Đến Ngày Thu Hoạch, Hàng Trăm Công Lúa Bị Đổ Ngã
Mưa lớn liên tục trong khi mương thoát nước bị thu hẹp khiến hàng trăm công lúa thu đông trong tiểu vùng ấp Ninh Thạnh (xã An Tức, Tri Tôn, An Giang) đổ ngã, một phần bị hư hỏng do chìm trong nước. Bên cạnh khẩn trương rút nước để nông dân thu hoạch lúa, việc đầu tư thêm trạm bơm và nạo vét mương nội đồng mới là giải pháp lâu dài.
Chi phí tăng, chất lượng giảm
Ngày 6-11, phóng viên Báo An Giang đã lội đồng cùng nông dân trong tiểu vùng ấp Ninh Thạnh để ghi nhận thực tế tại khu vực kênh AT6. Nhìn 7 công lúa đến ngày thu hoạch nhưng vẫn còn ngã xâm xấp trong nước, nông dân Võ Văn Lâu buồn rầu: “Mấy ngày trước thấy ruộng bị ngập, chúng tôi liên hệ chủ thầu yêu cầu rút nước tích cực.
Cứ tưởng hôm nay thu hoạch được nhưng sau cơn mưa tối qua (5-11), trong ruộng toàn là nước, chủ máy gặt đập liên hợp không chịu cắt. Tôi làm mấy chục công ruộng ở các nơi khác đều đã thu hoạch xong, chỉ còn 7 công đất tại đây chưa biết tính sao”.
Đối với ông Nguyễn Văn Phúc, canh tác 1,4 héc-ta lúa tại khu vực kênh AT6, do đã qua ngày thu hoạch nhưng ruộng vẫn còn ngập nước, ông buộc phải thuê cắt tay và vận chuyển lúa ra bờ kênh giá 800.000 đồng/công tầm cắt (gần 1.300m2), thuê máy suốt 200.000 đồng/công. “Nếu lúa đứng bình thường chắc được 800 kg/công tầm cắt, còn bị đổ ngã kiểu này, năng suất chỉ còn phân nửa. Không những thế, lúa ngập trong nước bị đen, thương lái chê không mua” – ông Phúc nói giọng buồn buồn.
Cũng canh tác 4 héc-ta trong khu vực này, ông Huỳnh Văn Tín lo lắng: “Đầu tháng 8 năm nay, khi xuống giống được mấy ngày thì ruộng bị ngập. Sau khi rút nước xong, có hộ trục sạ lại, có hộ cấy giặm nên tổng chi phí đầu tư mỗi công lúa khoảng 2,5 triệu đồng. Bây giờ nếu thuê cắt tay, kéo lúa ra rồi suốt phải tốn 1 triệu đồng/công.
Lúa sập bị giảm năng suất còn 300 – 400kg/công, dù bán được giá 5.000 đồng/kg lúa tươi thì cũng thu về tối đa 2 triệu đồng/công. Sau khi trừ chi phí sản xuất và thu hoạch, còn lỗ 1,5 triệu đồng/công. Đối với hộ nào thuê đất, càng lỗ nhiều hơn”.
Dù có máy gặt đập liên hợp nhưng nhìn diện tích lúa bị sập, chân ruộng còn đọng nước, ông Dương Văn Hùng lắc đầu ngao ngán: “Bình thường, cắt lúa đứng chỉ tốn khoảng 1,5 lít dầu/công, tôi tính giá 220.000 đồng/công. Đối với lúa sập, nếu rút nước khô chân ruộng vẫn phải cắt chậm và điều chỉnh để máy không bị “nghẹn”, tốn gần 5 lít dầu/công, tôi buộc phải tính giá cắt gấp đôi. Tội cho bà con, chi phí thu hoạch tăng, phẩm chất lúa giảm mà còn bị hao hụt nhiều do lúa ướt, bám theo rơm ra ngoài”.
