DN Việt thiếu kiến thức phòng vệ thương mại
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp chỉ biết về công cụ này như một rào cản đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu mà không phải là một công cụ có thể sử dụng ngay tại Việt Nam để chống lại những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu.
Các DN Việt đang thiếu kiến thức về phòng vệ thương mại.
Phản ứng yếu ớt
Đưa ra một ví von như trong một trận đấm bốc “trong khi đối thủ liên tục ra đòn tới 19 lần thì chúng ta chỉ phản ứng lại được 1 lần”, TS.Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đã đưa ra một thực tế đáng lo ngại:
Các doanh nghiệp (DN) của ta chưa thực sự quan tâm đến các công cụ PVTM (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) để bảo vệ mình trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu.
Tính đến tháng 10/2015, số lượng các vụ điều tra PVTM đối với hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài lên đến 94 vụ (trong đó chống bán phá giá 70 vụ, chống trợ cấp 7 vụ, tự vệ 17 vụ); có tới 46 vụ dẫn tới áp dụng các biện pháp PVTM.
Trong khi đó, số lượng các vụ điều tra PVTM đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam chỉ có vỏn vẹn… 4 vụ (trong đó có 1 vụ chống bán phá giá, 3 vụ tự vệ: 2 trong số đó dẫn tới áp dụng các biện pháp PVTM).
Qua khảo sát 1.000 DN về khả năng kiện PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu do Trung tâm WTO và Hội nhập thực hiện từ cuối năm 2014 thấy, có tới 37,21% DN cho rằng hiện tượng hàng hóa nước ngoài nhập khẩu bán với giá thấp khiến họ hầu như không cạnh tranh được; gần 70% DN cho rằng hàng hóa nước ngoài có thể bán với giá rất thấp vào Việt Nam là do các biện pháp bất hợp pháp.
Tuy nhiên, số lượng DN tính đến việc áp dụng các biện pháp PVTM lại rất hạn chế.
Theo khảo sát, trong khi có tới gần 70% DN được hỏi biết về công cụ PVTM có thể được sử dụng ở Việt Nam để chống lại hàng hóa nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt thì chỉ có 25,23% DN tính tới việc sử dụng công cụ chống bán phá giá, chống trợ cấp; số tính tới việc đi kiện tự vệ còn khiêm tốn hơn, chỉ 14%.
Theo bà Trang, kiện PVTM không phải là “cuộc chơi” của một cá nhân riêng lẻ mà là “cuộc chơi tập thể”, là chiến lược hành động của cả một ngành sản xuất, vì vậy, việc tập hợp lực lượng để khởi kiện là rất quan trọng.
Theo quy định của WTO, các DN đi kiện phải sản xuất ra ít nhất 25% tổng lượng sản phẩm; đơn kiện nhận được sự ủng hộ của các DN sản xuất ra ít nhất 50% tổng sản lượng sản phẩm liên quan, nhưng trong bối cảnh các DN Việt hầu hết đều rất nhỏ, tính kết nối chưa cao thì không có gì ngạc nhiên khi có tới 71% DN cho rằng việc tập hợp lực lượng là rất khó khăn;
86% DN cho rằng nếu đi kiện thì mình sẽ gặp khó khăn trong huy động tài chính, chỉ có 2% cho rằng chi phí kiện PVTM không là vấn đề lớn, 12% cho rằng có thể khó khăn nhưng có thể vượt qua được.
“Điều này đi ngược với thông lệ quốc tế khi các DN nước ngoài luôn chủ động kinh phí cho các biện pháp PVTM thì DN Việt, dù mạnh hay yếu, cũng không trích một phần kinh phí để sẵn sàng cho PVTM, cũng không có DN nào đề cập đến các biện pháp PVTM trong chiến lược kinh doanh của mình”, bà Trang nêu một thực tế.
Đáng lo ngại hơn, nhiều DN còn cho rằng, có thể trông chờ sự hỗ trợ của Chính phủ.
Cụ thể, có tới 63,55% DN dự kiến nhờ Chính phủ, VCCI giúp đỡ, tư vấn để tiết kiệm kinh phí, thậm chí có tới 28% DN còn tính tới việc nhờ Chính phủ hỗ trợ về tài chính (trong khi giải pháp này về mặt pháp lý là hoàn toàn không khả thi).
Các biện pháp PVTM là một phần trong chính sách thương mại của các quốc gia nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa khỏi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, bao gồm các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
Trong khi các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được sử dụng nhằm hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài thì các biện pháp tự vệ lại được sử dụng nhằm giúp các ngành sản xuất nội địa có thêm thời gian để điều chỉnh tăng cường tự do hóa thương mại.
Muốn kiện phải có bằng chứng nhưng có tới 33% số DN cho biết tập hợp bằng chứng về việc hàng hóa nước ngoài bán phá giá là nhiệm vụ bất khả thi với họ; 65% cho rằng họ có thể tập hợp một số thông tin nhưng không đầy đủ, chỉ 2% DN cho rằng mình có thể làm được việc này một cách đầy đủ.
Với kiện chống trợ cấp, không DN nào tự tin rằng mình có thể tìm được đầy đủ bằng chứng, 44,46% cho biết có thể tập hợp nhưng không đầy đủ, 53,53% khẳng định họ hoàn toàn không có khả năng.
Ngay cả các bằng chứng cho việc kiện tự vệ (được cho là dễ thu thập thông tin) thì cũng chỉ có 1% DN cho rằng mình có thể tập hợp được các thông tin này; 62,63% có thể nhưng khó khăn và 36,36% hoàn toàn bất lực.
