phải thuốc sạch cá tạp, đặt chà để cho cua trú ẩn, đồng thời bổ sung thức ăn cho cua. Cua được ương trong ao dèo 15 ngày, chuyển ra vuông nuôi. Trong thời gian nuôi, anh thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước, định kỳ thay nước vuông nuôi, bón phân, vôi, vi sinh... để ổn định môi trường nước vuông nuôi, tạo thức ăn tự nhiên cho tôm, cua. Sau 8 tháng nuôi, anh tiến hành thu hoạch 02 vụ tôm sú được 240 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 190 triệu đồng. Thu cua được 32 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 21 triệu đồng.

Từ khi phong trào nuôi cá bống tượng, cá sấu phát triển mạnh ở huyện Phước Long, anh bắt đầu cải tạo vườn tạp, đào ao nuôi cá bống tượng, xây hồ nuôi cá sấu. Năm 2008, anh cải tạo 03 ao nuôi cá bống tượng với diện tích 300 m2/ao, thả 1.200 con cá bống tượng và xây 02 hồ nuôi cá sấu, mỗi hồ thả nuôi 100 con cá sấu. Năm 2012, anh thu hoạch 02 đợt cá bống tượng được 90 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 50 triệu đồng; thu hoạch 02 đợt cá sấu được 320 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 170 triệu đồng. Nhờ tận dụng nguồn cá tạp trong vuông làm thức ăn cho cá bống tượng, cá sấu nên giảm được chi phí sản xuất, mang lại thu nhập cao cho gia đình. Hiện nay, anh có 03 ao nuôi cá bống tượng thả 1.200 con cá giống, 02 hồ nuôi 200 con cá sấu.

Đối với trà lúa trên đất nuôi tôm, anh thực hiện đúng theo qui trình canh tác mà ngành nông nghiệp khuyến cáo, thực hiện theo đúng lịch thời vụ. Đầu tháng 8 dương lịch khi mưa nhiều, anh cải tạo vuông (rửa mặn, phèn...), đến đầu tháng 9, anh chọn giống lúa lai B-TE1 xuống giống trên diện tích 04 ha, kết hợp thả 50.000 giống tôm càng xanh, cá rô phi. Theo anh, làm giống lúa ngắn ngày thu hoạch sớm, tranh thủ được thời gian cải tạo vuông nuôi kỹ, thả tôm sú ít bị bệnh, tôm mau lớn.

Còn tôm càng xanh, anh bố trí thả giống vào khoảng tháng 7 dương lịch, khi độ mặn trong vuông nuôi khoảng 12 phần ngàn. Anh nói nếu thả tôm càng xanh trễ vào khoảng tháng 8 - 9 dương lịch, thời gian nuôi ngắn khi thu hoạch kích cỡ tôm càng xanh không được lớn, bán giá không được cao. Tôm càng xanh được ương trong ao dèo 20 ngày, khi sạ lúa xong, anh chuyển tôm ra vuông nuôi. Theo anh Việt để mô hình nuôi tôm càng xanh xen lúa đạt hiệu quả cao thì khâu chăm sóc và quản lí rất quan trọng, trong canh tác lúa, anh thực hiện theo chương trình “3 giảm 3 tăng” mà ngành nông nghiệp khuyến cáo, theo dõi sự phát triển lúa, bón phân cân đối, sử dụng các loại thuốc như: Amittatop, Tilt, Flash... để phòng và trị bệnh cho lúa.

Đối với tôm càng xanh, định kỳ thay nước, bón vôi,... vuông nuôi, để ổn định môi trường nước, tạo điều kiện cho tôm lên ruộng lúa tìm thức ăn, kích thức tôm lột lột xác, mau lớn. Đến tháng 12, anh tiến hành thu hoạch lúa, năng suất đạt 38 giạ/công, bán được 146 triệu đồng, trừ chi phí anh còn lãi 94 triệu đồng, tôm càng xanh thu hoạch được 250 kg bán được 26 triệu đồng, trừ chi phí anh còn lãi 17 triệu đồng, còn cá phi thu hoạch hằng ngày cho cá sấu, cá bống tượng ăn.

Với những nỗ lực và thành công đạt được trong những năm qua, anh Trần Quốc Việt vinh dự được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của UBND huyện, tỉnh. Anh cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bà con nông dân để ngày càng có nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao hơn.


Có thể bạn quan tâm

Khá Lên Nhờ Nuôi Cá Giống Khá Lên Nhờ Nuôi Cá Giống

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhờ mô hình nuôi cá giống. Một trong những hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu đầu tiên từ mô hình này là gia đình chú Nguyễn Văn Sáu ở ấp Tịnh Mỹ.

31/10/2013
Xuất Hiện Dịch Lở Mồm Long Móng Ở 19 Xã Xuất Hiện Dịch Lở Mồm Long Móng Ở 19 Xã

Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, dịch lở mồm long móng đang bùng phát mạnh tại 19 xã của 3 huyện là Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Kỳ Anh.

31/10/2013
Nhân Rộng Mô Hình Trồng Rau Trong Nhà Kính Nhân Rộng Mô Hình Trồng Rau Trong Nhà Kính

Trước đây, xã Chánh Mỹ (TP.Thủ Dầu Một - Bình Dương) nổi tiếng là vùng trồng rau diếp cá. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết vào khoảng năm 2000 diện tích trồng rau diếp cá ở xã lên đến 50 - 60 ha. Từ năm 2007 đến nay, khi các dự án quy hoạch được thực hiện ở địa phương nên đa số nông dân không còn nhiều diện tích đất để canh tác. Hiện diện tích canh tác nông nghiệp của xã chỉ còn khoảng 16 ha, chủ yếu trồng các loại rau màu.

01/11/2013
Hướng Đến Chăn Nuôi Heo An Toàn Sinh Học Hướng Đến Chăn Nuôi Heo An Toàn Sinh Học

Trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, gây thiệt hại về kinh tế, người chăn nuôi heo trong tỉnh Phú Yên đang từng bước hướng đến nền chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế tối đa rủi ro.

23/07/2013
Xây Nhà Lầu Nuôi Chim Yến Xây Nhà Lầu Nuôi Chim Yến

Trong suy nghĩ của tôi, cứ tưởng rằng chim yến là loài hoang dã chỉ quen sống ở những vùng biển khơi, hải đảo… Không ngờ loài chim “quý tộc”- được xem như sứ giả của mùa xuân ấy lại có thể chọn vùng đất biên giới Tân Biên để làm chỗ “định cư”.

02/11/2013