Điểm Tắc Cải Lão Cà Phê Việt
Tại Hội nghị sơ kết tái canh cà phê do Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA) phối hợp với một số tỉnh Tây Nguyên tổ chức mới đây, có những thông tin vừa mừng vừa lo.
Niên vụ 2013/2014, Việt Nam đã xuất khẩu 1,32 triệu tấn cà phê, kim ngạch tới 2,75 tỷ USD. Song, cà phê Việt đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt đã qua tuổi “trung niên”, đang bước rất nhanh vào thời kỳ “lão niên”, nếu không sớm “cải lão hoàn đồng”, nguy cơ “xuống sức” đã nhãn tiền.
Hiện cả nước có trên 622.000ha cà phê, trong đó có 86.000ha cà phê già cỗi trên 20 năm tuổi cần được tái canh cấp tốc, khoảng 140.000- 160.000ha cần tái canh trong 5- 10 năm tới, chưa kể 40.000ha dưới 20 tuổi nhưng đã có biểu hiện già cỗi, năng suất và chất lượng thấp.
Đó là những con số hết sức lo ngại cho cà phê- mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn, đưa Việt Nam lên vị trí nhất nhì trong các nước xuất khẩu cà phê trên thế giới.
Đáng lo hơn, việc tái canh cây cà phê đang diễn ra chậm chạp. Nguyên nhân đã được đưa ra mổ xẻ trên nhiều diễn đàn, hội nghị và tựu trung vì... nông dân. Nào là nông dân năng lực tài chính yếu, thiếu vốn, khó tiếp cận vốn ngân hàng vì lãi suất cao, nào là nông dân không mặn mà...
Vậy, doanh nghiệp đang ở đâu? Hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu cà phê thuộc hàng đẳng cấp cao đang đứng xa nhìn nông dân loay hoay với vườn cà phê già cỗi chăng? Vì sao từ năm 2012 đến nay, Tổng công ty Cà phê Việt Nam chỉ tái canh được trên 2.000ha cà phê, rất nhỏ nhoi? Vai trò của VICOFA như thế nào?
Có ý kiến cho rằng, đó là do vốn ngân hàng lãi suất cao, cơ chế vay ngặt nghèo, doanh nghiệp “sợ” vay. Thế nhưng, mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, các nhà băng đã dành 12.000 tỷ đồng để cho vay tái canh cây cà phê với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, thời hạn cho vay 3- 5 năm, thậm chí tới 5- 7 năm.
Khó nỗi, tiền đã sẵn sàng nhưng không cho vay nổi vì nhà băng “mù tịt” vùng nào được quy hoạch tái canh, trồng bằng giống gì, trồng xen canh cây gì để bảo đảm người trồng cà phê vẫn có thu nhập trong quá trình tái canh... Nhà băng đâu dám mạo hiểm tung tiền vào những nơi “u u minh minh”, để rồi ôm đống nợ xấu!
Có lẽ điểm tắc chính là sự “ảo mờ” 3 vấn đề: Quy hoạch, giống mới và công nghệ? Ai sẽ giải tỏa điểm tắc đó? Nếu cứ tranh luận trên bàn hội nghị mãi vẫn “đi mắc núi, về mắc sông”, số phận cà phê Việt những niên vụ tới sẽ ra sao?
Có thể bạn quan tâm
Thật may mắn cho chúng tôi khi đến thăm gia đình cựu thanh niên xung phong (TNXP) Hà Đức Ngọ, đội 13B, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên lúc ông mới trở về từ ruộng lúa. Vì bình thường, ít có lúc nào ông rảnh rỗi ở nhà mà luôn chân luôn tay làm đủ việc.
Ấu là loài cây thủy sinh rất thích hợp trồng trong mùa nước nổi, vì vậy loại cây này được khá nhiều bà con nông dân huyện Lấp Vò chọn trồng nhằm cải thiện thu nhập. Nếu biết cách trồng và chăm sóc hợp lý thì đây là một trong những loại cây màu thích hợp sống chung với lũ ở những vùng trồng lúa kém hiệu quả.
Vợ chồng anh Võ Hoàng Nam ở ấp Tân Hưng, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông đã có hơn 2 năm làm nghề cào và luộc hến cho biết: hơn nửa tháng nay, ngày nào vợ chồng anh cũng sử dụng ghe cào được trên dưới 100kg hến; đưa vào lò luộc đãi vỏ lấy được 15 - 20kg thịt hến.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười, tổng diện tích do bị đổ ngã là 4.827ha, tập trung ở các xã Mỹ An, Mỹ Quí, Mỹ Đông, thị trấn Mỹ An... lúa bị thiệt hại chủ yếu trong giai đoạn trổ chín; ước tính tổng thiệt hại là gần 4,4 tỷ đồng.
Nhà vườn Bùi Văn Sữa ở xã Định Yên cho biết, hiện vườn nhà ông có khoảng 2.600m2 đất trồng quýt đường, với trên 280 gốc, đang cho thu hoạch rộ. So với trồng quýt hồng thì quýt đường cho năng suất cao hơn, với khoảng 20kg/cây, ít sâu bệnh, khi cây đã lớn chủ yếu bón phân hữu cơ, cây cho trái luân phiên.