Nâng cao năng lực cho DN
Trong số 10 nước bị kiện chống bán phá giá nhiều nhất trên thế giới từ năm 1995-2014, thì chúng ta đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với 9 thị trường (Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Nga, Malaysia), chống trợ cấp cũng tương tự như vậy, điều này đặt ra một thực tế, bản thân các DN phải nhận thức rõ hơn để chuẩn bị tâm thế vững vàng sử dụng các công cụ PVTM một cách hiệu quả.
Bà Trang cho rằng, trong bối cảnh các DN còn hiểu biết “sơ sơ” về PVTM, việc tăng cường thông tin về PVTM là rất quan trọng.
DN cần được tư vấn, tuyên truyền để có kế hoạch dành một phần lợi nhuận thu được hàng năm, dưới dạng quỹ, cho các hoạt động pháp lý để tạo nguồn lực sẵn sàng cho các vụ đi kiện PVTM khi cần thiết.
Trong khuôn khổ các hiệp hội ngành hàng cũng cần có một khoản quỹ dành cho việc này.
Đối với các DN, đặc biệt là DN có khả năng bị tác động đáng kể bởi hàng hóa cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài, cần thiết phải đưa PVTM vào danh sách các công cụ được cân nhắc khi xây dựng chiến lược kinh doanh hoặc phương án đối phó với các vấn đề gặp phải trong quá trình kinh doanh.
“PVTM là một công cụ “tập thể” được trao cho ngành sản xuất nội địa để bảo vệ mình trước hàng hóa nhập khẩu nên các DN, nếu muốn sử dụng công cụ PVTM một cách hiệu quả nhất thiết phải liên kết với nhau, ít nhất là để đáp ứng điều kiện pháp lý bắt buộc cho việc khởi kiện”, bà Trang nhấn mạnh.
Hiệp hội ngành hàng được cho là kênh tập hợp các nguyên đơn hiệu quả nhất.
Về phía các cơ quan Nhà nước, có thể phối hợp, hỗ trợ DN bằng cách: Thành lập nhóm tư vấn đơn kiện; hỗ trợ tìm kiếm/tập hợp thông tin số liệu chính thức thuộc kiểm soát của cơ quan nhà nước; hỗ trợ trong xác minh thông tin; đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính liên quan tới việc đáp ứng các yêu cầu của DN gắn với mục tiêu kiện PVTM; hoàn thiện các cơ sở pháp lý có liên quan…
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về PVTM (Trung tâm WTO và Hội nhập), cho rằng, khảo sát thực tiễn cho thấy, bức tranh không mấy sáng sủa khi mà nhận thức cũng như năng lực của DN Việt Nam về công cụ PVTM còn rất hạn chế, từ tất cả các góc độ như tập hợp lực lượng, tập hợp bằng chứng, nguồn nhân lực, tài chính.
Tuy nhiên, nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ PVTM là câu chuyện có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển và tương lai của nhiều ngành sản xuất trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới với cánh cửa ngày càng mở cho hàng hóa nước ngoài nhập khẩu, cả cho hàng hóa cạnh tranh lành mạnh và hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
Mới đây, khi các nhà chăn nuôi ở Đông Nam Bộ kiến nghị kiện Mỹ chống bán phá giá sản phẩm đùi gà ở Việt Nam, nhiều chuyên gia đã khẳng định rằng, đó là điều không tưởng, giống như “con kiến kiện củ khoai”.
Chính vì vậy, sự chuẩn bị tâm lý, kiến thức, kinh nghiệm cho DN Việt Nam ngay từ bây giờ là vô cùng cần thiết, bởi không biết trong tương lai hàng hóa Việt Nam sẽ còn phải lao đao bao nhiêu lần, giống như từng xảy ra với chiếc đùi gà Mỹ.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến ngày 30/10 tới đây sẽ có báo cáo cụ thể về việc có nên khởi kiện đùi gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam hay không.
Hai biện pháp mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xem xét là chống bán phá giá và tự vệ.
Tuy nhiên, việc sử dụng biện pháp chống bán phá giá gặp khó khăn khi khó tìm được DN hoặc nhóm DN chiếm 25% thị phần, trong khi ngành chăn nuôi chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa, nên tập hợp rất khó.
Có thể bạn quan tâm
Tại các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang... giá lúa khô đã lên mức 5.000 đồng/kg, tăng khoảng 200 đồng/kg so với trước thu mua tạm trữ.
Trong khi các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Gia Bình chịu thiệt hại khá lớn do dịch lợn tai xanh gây ra, thì gia đình ông Trần danh Trưởng thôn Thiên Đức- xã Thái Bảo vẫn có nguồn thu nhập ổn định với doanh thu hàng chục triệu đồng từ nghề nuôi Dê lai giống Bách Thảo.
Hiện giá tôm hùm thương phẩm loại 1, tại các tỉnh Nam Trung Bộ, đã tăng lên 1,3 triệu đồng/kg, giúp người nuôi bớt thua lỗ.
Du nhập vào Việt Nam muộn (từ năm 2005), nhưng đến nay phong trào nuôi cá nước lạnh đã phát triển mạnh ở 23 tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay nghề này đang vấp phải rất nhiều khó khăn, nhiều nơi không thể duy trì nuôi như trước.
Nhu cầu nhập gạo trắng phẩm cấp thấp của khách châu Phi buộc các nhà xuất khẩu Thái Lan mua thêm hàng từ Việt Nam và Campuchia để đáp ứng. Lý do là nguồn cung gạo ở Thái Lan đang hạn hẹp do chương trình tạm trữ của chính phủ nước này.