Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Từ Góc Nhìn Khoa Học
Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn ra ở hầu hết các vùng trọng điểm nuôi tôm, trong đó các tỉnh khu vực ĐBSCL thiệt hại nặng nề nhất. Dịch bệnh hoại tử gan tuỵ cấp xuất hiện trên cả 2 đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Theo báo cáo của Tổng Cục thuỷ sản, diện tích tôm bệnh chiếm gần 30% diện tích tôm nuôi, chủ yếu là bệnh đốm trắng, đầu vàng và gan tuỵ cấp.
Tại Cà Mau, từ năm 2010 đến nay xuất hiện bệnh hoại tử gan tuỵ cấp làm cho tôm nuôi chết hàng loạt, tập trung ở loại hình nuôi tôm công nghiệp (NTCN). Ðến nay, dịch bệnh này vẫn còn là đề tài mà các nhà khoa học trong và ngoài nước đẩy mạnh nghiên cứu tìm giải pháp đẩy lùi.
Nhiều nguyên nhân được mổ xẻ
Trong 266.000 ha nuôi tôm toàn tỉnh có gần 7.600 ha NTCN, 43.000 ha tôm quảng canh cải tiến (QCCT), 43.500 ha tôm - lúa, 17.000 ha tôm - rừng và 155.200 ha tôm quảng canh truyền thống. Theo đó, khả năng tăng năng suất trên con tôm của Cà Mau còn dồi dào khi các điều kiện cần và đủ cho nghề nuôi tôm được đáp ứng, đặc biệt là kỹ thuật nuôi.
Tuy nhiên, do sự phát triển quá nhanh về diện tích NTCN trong khi việc quy hoạch và hạ tầng phục vụ cho nghề nuôi tôm của tỉnh chưa đồng bộ nên dịch bệnh liên tục xảy ra cục bộ trên từng khu vực, gây thiệt hại khá lớn cho người nuôi. Làm thế nào để hạn chế, ngăn ngừa tiến tới chấm dứt dịch bệnh cho tôm vẫn là một câu hỏi lớn, một thách thức đối với các nhà khoa học, nhà quản lý và người nuôi tôm.
Ông Trần Văn Của, khóm 4, phường 6, TP Cà Mau, nhận định: “Từ năm 2000-2014, Cà Mau từng bước chuyển sang NTCN, từ 20 ha tăng dần đến nay 7.500 ha, đây là thời điểm diện tích NTCN phát triển nhanh nhất. Kết quả này có thể coi là một thành tích lớn của nghề nuôi tôm của tỉnh, song nó cũng kéo theo một hệ luỵ nặng nề, đó là dịch bệnh bùng phát mạnh trên phạm vi toàn tỉnh.
Năm 2014, dịch bệnh trên tôm vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp và tiềm ẩn những mối nguy khó lường, đặc biệt là bệnh gan tuỵ cấp. Các nhà khoa học trong và ngoài nước tập trung nghiên cứu đã xác định được tác nhân gây bệnh nhưng chưa có thuốc đặc trị mà chỉ khuyến cáo phòng ngừa nên hiệu quả chưa cao”.
Các nguyên nhân chính cùng được nhận định tại hội thảo khoa học đánh giá thực trạng, diễn biến tình hình bệnh trên tôm được tổ chức ngày 1/7 vừa qua là công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch chậm, chưa sát thực tế địa phương.
Kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi tôm nói chung, NTCN nói riêng, còn yếu kém, nhất là hệ thống điện, thuỷ lợi, những tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu, thời tiết, môi trường vùng nuôi dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi ngày càng sâu sắc, gây trở ngại lớn cho nghề nuôi tôm hiện nay.
Nhiều giải pháp khả thi
Tại hội thảo khoa học, 28 báo cáo tham luận được trình bày đã đánh giá thực trạng, diễn biến tình hình bệnh tôm ở Cà Mau và đề xuất các giải pháp khắc phục từ diễn giải, báo cáo của các nhà khoa học qua các kết quả dự án nghiên cứu bệnh gan tuỵ cấp trên tôm đã mở hướng cho các ngành và người nuôi tôm Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng.
Tiến sĩ Lê Hồng Phước, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II, nhận định: “Bệnh hoại tử gan tuỵ cấp tính (AHPND) gây thiệt hại nặng trên cả tôm sú và thẻ chân trắng. Tôm có thể bị nhiễm bệnh trong suốt chu kỳ nuôi, tập trung ở giai đoạn 10-45 ngày nuôi.
Tôm bệnh có dấu hiệu giảm ăn, bệnh lý ở giai đoạn đầu thường không rõ hoặc biểu hiện sưng, nhũng hay nhạt màu gan tuỵ. Giai đoạn sau biểu hiện rõ bằng sự teo, dai gan tuỵ, màu sắc nhợt nhạt, dấu hiệu khác cũng được ghi nhận bao gồm mềm vỏ, sậm màu”.
