Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chống Dịch Bệnh Tôm Dân Cuống Cuồng, Quan Chẳng Vội

Chống Dịch Bệnh Tôm Dân Cuống Cuồng, Quan Chẳng Vội
Ngày đăng: 17/11/2014

Đến tháng 10/2014, vùng nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL đã có hàng ngàn ha bị thiệt hại vì dịch bệnh. Người nuôi tôm đang rất lo lắng còn các cơ quan quản lý và chuyên môn thờ ơ.

Ở ĐBSCL, tỉnh Sóc Trăng bị nặng nhất với hơn 41% diện tích tôm thả nuôi đã chết hoàn toàn, thiệt hại hơn ngàn tỷ đồng. Các tỉnh khác diện tích thiệt hại tăng so với cùng kỳ trên 10%.

Dân lo lắng

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh ở tỉnh Sóc Trăng, cho biết, Hiệp hội có trên 2.000 ha ao nuôi, đến nay đã thả gần 50% diện tích nhưng cũng có 40-50% trong đó thiệt hại, phần lớn tôm chết do bệnh đốm trắng.

Theo ông Nhiệm, “cố gắng lắm thì năm nay cũng chỉ có thể thả nuôi được 60% diện tích. Chúng tôi đang rất cần các cơ quan quản lý và chuyên môn giúp đỡ để vượt khó khăn”.

Ông Ca Minh Chí ở ấp Chợ, xã Trung Bình (Trần Đề, Sóc Trăng) đã có kinh nghiệm sau trận dịch bệnh tôm giai đoạn 2011-2013 nên thả nuôi cẩn trọng, không dám ào ạt. Với 8 ao nuôi tôm sú, từ đầu năm 2014 đến nay ông thả làm hai đợt, ban đầu thả 3 ao, sau mới thả tiếp 5 ao, làm rất kỹ mà vẫn bị thiệt hại.

“Xung quanh bệnh dịch lan tràn, treo ao nhiều lắm rồi”, ông Chí lo lắng.

Ở tỉnh Cà Mau, Chi cục trưởng Chi cục Thú y – Thủy sản Nguyễn Thanh Huy cho biết, từ đầu năm đến nay, Cà Mau đã thiệt hại trên 13.330 ha tôm nuôi. Trong đó, nuôi thâm canh thiệt hại 1.330 ha, bán thâm canh và quảng canh thiệt hại trên 12.000 ha.

Nhiều doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu ở giữa vùng nuôi tôm nhưng đang thiếu nguyên liệu, phải nhập từ nước ngoài.

Cty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú ở Cà Mau đang dự trữ 12.000 tấn tôm nguyên liệu, trong đó có 6.000 tấn nhập từ Ấn Độ. Chủ tịch Tập đoàn Lê Văn Quang nói, phải nhập khẩu dù như thế phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ nước ngoài nhưng giảm được rủi ro do dịch bệnh tôm nuôi trong nước.

Quan chưa vội

Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, nhiều vấn đề được nêu lên, nhức nhối nhất là sự quan liêu và không đồng bộ. Ngành nông nghiệp với chính quyền địa phương, cán bộ quản lý với cán bộ kỹ thuật trong ngành nông nghiệp đều phối hợp chưa tốt.

Ông Nguyễn Minh Trí, người có hai năm nghiên cứu tại Thái Lan về lĩnh vực nông nghiệp theo chương trình quốc gia, nay làm Chủ tịch HĐQT Liên danh Cty CP Nông nghiệp Công nghệ cao và Cty Bạch Đằng (Bộ Công an), cho biết: Ở Thái Lan, khi có dịch trong vùng nuôi thủy sản, đặc biệt là tôm, các cơ quan quản lý cho cắm cờ để cảnh báo, còn cơ quan chuyên môn phải tập trung đi dập dịch như cứu hỏa. “Dập được dịch mới có lương cao còn nếu không, có thể không có lương”, ông Trí nói.

PGĐ Sở NN-PTNT Châu Công Bằng than thở: “Số liệu cũng không chính xác do cán bộ ở cơ sở mỗi nơi mỗi phách, trách nhiệm thì chưa cao”.

