Điểm Tắc Cải Lão Cà Phê Việt

Tại Hội nghị sơ kết tái canh cà phê do Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA) phối hợp với một số tỉnh Tây Nguyên tổ chức mới đây, có những thông tin vừa mừng vừa lo.
Niên vụ 2013/2014, Việt Nam đã xuất khẩu 1,32 triệu tấn cà phê, kim ngạch tới 2,75 tỷ USD. Song, cà phê Việt đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt đã qua tuổi “trung niên”, đang bước rất nhanh vào thời kỳ “lão niên”, nếu không sớm “cải lão hoàn đồng”, nguy cơ “xuống sức” đã nhãn tiền.
Hiện cả nước có trên 622.000ha cà phê, trong đó có 86.000ha cà phê già cỗi trên 20 năm tuổi cần được tái canh cấp tốc, khoảng 140.000- 160.000ha cần tái canh trong 5- 10 năm tới, chưa kể 40.000ha dưới 20 tuổi nhưng đã có biểu hiện già cỗi, năng suất và chất lượng thấp.
Đó là những con số hết sức lo ngại cho cà phê- mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn, đưa Việt Nam lên vị trí nhất nhì trong các nước xuất khẩu cà phê trên thế giới.
Đáng lo hơn, việc tái canh cây cà phê đang diễn ra chậm chạp. Nguyên nhân đã được đưa ra mổ xẻ trên nhiều diễn đàn, hội nghị và tựu trung vì... nông dân. Nào là nông dân năng lực tài chính yếu, thiếu vốn, khó tiếp cận vốn ngân hàng vì lãi suất cao, nào là nông dân không mặn mà...
Vậy, doanh nghiệp đang ở đâu? Hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu cà phê thuộc hàng đẳng cấp cao đang đứng xa nhìn nông dân loay hoay với vườn cà phê già cỗi chăng? Vì sao từ năm 2012 đến nay, Tổng công ty Cà phê Việt Nam chỉ tái canh được trên 2.000ha cà phê, rất nhỏ nhoi? Vai trò của VICOFA như thế nào?
Có ý kiến cho rằng, đó là do vốn ngân hàng lãi suất cao, cơ chế vay ngặt nghèo, doanh nghiệp “sợ” vay. Thế nhưng, mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, các nhà băng đã dành 12.000 tỷ đồng để cho vay tái canh cây cà phê với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, thời hạn cho vay 3- 5 năm, thậm chí tới 5- 7 năm.
Khó nỗi, tiền đã sẵn sàng nhưng không cho vay nổi vì nhà băng “mù tịt” vùng nào được quy hoạch tái canh, trồng bằng giống gì, trồng xen canh cây gì để bảo đảm người trồng cà phê vẫn có thu nhập trong quá trình tái canh... Nhà băng đâu dám mạo hiểm tung tiền vào những nơi “u u minh minh”, để rồi ôm đống nợ xấu!
Có lẽ điểm tắc chính là sự “ảo mờ” 3 vấn đề: Quy hoạch, giống mới và công nghệ? Ai sẽ giải tỏa điểm tắc đó? Nếu cứ tranh luận trên bàn hội nghị mãi vẫn “đi mắc núi, về mắc sông”, số phận cà phê Việt những niên vụ tới sẽ ra sao?
Related news

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 121 tấn hạt giống ngô, 15 tấn hạt giống rau và 70 tấn hạt giống lúa từ nguồn dự trữ quốc gia cho 3 địa phương (Lào Cai, Hòa Bình, Tuyên Quang) khắc phục hậu quả thiên tai.

Vụ xuân năm nay toàn huyện Tân Yên (Bắc Giang) trồng 90 ha dưa bao tử (tăng 3 ha so với cùng kỳ năm ngoái). Hiện dưa bắt đầu cho thu hoạch, năng suất ước đạt 40 tấn/ha, tăng đột biến.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đác Nông Đỗ Ngọc Duyên cho biết: Giá cây giống mắc ca trên địa bàn tỉnh đã tăng mạnh từ 60.000 đồng/cây tăng lên 90.000-100.000 đồng/cây giống. Việc cây giống mắc ca tăng giá diễn ra từ đầu tháng 4 đến nay và hiện nay rất khó quản lý hoạt động mua bán loại cây giống này.

Ngày 27 tháng 02 năm 2015 UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND về việc ban hành Tiêu chí cánh đồng lớn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với những nội dung như sau:

Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, giá rau, hoa trong một tuần qua (từ ngày 8/4 - 15/4) có nhiều biến động. Cụ thể, 4 sản phẩm giảm giá bán tại cổng trại sản xuất là: 9.000 đồng/chục hoa hồng (giảm 3.000 đồng/chục), 3.000 đồng/kg cà chua (giảm 2.000 đồng/kg), 15.000 đồng/chục hoa cúc (giảm 1.000 đồng/chục) và 15.000 đồng/kg bắp cải (giảm l.000 đồng/kg).