Điểm sáng bán hàng Việt tại Bình Phước
Với những kết quả ban đầu đạt được Bình Phước được xem là "điểm sáng" trong việc thực hiện chương trình.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước - cho biết điểm bán hàng Việt được tổ chức với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phổ biến sâu rộng đến người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh nhận thức đúng đắn về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Đây là chương trình đầu tiên do Sở Công Thương Bình Phước tổ chức trong khuôn khổ Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giai đoạn 2014 - 2020, đồng thời là cơ hội để nhà sản xuất trong nước nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn cho hàng Việt.
Theo đó, nhà phân phối Bảo Châu - địa chỉ tại số 451 QL14 - phường Tân Bình - thị xã Đồng Xoài vinh dự được Sở Công Thương lựa chọn xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt đầu tiên tại Bình Phước.
Ấn tượng đầu tiên đối với điểm bán hàng hàng Việt này là vị trí đắc địa, nằm ngay trung tâm thị xã, bày trí như một cửa hàng tiện ích hiện đại, có máy lạnh, máy tính tiền bằng mã hàng với 1500 mặt hàng (99% xuất xứ là hàng Việt) được trưng bày khoa học, bắt mắt trên các quầy kệ.
Đặc biệt nhận diện “Điểm bán hàng Việt” rất rõ ràng, tạo ấn tượng, thu hút người tiêu dùng.
Ở vị trí đẹp nhất của cửa hàng là nơi bày bán các sản phẩm đặc sản của Bình Phước như hạt điều các loại, cà phê…
Chủ nhà phân phối Bảo Châu - bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ cho biết hàng Việt Nam không kém gì về sự đa dạng mẫu mã lẫn chất lượng so với hàng ngoại vì thế phần đông người tiêu dùng mua sắm tại cửa hàng đều chọn hàng Việt.
Trở thành “Điểm bán hàng Việt” đầu tiên của tỉnh Bình Phước, trung bình hàng ngày doanh số của cửa hàng đạt từ 18-20 triệu đồng.
Bà Lệ cho biết thêm việc tính toán tiết giảm được các chi phí nền như thuê mặt bằng, nhân công, cộng với chiết khấu bán hàng nhận được từ các nhà cung cấp, thực hiện các chương trình khuyến mãi… đã giúp cửa hàng linh động đưa ra giá bán các mặt hàng hợp lý, cam kết rẻ hơn thị trường chung vì thế thu hút được người tiêu dùng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho hàng Việt.
Ba điểm nhấn mang lại kết quả tốt cho việc triển khai điểm bán hàng Việt tại Bình Phước đó là địa điểm (đông dân cư, nhiều người qua lại), hàng hóa đảm bảo là hàng Việt và đặc biệt là sự đồng thuận của cơ sở kinh doanh khi triển khai thực hiện các chủ trương chung của chương trình.
Để tiếp tục nhân rộng kết quả từ điểm bán hàng Việt này, theo ông Hiếu, Sở Công Thương tỉnh sẽ thường xuyên tham vấn cách tổ chức của Vụ Thị trường trong nước, chú trọng công tác truyền thông để người tiêu dùng nhận biết dễ dàng, đồng thời kết nối được nhà sản xuất và nhà phân phối.
Sở Công Thương tỉnh Bình Phước cũng kiến nghị nâng mức hỗ trợ cho điểm bán hàng, phát triển mô hình này đến các điểm sản xuất, phân phối trên địa bàn ở diện rộng hơn nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho hàng Việt.
Đánh giá về kết quả triển khai mô hình điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh Bình Phước, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho biết việc lựa chọn địa điểm tốt, tổ chức điểm bán hàng bài bản, có sức mua cao… điểm bán hàng Việt của Bình Phước được xem là một "điểm sáng" của chương trình.
Về nguồn vốn hỗ trợ cần nhiều hơn bà Nga ghi nhận, tuy nhiên theo bà Nga nguồn vốn hỗ trợ này giống như "nguồn vốn mồi" cho chương trình và cần có sự tham gia thêm từ nguồn xã hội hóa, các DN...để phát triển chương trình mạnh mẽ hơn tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Vụ lúa đông xuân sớm tại các địa phương thuộc vùng Đồng Tháp Mười đã bắt đầu thu hoạch rộ. Thế nhưng khác mọi năm, lúa chín đầy đồng nhưng vắng bóng thương lái trong khi giá lúa chỉ còn dưới 5.000 đồng/kg.
Chỉ với hơn 1.000 m2, nhưng đó là nơi cô Nguyễn Hoàng Linh (phường An Thạnh, TX.Thuận An - Bình Dương) mở mô hình nuôi gà và heo, tuy quy mô không lớn nhưng mang lại nguồn lợi nhuận khá cao.
Thông tin từ Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO), vụ mía 2013 - 2014, CASUCO đưa ra mức giá sàn bảo hiểm cho nông dân với giá 750 đ/kg, mía 9 CCS tại cầu cảng nhà máy/xí nghiệp.
Ngày 31.1 là thời hạn cuối để các huyện Thăng Bình, Quế Sơn (Quảng Nam) kết thúc đợt khảo sát, xác định cụ thể diện tích đất có thể chuyển đổi sang trồng cây bông vải với vùng tập trung từ 300 ha trở lên, trên cơ sở đó Sở NN-PTNT để tham mưu UBND tỉnh về thí điểm vùng nguyên liệu bông vải tập trung.
Dự án tiếp nhận công nghệ sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ được triển khai tại Trại thực nghiệm giống thủy sản nước ngọt Hòa Định Đông (Phú Hòa) với số vốn hơn 820 triệu đồng. Sau 24 tháng triển khai, Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã sản xuất thành công hơn 47.000 con cá giống và đúc kết ra được các quy trình sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ phù hợp với điều kiện ở Phú Yên.