Phát Hiện Nguyên Nhân Gây Bệnh Thối Thân Cây Lúa

Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Bình Định đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh thối thân ở cây lúa. Từ kết quả thu thập được, Chi cục cũng đã đưa ra các biện pháp phòng ngừa.
Bệnh thối thân cây lúa thường xảy ra lúc lúa làm đòng và bắt đầu trổ bông. Vi khuẩn tấn công làm thối rữa đốt thân cây lúa và làm chết bông. Trong vụ Hè Thu, có thời điểm có đến 50-60% diện tích lúa bị bệnh. Các vụ khác như Đông Xuân, vụ Mùa, cây lúa cũng xuất hiện bệnh thối thân nhưng mức độ ít hơn. Tình trạng này xảy ra nhiều năm nay.
Qua điều tra của Chi cục BVTV trên đồng ruộng Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước, cho thấy bệnh thối thân cây lúa tập trung ở vụ Hè Thu, nhất là thời điểm mưa nắng thất thường, trên chân đất cát nghèo dinh dưỡng. Các giống lúa thường hay bị bệnh thối thân là: KD 18, DV108, Q5, TBR, ML48. Bên cạnh đó là cách chăm bón của người dân chưa hợp lý.
Năm 2013, Chi cục đã lấy 54 mẫu lúa, mẫu đất nhiễm bệnh gửi Viện BVTV (Viện Khoa học nông nghiệp) phân lập, giám định. Kết quả có 92,6% số mẫu bị nhiễm vi khuẩn Erwinia carotovora. Đây là tác nhân gây bệnh thối thân cây lúa.
Trong số 300 phiếu điều tra ở nông hộ, chỉ có 55% số hộ dùng phân chuồng, phân hữu cơ bón lót, còn lại không bón lót; 85% không bón lót vôi. Tập quán sạ dày cũng là tác nhân gây bệnh. Đa phần sạ từ 6-8kg lúa giống/sào, trong khi tiêu chuẩn chỉ được sạ 5-6kg/sào.
Trên 70% nông dân không phun thuốc phòng bệnh, khi có bệnh thối thân mới phun thuốc trừ. Hầu hết nông dân chỉ sử dụng phân hóa học, chưa chú ý sử dụng phân vi sinh, phân bón lá, chỉ một số ít sử dụng phân hữu cơ, nên gây độc hại cho đất, cây không phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục BVTV, cho biết: Để phòng chống bệnh thối thân cây lúa, bà con nông dân nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, trước khi lúa trổ phải phun thuốc phòng trừ vi khuẩn. Nên dùng giống lúa trong cơ cấu giống của tỉnh. Cần bón lót phân hữu cơ, vôi, giảm mật độ gieo, sạ.
Từ nay đến cuối năm 2015, Chi cục BVTV tiếp tục thực hiện các thí nghiệm trên đồng ruộng, cách phòng trừ bằng thuốc... và hoàn thiện quy trình chuẩn khuyến cáo người dân sử dụng để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại sản xuất lúa do bệnh thối thân gây ra.
Có thể bạn quan tâm

Ông Phạm Văn Hoàng, Chi hội trưởng Chi Hội nông dân khu phố 3, phường Tân Định, TX.Bến Cát (Bình Dương) cho biết, nghề nuôi chim cút tại khu phố phát triển mạnh khoảng 4 năm trở lại đây. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, khu phố đã thành lập Tổ chăn nuôi chim cút và nhận được sự hưởng ứng của các hộ chăn nuôi.

Sáng qua (8/9), tại Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm Cu Ba – bà Maria Del Carmen Concepcion Gonzalez, nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh cây cao su, hiện nay người dân xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) đang chú trọng vào lĩnh vực chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Những mô hình chăn nuôi gà bằng trại lạnh, nuôi heo giống mới... đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Chuối Laba còn gọi là chuối tiến vua, chuối Dạ hương, ruột vàng có vị ngọt thanh, thơm dẻo rất đặc trưng, khi chín không có vị chua, nhão như các loại chuối thông thường, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH- CN) công nhận là mặt hàng đặc sản của Đà Lạt – Lâm Đồng.

Theo một số trang trại chuyên nuôi cá nước ngọt trong tỉnh Đồng Nai, giá cá lóc bán tại ao, bè hiện đã lên đến 40-42 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 10-12 ngàn đồng/kg so với dịp đầu tháng 5-2014. Giá cá rô đồng tăng 6-8 ngàn đồng/kg, lên 38-40 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, giá các loại cá nước ngọt khác, như: chép, điêu hồng, trắm... mua tại ao, bè cũng tăng từ 3-4 ngàn đồng/kg.