Dịch Bệnh Trên Gia Súc Diễn Biến Phức Tạp
Mặc dù các ổ dịch trên đàn gia súc thời gian qua được phát hiện sớm, dập tắt kịp thời nhưng theo dự báo của ngành chuyên môn tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Dịch bệnh phức tạp
Theo Chi cục Thú y, từ ngày 26/7- 16/8/2013, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã xảy ra 5 ổ dịch heo tai xanh tại 13 hộ, với tổng đàn 387 con. Trong đó, số heo bệnh đã chết là 59 con, tiêu hủy 197 con và đã được điều trị khỏi là 10 con.
Số heo bị tai xanh nhiều nhất xảy ra tại huyện Long Hồ. Trong đó, tại xã Phú Quới có 114 con mắc bệnh và đã tiêu hủy 106 con, 8 con sau đó được tiếp tục theo dõi và đến nay đã điều trị khỏi bệnh.
Riêng ổ dịch heo tai xanh xảy ra tại xã Tân Hạnh với tổng đàn là 225 con, trong đó có 53 con bị tiêu hủy và hiện đang tiếp tục theo dõi điều trị 172 con. Còn tại Phường 8- TP Vĩnh Long, dịch bệnh xảy ra trên tổng đàn heo 7 con. Sau đó tiêu hủy 5 con, theo dõi điều trị 2 con đã khỏi bệnh.
Ngoài ra, theo nguồn tin khác mà phóng viên Báo Vĩnh Long có được, mới đây Chi cục Thú y tỉnh vừa kết hợp với chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy đàn heo của một hộ tại xã Xuân Hiệp (Trà Ôn).
Đàn heo này có tổng số 76 con được phát hiện bệnh ngày 5/8/2013, sau đó đã chết dần. Trạm Thú y đã đến xác minh lấy mẫu gởi xét nghiệm, kết quả dương tính heo tai xanh. Đến ngày 23/8, tổng số lượng heo chết và buộc tiêu hủy là 19 con. Trước tình hình này, Chi cục Thú y đã hỗ trợ hơn 1.000 liều vaccine heo tai xanh tiêm phòng phạm vi toàn xã.
Trong khi đó, từ 9/7- 12/8/2013, đàn bò 29 con của 11 hộ tại xã Trung Hiệp (Vũng Liêm) bị dịch lở mồm long móng. Chi cục Thú y kết hợp chính quyền địa phương vào cuộc phòng trị kịp thời nên đến nay đàn bò này đã khỏi bệnh.
Thạc sĩ Nguyễn Đa Phúc- Chi Cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Trong 5 ổ dịch heo tai xanh thì đã có 2 ổ dịch qua hơn 2 tuần chưa phát hiện ổ dịch mới xuất hiện. 3 ổ dịch còn lại, chúng tôi đang giám sát chặt chẽ.
Riêng ổ dịch heo tai xanh xuất hiện mới đây tại xã Xuân Hiệp, ông Nguyễn Văn Hùng- Tổ trưởng Tổ Thú y xã Xuân Hiệp cho biết: Toàn xã có tổng đàn gia súc hơn 1.700 con, đến nay đã khống chế được dịch bệnh. Địa phương đã thực hiện tiêm phòng đạt hơn 80% và khả năng lây dịch bệnh thời gian tới là rất thấp.
Tập trung phòng chống
Theo nhận định của ngành chức năng, hiện nay đang vào mùa mưa nên dịch bệnh trên đàn gia súc diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại hơn là hiện nay việc nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến nên công tác tiêm phòng dịch gặp không ít khó khăn.
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, ngày 22/7/2013, Chi cục Thú y đã ban hành Công văn số 89/TY-DT khẩn cấp về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm gửi cho các địa phương. Ngày 6/8/2013, Cục Thú y, Cơ quan Thú y vùng VII đã xuống kiểm tra ổ dịch tại các địa phương có gia súc mắc bệnh, đồng thời chỉ đạo thực hiện một số công tác phòng chống.
Bên cạnh, sau khi kịp thời khống chế không để lây lan diện rộng một ổ dịch lở mồm long móng trên đàn bò 29 con tại xã Trung Hiệp (Vũng Liêm), UBND tỉnh đã phê duyệt mua 5.000 liều vaccine type O tiêm phòng chống dịch tại xã Trung Hiệp và vùng nguy cơ. Đồng thời, xuất 33,75 lít hóa chất và 50kg vôi bột tiêu độc sát trùng tại ổ dịch và khu vực xung quanh.
Qua ghi nhận, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc được triển khai quyết liệt trong những ngày qua. Tuy nhiên, theo Chi cục Thú y, một trong những khó khăn hiện nay trong công tác phòng chống dịch là một số hộ chăn nuôi vắng nhà trong thời gian tiêm phòng, điều kiện thời tiết mưa bão nhiều cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tiêm phòng.
Thạc sĩ Nguyễn Đa Phúc cho biết: Mặc dù ổ dịch bệnh đã được khống chế tốt nhưng vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt đang vào giai đoạn chuyển mùa. Vì vậy, ngành thú y địa phương cần tăng cường công tác tiêu độc sát trùng, đảm bảo tốt việc tiêm phòng, tăng cường giám sát việc mua bán, xuất nhập gia súc tại các ổ dịch, đồng thời thông báo đến người dân tạm thời không mua gia súc về nuôi trong thời gian có dịch.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 12.11, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trại heo giống công nghệ cao Việt Thắng Bình Định, thực hiện tại thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát; do Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (thành viên của Tập đoàn Hùng Vương) làm chủ đầu tư.
Với mục tiêu không để xảy ra trường hợp gia súc bị chết do thiếu ăn và bị rét lạnh trong mùa đông, ngành chức năng của huyện miền núi Vân Canh đã hướng dẫn người chăn nuôi cách che chắn chuồng trại và dự trữ thức ăn, chủ động bảo vệ đàn gia súc trong mùa mưa.
Ngày 12.11, tại TP Quy Nhơn, Sở NN&PTNT đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam (14.11.1945-14.11.2015).
Bệnh chết cây con: Do nhiều loại nấm gây ra, nhưng chủ yếu là nấm Rhizoctonia, Pythium, Fusarium, Phytophphthora spp.
Theo Sở NN&PTNT, qua khảo sát, quy hoạch đất trồng lúa tại Bình Định, nhóm đất nhiễm phèn, mặn trung bình và ít khoảng 3.939 ha, tập trung ở các huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, TP Quy Nhơn.