Người nuôi nhiều nơi đang nỗ lực xoay xở. Chẳng hạn, ở huyện Phú Tân (Cà Mau) nhiều ấp thành lập “tổ môi trường” do đoàn viên thanh niên làm chủ lực nhằm bảo vệ môi trường để hạn chế dịch bệnh lây lan. Tổ này thường xuyên duy trì các quy định do cộng đồng đặt ra, ngăn những hành vi cố tình xả thải ra kinh rạch khi tôm bị bệnh.

Tuy nhiên, để quản lý phòng trừ dịch bệnh có hiệu quả còn cần đến các cơ quan quản lý và chuyên môn ở các cấp. Cán bộ ngành nông nghiệp địa phương hiện rất chung chung, chúng tôi muốn tìm hiểu thông tin cụ thể về dịch bệnh, họ hướng dẫn đến Khoa Thủy sản của Trường ĐH Cần Thơ.

Tại Khoa Thủy sản, Phó trưởng khoa Trần Ngọc Hải giới thiệu gặp PGS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh, chuyên gia về dịch bệnh tôm. Nhưng bà Oanh cho biết, năm nay không được giao đề tài nghiên cứu nên không có số liệu và khuyến cáo, rồi bà giới thiệu tiếp đến Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II.

Qua điện thoại, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II Nguyễn Văn Sáng nói, có nghe thông tin bùng phát bệnh đốm trắng trên tôm nuôi vùng ĐBSCL, nhưng chưa có số liệu cụ thể.

Phó Viện trưởng Sáng giải thích, đề tài nghiên cứu dịch bệnh tôm, trong đó có bệnh đốm trắng, nằm trong kế hoạch năm 2014 nhưng Bộ NN-PTNT chưa ký với Viện nên chưa triển khai thực hiện.

Tuy vậy, nghe phóng viên bày tỏ sự lo lắng của người nuôi tôm, ông Sáng giới thiệu liên hệ với chuyên gia bệnh dịch tôm của Viện là TS Lê Hồng Phước, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường và Phòng ngừa dịch bệnh thủy sản. Liên hệ với TS Phước, được ông hứa cung cấp thông tin nhưng qua thời điểm hẹn cả tuần mà thông tin vẫn bặt tăm.

Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/chong-dich-benh-tom-dan-cuong-cuong-quan-chang-voi-post134590.html


Có thể bạn quan tâm

Trồng nhãn Ido, mỗi năm thu trên 2 tỷ đồng Trồng nhãn Ido, mỗi năm thu trên 2 tỷ đồng

Cây nhãn Ido đã mang lại cho nhiều nông dân cuộc sống sung túc điển hình như ông Nguyễn Văn Phúc tỉnh Vĩnh Long, mỗi năm lời trên 2 tỷ đồng.

27/06/2017
Tỉ phú ếch trên Đồng Tháp Mười Tỉ phú ếch trên Đồng Tháp Mười

Không chỉ thu tiền lời hơn 1 tỉ đồng mỗi năm từ trang trại nuôi ếch, anh Nguyễn Văn Nữa (29 tuổi) còn là người đầu tiên làm chà bông ếch thành công

29/06/2017
'Đút túi' trên tỷ đồng mỗi năm nhờ vườn - ao - chuồng 'Đút túi' trên tỷ đồng mỗi năm nhờ vườn - ao - chuồng

Anh Nguyễn Văn Luật vay vốn ngân hàng, người thân để đào ao thả cá, xây chuồng trại chăn nuôi lợn, gà. Từ mô hình này mà mỗi năm anh “đút túi” trên 1 tỷ đồng.

01/07/2017
Làm giàu nhờ nuôi cá cảnh Làm giàu nhờ nuôi cá cảnh

Lúc đầu vì thiếu vốn, anh phải vay thêm tiền ngân hàng để khởi nghiệp với mô hình nuôi cá cảnh (cá kiểng) và cá giống.

03/07/2017
Thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm nhờ trồng đinh lăng 'sạch' Thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm nhờ trồng đinh lăng 'sạch'

Chúng tôi tìm về xã Nghĩa Thắng, nơi được mệnh danh là vựa đinh lăng lớn nhất của huyện Nghĩa Hưng với khoảng 400 hộ tham gia trồng cây dược liệu quý hiếm này.

03/07/2017