Doanh Nghiệp Xuất Khẩu Rau Quả Gặp Khó Vì Thiếu Nguyên Liệu
Theo thông tin từ Sở Công thương Bắc Giang, quý I năm 2014, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của tỉnh ước đạt gần 1,5 triệu USD, chỉ bằng 4,74% kế hoạch năm.
Vùng nguyên liệu bị thu hẹp
Nhiều chủ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh kỳ vọng 2014 là năm "khởi sắc” của ngành hàng này bởi nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, đơn đặt hàng từ các thị trường truyền thống như: Nga, Nhật, Ukraine, Belarut... tăng mạnh. Một số DN đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu rau quả đến hết năm.
Tuy nhiên, thiếu nguyên liệu sản xuất đang là một trong các nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này không được như mong đợi. Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang) được biết, vụ đông năm nay, đơn vị có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh với diện tích 50 ha.
Mặc dù phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn triển khai sản xuất sớm nhưng chỉ đạt 30 ha tại các huyện: Tân Yên, Lạng Giang và Lục Nam. Hơn nữa, trong vụ đông vừa qua thời tiết rét đậm kéo dài khiến một số diện tích rau chế biến bị chết hoặc chậm phát triển ảnh hưởng lớn đến sản lượng tại các vùng nguyên liệu. Do vậy, 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Công ty ước đạt 300 nghìn USD, chỉ bằng 60% kế hoạch đề ra.
Không riêng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco mà hầu hết các DN xuất khẩu rau quả đều lâm vào tình cảnh như vậy. Ông Phan Văn Thường, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu GOC (Lạng Giang) cho biết: "Dù đơn vị đã cung cấp giống và kỹ thuật, cam kết bao tiêu toàn bộ theo hợp đồng nhưng nông dân vẫn phá vỡ hợp đồng để bán cho thương nhân mua với giá cao hơn nên sản lượng rau chế biến tại các vùng nguyên liệu thường không bảo đảm, chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của DN”.
Ông Hoàng Sỹ Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phú (Lục Nam) cho biết: "Mấy năm trước, người dân trong xã từng mất trắng 38 ha rau chế biến trong hai vụ đông liên tiếp do sâu bệnh, vì thế năm nay, người nông dân không gieo trồng rau chế biến trong vụ đông. Hơn nữa, người nông dân có nhiều loại nông sản thay thế rau chế biến cho năng suất cao và ít rủi ro hơn như hành, khoai tây”.
DN tìm kế ứng phó
Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu, không để đình trệ sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động, mỗi DN đều tìm hướng đi thích hợp. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco đã chủ động liên hệ thu mua nguyên liệu ở một số tỉnh như: Lào Cai, Ninh Bình.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế bởi làm như vậy vừa tăng chi phí sản xuất lại khó kiểm soát chất lượng sản phẩm nên không thể xuất khẩu vào những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc. Về lâu dài, Công ty đang phối hợp với UBND huyện Tân Yên khảo sát để mở rộng thêm 20 ha vùng nguyên liệu tại xã Việt Lập. Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Bắc Giang (Lục Ngạn) đang tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 300 ha vùng nguyên liệu tại huyện Lục Nam. Còn GOC lại chọn phương án đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu ngoài rau quả như: cà rốt, dứa, ngô...
Các DN đều chủ động ký kết hợp đồng với các đơn vị cung cấp giống và người nông dân để tăng từ hai lên ba vụ đối với một số rau quả như dưa chuột bao tử, dưa Nhật.
Theo ông Nguyễn Văn Tập, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu và Hội nhập kinh tế quốc tế (Sở Công thương) thì để hỗ trợ cho các DN xuất khẩu, thời gian tới, ngành công thương tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản xuất khẩu mà trước hết là quả vải thiều.
Theo đó, các DN có uy tín của tỉnh sẽ được lựa chọn làm đầu mối, đảm nhiệm việc thu gom, chế biến, tìm kiếm đối tác xuất khẩu nhằm tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, tranh mua ở nội địa, tranh bán ở biên giới tạo cơ hội cho đối tác ép cấp, ép giá.
