An toàn từ biển đến bờ
Cách thức bảo quản mới trên tàu
Trở về sau chuyến đánh bắt xa bờ kéo dài hơn hai tuần, song khoang cá đầy ắp của tàu ông Ngô Dần ở thị trấn Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) vẫn còn tươi rói. Các lái buôn đổ xô sát mạn tàu, tranh nhau mua cá. Chủ tàu Ngô Dần nói: “Bữa này đi biển đánh bắt dài ngày, không còn lo cá bị ươn, giảm mất giá trị. Khoang đựng cá được thiết kế khá rộng, xung quanh khoang làm bằng ván gỗ, phía trong lót thêm một lớp xốp và lớp trong cùng lót bằng ni lông - người dân gọi là “khoang xốp”. Hải sản sau khi đưa vào khoang bảo quản còn phủ thêm một lớp đá ở phía trên. Cách làm này đã bảo quản được hải sản từ 10 ngày trở lên”.
Cá vừa đưa từ khoang tàu lên bờ vẫn còn tươi rói
Chủ tàu Nguyễn Văn Diện ở thị trấn Thuận An cũng tự tin trước cách thức bảo quản như chủ tàu Ngô Dần. Tàu ông Diện áp dụng phương thức bảo quản hải sản này cũng đã mấy năm nay. “Từ khi áp dụng cách bảo quản bằng khoang xốp, hải sản chưa bao giờ bị ươn, thậm chí còn đảm bảo an toàn từ khi đánh bắt đến lúc đưa vào bờ. Có nhiều chuyến kéo dài đến vài tuần nhưng vẫn tươi. Các lái buôn chưa khi nào phàn nàn, hay chê hải sản kém chất lượng. Các loại hải sản vì thế được giá, có chừng nào bán hết chừng đó”. Theo ông Diện, ở thị trấn Thuận An, hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ đều áp dụng cách thức bảo quản hải sản bằng khoang xốp, góp phần đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị hải sản.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản (QLCLNLTS) tỉnh Lê Văn Bình cho biết, từ năm 2008 đến năm 2012, từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ, chi cục đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các chủ tàu và ngư dân ở các xã vùng biển về cách thức bảo quản hải sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các lớp tập huấn chủ yếu truyền đạt các biện pháp bảo quản hải sản lâu ngày, không bị hư hỏng, kiểm soát tốt những mối nguy hại… Chi cục phối hợp với chính quyền các địa phương, thường xuyên tuyên truyền đến với ngư dân các mối nguy từ các chất bảo quản, không sử dụng chất bảo quản hải sản bằng hóa chất, kháng sinh, urê; hướng dẫn người dân cách thiết kế, xây dựng, sử dụng khoang xốp bảo quản sản phẩm. Mấy năm gần đây, qua kiểm tra, phần lớn các chủ tàu và ngư dân đều chấp hành tốt các quy định trong bảo quản hải sản.
Nhanh - sạch - lạnh trên bờ
Một nguyên tắc cần đảm bảo trong bảo quản hải sản sau khi đưa lên bờ là “nhanh - sạch - lạnh”. “Nghĩa là các thao tác vận chuyển hải sản lên bờ, đưa vào các sọt, hay thùng đựng cá phải thật nhanh, phải đảm bảo vệ sinh an toàn và đông lạnh ngay. Sau đó mới vận chuyển đi tiêu thụ”, ông Lê Văn Bình giải thích. Nguyên tắc này cũng được Chi cục QLCLNLTS tỉnh thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền đến với ngư dân và các chủ cơ sở kinh doanh hải sản tươi sống. Qua kiểm tra, đánh giá của các cơ quan chức năng, phần lớn các cơ sở, đại lý sau khi thu mua hải sản từ các tàu về đã bảo quản khá tốt. Hải sản tại các cơ sở kinh doanh luôn đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Các chủ cơ sở, đại lý cũng ý thức được rằng, việc bảo quản tốt chất lượng hải sản sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Chúng tôi vài lần đến cơ sở kinh doanh các loại hải sản tươi sống của hộ bà Đặng Thị Thuyền ở thôn Tân An, thị trấn Thuận An. Các loại hải sản được cơ sở bảo quản trong thùng xốp có diện tích khoảng 5m2, ướp đông lạnh. Với phương pháp này, bà Thuyền cho biết, hải sản có thể bảo quản đến hơn 10 ngày mà không bị ươn, hay hư hỏng. “Mấy năm gần đây, tôi tham gia nhiều lớp tập huấn tại địa phương, cấp trên tổ chức về cách bảo quản hải sản. Từ đó, nắm được các quy trình, cách thức bảo quản tốt nhất. Điều quan trọng là hải sản luôn đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng các loại chất cấm như hóa chất, urê, kháng sinh”, bà Thuyền chia sẻ.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 3 công ty kinh doanh, chế biến hải sản xuất khẩu, 20 cơ sở thu mua, kinh doanh vừa và hàng trăm cơ sở nhỏ lẻ. Các cơ sở đều được kiểm tra thường xuyên các điều kiện sản xuất kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm và phân loại A, B, C (tốt, khá, đạt yêu cầu). Đối với các cơ sở đạt loại A, được kiểm tra 1 năm một lần, loại B, 1 năm hai lần và C, kiểm tra thường xuyên hơn, còn dưới C thì kiểm tra, nhắc nhở lúc nào đảm bảo các điều kiện mới thôi. Chi cục QLCLNLTS tỉnh còn tăng cường lấy mẫu hải sản tại các tàu, các cơ sở, đại lý kinh doanh hải sản để phân tích dư lượng chất bảo quản, có hướng xử lý kịp thời; tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm của các chủ cơ sở kinh doanh với người tiêu dùng. Mấy năm gần đây, chưa phát hiện cơ sở nào vi phạm các điều kiện trong kinh doanh, bảo quản hải sản.
Có thể bạn quan tâm
Anh Hà Văn Mạn chia sẻ, đạt được kết quả trong sản xuất, kinh doanh là nhờ mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt.
Chăn nuôi động vật bản địa, chúng tôi được người dân nơi đây chỉ dẫn đường chu đáo và thấy họ khen ngợi cơ sở này…
Nhờ trồng 2 giống bưởi đặc sản là bưởi đỏ, bưởi da xanh mà mỗi năm, hàng trăm hộ gia đình ở xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, Hòa Bình có thêm nguồn thu nhập ổn định
Bằng việc sáng chế ra những loại máy móc ưu việt phục vụ sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp nhiều nhà nông giải phóng sức lao động mà còn thu về tiền tỷ
Nhận thấy cây rau má dễ trồng lại ổn định đầu ra, một hộ dân ở Quảng Nam đã mạnh dạn đầu tư, trồng và thu tiền tỉ mỗi năm.