Các nhà khoa học cho rằng tác nhân AHPND được công bố là do Vibrio parahaemolyticus gây ra. Ðể kiểm soát thành công AHPND cần phát hiện và xử lý kịp thời sự hiện diện của V. parahaemolyticus trong nước và tôm nuôi. Vì vậy, cần có phương pháp phát hiện nhanh và định kỳ ở hiện trường. Các yếu tố môi trường được xem là mối nguy đối với AHPND là pH cao>8.0; nhiệt độ >350C; H2S, NO2, COD cao…
Thạc sĩ Ngô Thị Ngọc Thuỷ, Phân viện Nghiên cứu Thuỷ sản Minh Hải, nhận định, việc để cho ao nuôi xuất hiện các đối tượng không mong muốn cũng làm tăng nguy cơ bệnh gan tuỵ, ao nuôi thả mật độ lớn hơn 80 con/m2 có tỷ lệ bị bệnh gan tuỵ cao hơn. Và chỉ số ô-xy hoá khử - redox, độ mặn, DO, kiềm ở các ao không bệnh cao hơn ở những ao có bệnh, nhưng các giá trị pH, nhiệt độ, H2S, NH3 biến động theo chiều ngược lại…
Theo đó, kết quả của nhiều dự án nghiên cứu về bệnh đốm trắng, đầu vàng và gan tuỵ khác cũng chỉ ra được nguyên nhân gây bệnh và đưa ra nhiều giải pháp cho người nuôi áp dụng.
Việc chuẩn bị và cải tạo ao được xem là thành công nếu tạo được sự ổn định pH, không có tác nhân gây bệnh và cung cấp các khoáng chất hữu dụng. Tiến sĩ Lê Hồng Phước nêu: “Áp dụng biện pháp an toàn sinh học là chính trong quản lý môi trường ao nuôi vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Việc tầm soát sự hiện diện của Vibrio trong môi trường ao nuôi trong suốt vụ nuôi là rất cần thiết đối với bệnh hoại tử gan tuỵ cấp tính. Trên cơ sở đó có biện pháp can thiệp kịp thời bằng chất diệt khuẩn và cấy vi sinh thích hợp. Ðồng thời tạo cho môi trường đầy đủ và phong phú thức ăn tự nhiên, tạo được sự cân bằng và ổn định của nước và đáy ao… giúp môi trường ao nuôi ổn định hơn, tôm nuôi phát triển tốt hơn”.
Ðại diện hộ nuôi tôm thành công trong vùng dịch, ông Tăng Sình Sềm, ấp Tân Phong, xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước, chia sẻ kinh nghiệm: “Trong tình hình hiện nay tốt nhất nông dân nuôi tôm hãy tự học hỏi, trang bị kỹ thuật cho mình, không nên trông chờ vào cán bộ kỹ thuật bởi với diện tích ao nuôi nhiều như hiện nay rất khó đáp ứng hết được. Ðối với những ao bị bệnh gan tuỵ cần phải ngắt vụ ít nhất 2 tháng”.
Ngoài các giải pháp theo quy trình nuôi từ khâu chọn giống đến thu hoạch tôm nuôi, xúc tiến xây dựng hệ thống thuỷ lợi, đầu tư lưới điện 3 pha, quản lý vật tư, thuốc hoá chất, con giống đầu vào, Kỹ sư Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định: “Trong quá trình nuôi, việc kiểm soát mật độ Vibrio là rất cần thiết.
Mật độ này thay đổi hằng ngày, người dân khó kiểm soát nên việc xét nghiệm mẫu nước, tôm nuôi… định kỳ là điều nên quan tâm. Ðồng thời trong quá trình sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước với phương châm vì lợi ích cộng đồng, xem lợi ích của người nuôi tôm là lợi ích của mình”.
Ông Dương Việt Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Cà Mau, nhận định: “Ðể đạt mục tiêu 10.000 ha tôm công nghiệp vào năm 2015 và đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng bình quân 12,5%/năm, ngành thuỷ sản, nhất là nghề nuôi tôm phải có kế hoạch ứng dụng khoa học công nghệ để ngăn ngừa dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng theo hướng bền vững”.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An phối hợp với Trạm Khuyến nông Diễn Châu xây dựng "Mô hình nuôi cua thương phẩm" tại hộ ông Trần Lộc, xóm Xuân Bắc, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, với quy mô diện tích mặt nước ao 0,5 ha, thả 5.000 con cua giống, cỡ giống thả bình quân 40 con/kg.
Trầu bà là loại cây dễ trồng và dễ chăm sóc, trồng quanh năm, có thể trồng trong đất và trồng bằng phương pháp thủy canh.
Mô hình nuôi gà chuồng lạnh đang phát triển mạnh tại xã Long Nguyên (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Dù số tiền đầu tư ban đầu lớn nhưng mô hình này đã mang lại lợi nhuận cao và tạo sự yên tâm cho người nuôi, giúp họ vươn lên làm giàu.
Dù không phải là vùng đất có nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi bò sữa, thế nhưng, bò sữa vẫn đang phát triển rất tốt ở TP.HCM. Nông dân nuôi bò sữa nếu có trong tay khoảng 10 bò cái vắt sữa là khỏi lo thiếu tiền...
Nhằm từng bước đa dạng hóa các đối tượng thủy sản nuôi nước ngọt có giá trị kinh tế cao, đáp ứng thị trường tiêu thụ. Nhiều năm qua TTKN Vĩnh Long đã triển khai nhiều mô hình nuôi các đối tượng thủy đặc sản như: ếch, lươn, cá lóc đạt hiệu quả cao.