Nhưng để hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu rau quả, một số chủ DN cho rằng ngành công thương nên tập trung giúp đỡ các đơn vị xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã nâng cao chất lượng hàng hoá, giảm giá thành sản phẩm; tăng cường liên doanh, liên kết, xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu.
Các bộ, ngành liên quan cần rà soát lại các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, tháo gỡ vướng mắc để DN và nông dân đều được hưởng lợi trong quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản.
Điển hình như việc thực hiện Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10-9-2013 của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan đang được nhiều DN chỉ ra bất cập khi nhập khẩu chai thủy tinh làm vỏ. Điều 27 thông tư quy định: Các loại hàng hóa phải đưa về địa điểm kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành, sau khi được kiểm tra và được cấp đủ giấy tờ công nhận chất lượng hoặc đăng kiểm của cơ quan chuyên ngành… thì mới được làm thủ tục hải quan.
Thông thường, để có kết quả kiểm định của cơ quan chuyên ngành phải mất khoảng 10 ngày. Hàng đọng tại kho, không tiêu thụ được khiến DN mất thêm chi phí bảo quản, lưu kho, thậm chí chậm muộn hợp đồng.
Bên cạnh đó, để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho mặt hàng rau quả, ngành nông nghiệp cũng cần quan tâm nhân rộng các mô hình sản xuất sạch theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như: VietGAP, GlobalGAP. Tổ chức tốt việc liên kết giữa người sản xuất và DN xuất khẩu, chấm dứt tình trạng sản xuất, kinh doanh theo kiểu tự phát, thiếu bền vững như hiện nay.
Vụ đông vừa qua, toàn tỉnh trồng 200 ha dưa bao tử, cà chua bi, giảm 100 ha so với năm trước. Nguyên nhân do chuyển dịch cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, chi phí sản xuất rau chế biến lớn, tốn công lao động.
Có thể bạn quan tâm
Lũy kế diện tích thả nuôi cá tra từ đầu năm 2014 tính đến ngày 5/1/2015 là 2.016,64 ha, đạt 93,80% kế hoạch năm. Đã thu hoạch được 1.091,52 ha với tổng sản lượng là 368.582 tấn. Tổng số lượng cá giống thả 650,18 triệu con, lượng giống sản xuất là 1.197,58 triệu con. Diện tích đang nuôi là 925,12 ha, diện tích treo ao là 154,38 ha.
Rừng ngập mặn Cà Mau chiếm ½ tổng diện tích rừng ngập mặn Việt Nam, đồng thời Cà Mau cũng là tỉnh chiếm ½ tổng diện tích nuôi và ¼ tổng sản lượng tôm của cả nước. Tuy vậy, nuôi tôm cũng là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng.
Tất cả các biến động bất lợi trong ngành sản xuất và chế biến cá tra thời gian qua dẫn đến nhu cầu phải tái cấu trúc ngành này để đảm bảo phát triển bền vững, và theo ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius), việc tái cấu trúc cần phải bắt đầu từ khâu phân phối.
Theo ông Hai, chanh tứ quý phát trưởng mạnh, trái to, nhiều nước và đặc biệt là không hạt. Tuy dễ trồng nhưng muốn đạt năng suất và chất lượng, người trồng phải biết cách chăm sóc, bón phân, tưới nước đầy đủ trong mùa nắng. Ngoài ra còn phải chú ý đề phòng sâu đục thân, sâu vẽ bùa và các bệnh phấn trắng, bệnh đốm đen có thể làm cho cây suy thoái.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay Việt Nam đã có 44 sản phẩm đạt chứng nhận BAP (Best Aquaculture Practices) của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu - Global Aquaculture Alliance (GAA); trong đó có 17 sản phẩm đạt chứng nhận 1 sao, 12 sản phẩm đạt 2 sao, 9 sản phẩm đạt 3 sao và 6 sản phẩm đạt 4 sao. Đặc biệt, Việt Nam là nước có số lượng sản phẩm đạt 4 sao nhiều nhất trên thế giới.