Giải pháp lâu dài
Ông Khuất Thành Phương, Chủ tịch UBND xã An Tức, cho biết, toàn tiểu vùng ấp Ninh Thạnh có 850 héc-ta lúa thu đông. Đến ngày 6-11, nông dân đã thu hoạch được khoảng 400 héc-ta. Trong 450 héc-ta còn lại, đa phần đều đảm bảo điều kiện thu hoạch an toàn, riêng diện tích đổ ngã theo phản ánh của nông dân chủ yếu tập trung khoảng 30 héc-ta đất lung ở khu vực kênh AT6. “Diện tích đất lung nền ruộng đã yếu, khi gặp mưa lớn liên tục lúa dễ đổ ngã.
Hơn nữa, hệ thống mương nước khu vực này đã bị người dân lấn ra nên còn rất hẹp, lúa sập càng gây cản trở việc thoát nước trên ruộng. Sau mỗi cơn mưa lớn, phải rút 2 – 3 ngày mới khô nhưng khoảng nửa tháng nay mưa liên tục, dù các trạm bơm đã chạy hết công suất cũng khó rút khô hoàn toàn” – ông Phương giải thích.
Theo ông Chau Pheach, phụ trách việc rút nước ở tiểu vùng ấp Ninh Thạnh, toàn tiểu vùng đã bố trí 8 máy bơm điện ở nhiều vị trí khác nhau. Trong đó, có 5 máy bơm công suất 45 mã lực, 2 máy bơm 25 mã lực và 1 máy bơm 15 mã lực. “Thấy khu vực kênh AT6 đất lung nên chúng tôi đã bố trí 2 máy bơm loại 25 mã lực và 15 mã lực để rút nước.
Tuy nhiên, do đêm nào cũng có mưa lớn mà mương thoát nước lại quá hẹp nên nước không thoát xuống kịp. Trong khi mực nước trong kênh 1 đã rút cạn thì ruộng ở kênh AT6 vẫn còn nước” – ông Pheach giãi bày.
“Trước đây, hệ thống mương nội đồng ở khu vực kênh AT6 rộng đến 7 – 8m nhưng bà con làm lúa lấn ra chỉ còn chưa tới 3m. Trước vụ thu đông năm 2013, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Tri Tôn cho kobe xuống nạo vét mương nội đồng.
Trong khi phần lớn bà con trong tiểu vùng ấp Ninh Thạnh đồng thuận thì nông dân khu vực kênh AT6 không cho nạo vét vì ảnh hưởng diện tích đất của họ. Năm rồi nhờ ít mưa nên rút nước khô, bà con thu hoạch được. Năm nay mưa lớn kéo dài hơn nửa tháng, lúa bị sập là khó tránh khỏi” – ông Pheach thông tin thêm
“Qua thực tế sản xuất vụ thu đông năm nay, địa phương sẽ giải thích cho nông dân khu vực kênh AT6 hiểu lợi ích của việc nạo vét mương nội đồng và vận động bà con cùng thực hiện. Phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn đang kéo điện để lắp đặt thêm trạm bơm phụ ở khu vực này nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất những vụ sau. Trước mắt, chúng tôi sẽ bàn với chủ thầu miễn giảm tiền bơm nước cho diện tích bị thiệt hại” – Chủ tịch UBND xã An Tức Khuất Thành Phương nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Bước vào vụ hè thu năm nay, tình hình khô hạn tiếp tục diễn ra gay gắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng hạn gây ra và đạt hiệu quả sản xuất cao nhất.
Theo các nhà vườn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, liên tục trong vòng 05 năm qua, giá dừa khô tăng giảm rất bất thường. Thời điểm cao nhất gần 160.000 đồng/chục và thấp nhất “rớt” xuống còn 15.000 - 20.000 đồng/chục.
Tuần đầu, vải thiều Việt Nam có giá 21 - 22 AUD/kg, sau đó đã giảm xuống 15 - 16 AUD/kg.
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, đến nay các tỉnh Bắc Trung bộ (BTB) đã hoàn thành gieo cấy lúa Hè Thu, vụ Mùa đang tập trung gieo cấy dự kiến xong trước 15/7.
Ngày 10/7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận cho Công ty TNHH Trang trại Đa Nhim triển khai dự án trồng cây atisô, sản xuất trà atisô và chiết xuất cao atisô tại xã Đa Nhim (huyện Lạc Dương) trên diện tích 10.370m2 với tổng vốn đầu tư 10 tỷ 356 triệu đồng, thời gian thực hiện là 50 năm.