Để rau an toàn có thị trường ổn định
Bước đầu, mô hình mang lại chuyển biến tích cực trong thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Tuy nhiên, RAT đến được người tiêu dùng thì vẫn còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ.
Nông dân thu hoạch rau an toàn
Thời gian qua, huyện Lấp Vò đã triển khai mô hình thí điểm “Sản xuất RAT gắn với tiêu thụ”, quy mô 8.000m2 ở tổ hợp tác (THT) RAT xã Định An.
Tham gia mô hình, các hộ trồng rau được hướng dẫn sản xuất theo hướng an toàn sinh học, có ghi sổ nhật ký sản xuất và có cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho THT hoạt động tốt, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lấp Vò còn hỗ trợ nhà lưới, hệ thống tưới tự động, nhà sơ chế máy khử ozone, bao bì...
cũng như liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm tại các điểm chợ trên địa bàn huyện.
Ông Kiều Thiện Kê - Phó Chủ tịch xã Định An cho biết, hiện tại THT có 4 thành viên với diện tích sản xuất 8.000m2, đây là những hộ tâm huyết với sản xuất RAT tại địa phương.
Tuy nhiên, để chuyển từ kiểu sản xuất nông hộ sang làm ăn tập thể, bước đầu THT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc sắp xếp lịch sản xuất hợp lý, theo yêu cầu của thị trường.
Do đó, địa phương cử cán bộ nông nghiệp của xã kết hợp Trạm bảo vệ thực vật của huyện xuống theo sát tình hình sản xuất của THT để có những hỗ trợ kịp thời, nhằm giúp THT tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ.
Hiện tại, THT trồng trên 10 loại rau, chủ yếu là rau ăn lá như: rau muống, cải ngọt, cải xanh, mồng tơi...
và một số loại khác như dưa leo, khổ qua, đậu bắp.
Trung bình mỗi ngày THT cung cấp khoảng 100kg rau tại 4 điểm chợ: Vàm Cống, chợ thị trấn Lấp Vò, chợ Định An, Định Yên.
Trước khi giao tới các điểm chợ, rau được sơ chế và test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại THT.
Chị Nguyễn Thị Bích Nhờ - tiểu thương chuyên bán nông sản tại chợ Lấp Vò cho biết, không riêng người tiêu dùng có thu nhập cao quan tâm tới sản phẩm RAT mà phần lớn người tiêu dùng bắt đầu tìm đến sản phẩm RAT ngày càng nhiều hơn.
Sau hơn 1 tháng bán thử nghiệm, khách hàng có phản ứng rất tốt và đánh giá cao chất lượng rau của THT sản xuất RAT Định An.
Nhiều khách hàng đề nghị THT nên cung cấp đa dạng sản phẩm hơn nữa để người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Tổ trưởng THT sản xuất RAT xã Định An chia sẻ: “Thời gian tới, THT sẽ mở rộng diện tích nhà lưới và sản xuất đa dạng sản phẩm hơn.
Tuy nhiên, với số thành viên và diện tích hiện tại của THT thì vẫn còn hạn chế.
Vì vậy, THT đang vận động nông dân tham gia vào THT để có được vùng sản xuất ổn định và đa dạng sản phẩm hơn”.
Ông Tô Minh Lộc - Trưởng trạm Bảo vệ Thực vật huyện Lấp Vò cho biết, vấn đề khó khăn nhất hiện nay khi triển khai mô hình RAT là việc vận động người nông dân tham gia sản xuất theo quy trình của mô hình.
Với tập quán sản xuất theo kiểu “mua đứt bán đoạn”, sản xuất theo mô hình nông hộ, người nông dân vẫn còn ngần ngại khi tham gia sản xuất theo mô hình liên kết.
Do đó, ngành chuyên môn rất cần có sự hợp tác từ chính quyền địa phương nhằm tuyên truyền và vận động nông dân thay đổi tư duy sản xuất.
Sau khi mô hình thí điểm ở xã Định An hoạt động ổn định, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất RAT.
Bước đầu, RAT sẽ được cung cấp tại các điểm chợ truyền thống trên địa bàn huyện.
Tiếp theo, sẽ hướng liên kết với các điểm trường học, khu công nghiệp nơi có bếp ăn tập thể để tìm đầu ra ổn định hơn cho sản phẩm RAT.
Để mô hình sản xuất RAT gắn với tiêu thụ phát huy được hiệu quả, rất cần có sự nỗ lực của các thành phần tham gia trong chuỗi sản xuất.
Trong đó, người nông dân cần phải chủ động cùng nhau hợp tác, gắn kết thành những tổ chức sản xuất lớn như: THT, hợp tác xã; cần thay đổi tập quán sản xuất để thích ứng với nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, nhằm tạo “sức bật” cho người nông dân thì chính quyền địa phương và ngành chuyên môn là những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của mô hình.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển cây cam để thoát nghèo, anh Nông Văn Trúc vinh dự được trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2015 dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc”.
Có tới 5 ngân hàng lớn cam kết dành 14.000 tỷ đồng thực hiện chương trình cho ngư dân vay vốn đóng tàu mới theo Nghị định 67 về thủy sản. Nhưng trên thực tế, do thủ tục cho vay bị “siết” khá chặt nên ngư dân “oải”...
Bên cạnh một số đại gia Việt nhảy vào ngành chăn nuôi, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đã có những bước chuẩn bị. Họ “Tây hoá” quy trình nuôi, lấy con giống, công nghệ, kỹ thuật làm trọng để… hướng đến xuất khẩu.
Nhiều người băn khoăn, hoang mang khi có thông tin cam xoàn là loại cam không rõ nguồn gốc xuất xứ trong khi giá cả của loại cam này khá đắt.
Nói về mẹo xây nò dụ cá, những người già cố cựu ở U Minh cho biết, làm một miệng nò để cá tôm chạy vào đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, có khi phải rước “thầy nò” hướng dẫn vì có bí quyết riêng.