Cấp bách xây dựng thương hiệu gạo Việt dồn sức cho gạo thơm

Ưu tiên lựa chọn các giống lúa thơm
Theo Bộ NNPTNT, ngoài việc duy trì và giữ vững thị trường truyền thống, gạo có thương hiệu Việt Nam sẽ tiếp cận vào phân khúc thị trường có chất lượng cao (Mỹ, Nhật Bản, EU...).
Phát biểu tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, thị trường có nhu cầu rất lớn đối với các loại gạo thơm.
Vì vậy, loại lúa này cần ưu tiên xây dựng thành thương hiệu gạo Việt Nam – quốc gia đứng thứ 3 về xuất khẩu gạo nhưng đến nay chưa xây dựng được thương hiệu cho mặt hàng này.
“Việt Nam có điều kiện phát triển lúa thơm rất tốt về mặt sản xuất (phù hợp thổ nhưỡng, điều kiện canh tác) và tiêu thụ.
Thời gian qua, Việt Nam và Thái Lan đã chi phối thị phần thế giới về loại gạo này.
Có một thời gian, trong khi gạo trắng thông dụng mất thị phần thì gạo thơm Việt Nam lại tăng” – ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam nói.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình – Giám đốc Công ty TNHH Trung An (TP.Cần Thơ) cho rằng: “Qua 19 năm kinh doanh lúa gạo, tôi thấy gạo mang thương hiệu Việt Nam rất ít thấy ở nước ngoài mà chỉ mang nhãn mác các nước khác.
Thực tế, gạo thơm ST, gạo thơm nàng hoa, nàng thơm chợ đào...
là rất ngon, trong và ngoài nước thích nhưng chúng ta có số lượng ít và nhỏ lẻ, không thành thương hiệu được.
Vì vậy, theo tôi, về giống lúa dùng để xây dựng thương hiệu chúng ta đã có rồi, không cần nghiên cứu nữa mà chỉ tập trung phát triển”.
Trao đổi với NTNN, PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ - Phó Trưởng khoa Phát triển nông thôn (Đại học Cần Thơ) nói: Được mùa mất giá, nông dân liên tục thua lỗ là do chưa xây dựng được thương hiệu, uy tín nên doanh nghiệp xuất bán với giá thấp, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp mua của dân cũng thấp.
Khi có thương hiệu thì sẽ ngược lại.
“Theo cá nhân tôi, việc lựa chọn các giống lúa thơm phát triển thành thương hiệu là ổn.
Chẳng hạn như lúa thơm ST, lúa nàng thơm chợ Đào…” – PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ nhận định.
Doanh nghiệp có vai trò chủ chốt
Các đại biểu cho rằng, thời gian qua, tại các địa phương trong cả nước, đặc biệt là vùng ĐBSCL, doanh nghiệp đã đầu tư lớn vào cánh đồng lớn với một số loại giống lúa nhất định, trong đó có các giống lúa thơm.
Đây là điều kiện thuận lợi, cũng là bước chuẩn bị căn bản cho việc phát triển thương hiệu gạo Việt Nam.
Ông Phạm Thái Bình nhấn mạnh: “Thương hiệu gạo có được chỉ xuất phát từ vùng nguyên liệu (cánh đồng lớn) của doanh nghiệp.
Vì vậy, doanh nghiệp là nhân tố chính, giữ vai trò chủ chốt trong việc xây dựng thương hiệu.
Vấn đề ở chỗ là các bộ có trách nhiệm phân công vùng nào trồng giống nào và doanh nghiệp phụ trách”.
Đồng tình với ý kiến của ông Bình, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là hết sức cấp bách và doanh nghiệp có vai trò chủ chốt trong xây dựng, phát triển các thương hiệu gạo.
Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng thương hiệu gạo của doanh nghiệp gắn với thương hiệu gạo quốc gia.
“Bộ NNPTNT sẽ báo cáo T.Ư sớm triển khai phát triển thương hiệu gạo Việt Nam.
Trước mắt, chúng tôi thống nhất là sẽ đưa ra các tiêu chí (chất lượng, an toàn thực phẩm…) đối với việc xây dựng thương hiệu gạo.
Chúng tôi cũng đồng ý gạo thơm sẽ được ưu tiên lựa chọn triển khai trước” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Để triển khai Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, từ nay đến 2020, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp các bộ, ngành triển khai các dự án trọng điểm là xây dựng thương hiệu gạo quốc gia; bảo hộ thương hiệu trên thị trường quốc tế; quảng bá; xúc tiến xuất khẩu và phát triển thị trường cho doanh nghiệp.
Mục tiêu đến 2020 đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp chuỗi giá trị toàn cầu...
Ông Hồ Quang Cua - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Sóc Trăng:
"Nước ta có khả năng tạo ra lúa chất lượng cao và mang thương hiệu Việt Nam.
Tuy nhiên, để làm được điều này, cần thực hiện tốt khâu bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ bởi hiện nay có nhiều người dân, các doanh nghiệp mua giống “chui”, sạ một giống qua nhiều vụ làm hạt lúa mất thơm và cứng."
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời:
"Hiện nay, nước ta có quá nhiều giống lúa làm ảnh hưởng đến thương hiệu gạo.
Để có thương hiệu thật sự, các doanh nghiệp phải lựa chọn giống lúa có chất lượng cao, quy trình sản xuất và giữ được gạo ngon, đạt tiêu chuẩn đến khách hàng nên chi phí bỏ ra rất cao.
Vì vậy, các doanh nghiệp phải được sự hỗ trợ của Nhà nước về thuế, nếu không sẽ rất khó."
Có thể bạn quan tâm
-6109141.jpg)
Lũ năm 2000 đạt 5,08 m, là đỉnh cao nhất ở đồng bằng sông Cửu Long tính đến nay. Bộ trưởng Nông nghiệp nông thôn Cao Đức Phát trong chuyến khảo sát thực địa tại hai tỉnh An Giang - Đồng Tháp vài ngày trước cũng cho rằng lũ năm nay có thể vượt mức báo động 5, bằng hoặc cao hơn đỉnh lũ 2000

Là thủ phủ của điều và một thời được mệnh danh là cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào bản địa, nhưng vài năm trở lại đây người dân Bình Phước không còn mặn mà với cây điều. Họ đua nhau chặt điều trồng cao su vì giá rớt liên tục, thu không đủ chi.

Sau một thời gian dài cá tra giống sụt giảm, thì hiện đã tăng mạnh trở lại từ 2.000-3.000 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tháng 10.

Mô hình nuôi cá trắm đen đã được các hộ trong tỉnh Nam Định đưa vào nuôi thử nghiệm từ năm 2008. Các hộ nuôi thường cho cá trắm đen, chủ yếu đối với loại cá có trọng lượng trên 1 kg ăn ốc bươu vàng và dắt biển. Cá chỉ ăn ruột ốc, ruột dắt biển, còn lại thải ra môi trường nên lượng vỏ ốc, vỏ dắt biển tồn dư trong ao nhiều, dễ gây ô nhiễm môi trường nước, khiến cá chậm lớn và dễ bị nhiễm bệnh. Các hộ nuôi cá trắm đen ở xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) những năm qua đều lao đao vì gần như năm nào cá trắm đen cũng bị dịch bệnh.

Sau những đợt rét đậm kéo dài khiến nhiều hécta caosu bị chết, Hà Giang quyết định tạm dừng triển khai chương trình trồng loại cây này.