Để Phát Triển Nuôi Trồng Thủy Sản Bền Vững Ở Phú Yên
Phú Yên có các vùng nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích hơn 3.000ha và hàng chục ngàn lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú, cá hồng… mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân địa phương.
Tuy nhiên, thời gian qua, môi trường nuôi thủy sản thường bị ô nhiễm, gây dịch bệnh cho thủy sản nuôi, ảnh hưởng đến sự phát triển của nghề nuôi trồng thủy sản. Ngành thủy sản của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ổn định vùng nuôi, hạn chế dịch bệnh trên thủy sản.
Năm 2013, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 2.951ha, tăng hơn 309ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 2.119ha, tôm sú 160ha, cá biển 128ha, cá nước ngọt 268ha, thủy sản khác 276ha. Số lồng nuôi tôm hùm 22.591 lồng, tập trung chủ yếu ở vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) với 14.000 lồng, giảm khoảng 7,4% so với năm 2012.
Số lượng lồng nuôi cá biển 4.965 lồng, tăng 1,6 lần so với năm 2012, các đối tượng nuôi chính là cá mú, cá hồng, cá chẽm. Năng suất nuôi các đối tượng chủ lực được duy trì và đạt khá. Đối với tôm thẻ chân trắng bình quân 3,44 tấn/ha/năm, tôm sú bình quân 0,86 tấn/ha/năm, tôm hùm lồng 27,5kg/lồng/năm. Nhờ đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 10.103 tấn, cao hơn 27% so với năm 2012.
Thời gian qua, bà con ngư dân đã thực hiện tương đối tốt lịch thời vụ, chú ý đến việc chọn và thả giống nuôi hợp lý, tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc từng đối tượng nuôi, quản lý chặt môi trường vùng nuôi, khai báo và xử lý kịp thời dịch bệnh xảy ra, không để lây lan ra diện rộng. Kết quả đó tạo cơ sở cho sự phát triển nuôi trồng thủy sản năm 2014 và những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy môi trường nhiều vùng nuôi trồng thủy sản đang có chiều hướng ngày càng xấu, tình hình dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản diễn biến phức tạp, bệnh hoại tử gan tụy trên tôm thẻ chân trắng vẫn chưa có biện pháp phòng trị hiệu quả, bệnh sữa trên tôm hùm vẫn còn xảy ra, bệnh lở loét trên cá mú chưa có phác đồ điều trị.
Vấn đề dịch bệnh đối với các đối tượng thủy sản nuôi liên quan đến nhiều yếu tố như chất lượng giống, sự diễn biến phức tạp của thời tiết khí hậu, tình trạng lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, trình độ thâm canh, các chất thải từ sinh hoạt, từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp làm ảnh hưởng đến nguồn nước ở các vùng hạ lưu sông, các đầm vịnh ven biển. Môi trường ô nhiễm là một trong những tác nhân chủ yếu và là điều kiện thuận lợi để bệnh trên các đối tượng nuôi trồng thủy sản bùng phát và lây lan ra diện rộng.
Mặt khác, do nhiều vùng có quá trình phát triển nuôi trồng thủy sản trải qua một thời gian dài, lượng dư thừa chất thải hữu cơ tích lũy trong các đầm, vịnh, vùng các cửa sông, ao hồ nuôi trồng thủy sản và kênh mương nội đồng nhiều năm đã làm cho các yếu tố môi trường liên quan trực tiếp quá trình sinh trưởng của các đối tượng thủy sản như độ pH của đất và nước, độ trong, độ kiềm, ôxy hòa tan, hàm lượng các khí độc như H2S, NH3… có sự biến đổi liên tục làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các đối tượng thủy sản.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, cần có giải pháp đồng bộ, hợp lý và hữu hiệu. Cụ thể, cần triển khai, quản lý thực hiện có hiệu quả quy hoạch chi tiết các vùng nuôi, trồng thủy sản và đối tượng nuôi, trồng thủy sản trên từng địa bàn; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống thủy sản chất lượng; nâng cao năng lực hệ thống quản lý chất lượng giống thủy sản; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thuốc, thức ăn, chế phẩm sinh học sử dụng vào nuôi, trồng thủy sản…
Đồng thời tăng cường công tác khuyến ngư và chuyển giao công nghệ sản xuất, nhân rộng các mô hình nuôi, trồng thủy sản hiệu quả; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, trồng thủy sản; đẩy nhanh việc xây dựng vùng nuôi, trồng thủy sản an toàn, triển khai thực hiện quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) nhằm bảo đảm sản phẩm nuôi, trồng thủy sản đủ sức cạnh tranh và tham gia sâu vào nhiều thị trường thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 27-10, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo quốc tế về chủ đề “ngành chăn nuôi Việt Nam trong hội nhập kinh tế và chia sẻ kinh nghiệm, định hướng tương lai”.
Kéo dài từ ngày 26-10 đến 2-11-2015 tại Công viên Xà No, thành phố Vị Thanh, nhưng chỉ qua 2 ngày, Hội chợ triển lãm giao lưu công nông nghiệp Hậu Giang 2015 đã vực dậy sức mua của người dân sau nhiều tháng trầm lắng.
Những năm gần đây, một số nông dân trên địa bàn tỉnh áp dụng mô hình trồng luân canh ấu trên nền đất ruộng trũng và trồng xen trong mương liếp vườn vào mùa nước nổi, đã mang lại nhiều hiệu quả đáng kể.
Từ việc xác định được thế mạnh riêng, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, đã đạt nhiều kết quả trong công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Để giữ vững danh hiệu văn hóa, nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, luôn quan tâm thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.