Dê, Cừu Ninh Thuận
Ninh Thuận có khí hậu khắc nghiệt nhất nước, nắng nóng quanh năm, song lại là điều kiện thuận lợi để con dê, cừu phát triển. Nhờ vật nuôi này nhiều hộ thoát nghèo và trở thành tỷ phú.
Dễ nuôi
Dê, cừu là vật nuôi có mặt từ rất sớm trên vùng đất Ninh Thuận, riêng giống cừu được đồng bào dân tộc Chăm du nhập từ Ấn Độ cách đây trên trăm năm. Ban đầu nhập nội với mục đích nuôi phục vụ cúng tế trong các lễ hội truyền thống của đồng bào Chăm và con cừu đã nhanh chóng thích nghi với vùng đất này.
Với khí hậu nắng nóng quanh năm, lượng mưa thấp, chỉ kéo dài khoảng 3 tháng (từ tháng 9 - 11 hàng năm) nên rất thích hợp để dê, cừu sinh trưởng và phát triển. Chính vì vậy đàn dê, cừu của xứ nóng đã phát triển nhanh chóng; đặc biệt từ khi Ninh Thuận tách tỉnh vào đầu những năm 1990.
Từ ban đầu số lượng vài ngàn con, sau hơn chục năm phát triển, có thời điểm tổng đàn dê, cừu ở Ninh Thuận đạt ngưỡng 200.000 con và sau thời kỳ phát triển "nóng" đã luôn duy trì ổn định khoảng 150.000 con, trong đó cừu chiếm 60 - 70% tổng đàn.
Thực tế ở Ninh Thuận đã xuất hiện nhiều trang trại nuôi dê, cừu trị giá hàng tỷ đồng với quy mô từ 300 - 500 con, nhiều hộ dân đã thoát nghèo; thậm chí vươn lên làm giàu. Sở dĩ đàn dê, cừu phát triển mạnh là do dễ nuôi, ít bị bệnh, giá cả hấp dẫn…
Chúng tôi đến thăm trang trại dê, cừu gia đình anh Nguyễn Xem, người dân tộc Chăm ở thôn Nho Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam. Anh có đàn dê, cừu giống 300 con, trong đó cừu giống 200 con, dê giống 100 con. Nhờ đàn giống này mỗi năm thu lãi cả trăm triệu đồng, từ đó cuộc sống của anh Xem đã trở nên khá giả; căn nhà trị giá bạc tỷ rộng 500 m2 được anh xây năm 2006 là một minh chứng.
Anh Xem cho biết, anh nuôi dê, cừu từ năm 1998, ban đầu không có vốn chỉ mua được 7 con dê giống về cho sinh sản nhân đàn. Đến năm 2000 khi dê bắt đầu xuất bán, anh vay mượn thêm mua 15 con cừu. Trải qua nhiều thăng trầm, có lúc mỗi con dê, cừu trị giá 4 - 5 triệu đồng, nhưng có lúc chỉ còn 100.000 đồng/con do không có đầu ra.
Tuy giá rẻ anh vẫn gắn bó với con dê, cừu và còn mua thêm con giống về để nhân đàn. Từ năm 2009 đến nay, khi giá dê, cừu luôn ổn định ở mức khá cao thì anh đã có 300 con sinh sản.
Anh Nguyễn Xem cho biết: So với chăn nuôi bò thì dê, cừu là vật nuôi dễ tính hơn, thức ăn chủ yếu là cỏ và cây bụi, chúng ăn được nhiều loại cây cỏ; kể cả cây xương rồng có trong thiên nhiên hoang dã. Chúng còn thích nghi với mọi địa hình từ đồng bằng đến vùng đồi núi.
Do vậy, việc chăn thả cũng rất đơn giản, buổi sáng anh thả ra để chúng lên núi kiếm ăn, đến tối mới lùa về chuồng. Các loại dịch bệnh trên dê, cừu cũng rất ít. Bệnh thường gặp là tụ huyết trùng, viêm phổi, nhiễm trùng máu… thường xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa và trong mùa mưa, nếu phát hiện sớm là chữa trị dứt điểm.
Mặt khác phải tiêm phòng đủ liều định kỳ thì sẽ không bị dịch bệnh. Điều quan trong nhất là chuồng trại phải làm nơi thoáng mát, ánh sáng đầy đủ để ngăn chặn các loại vi khuẩn ủ bệnh.
Lợi nhuận cao
Thời kỳ “vàng son” nhất của con dê, cừu tại Ninh Thuận là từ năm 2003 - 2005, giai đoạn này mỗi con dê, cừu cái làm giống có giá 4 - 5 triệu đồng, thậm chí có người bán được 8 - 9 triệu đồng, do vậy người nuôi nhanh chóng trở lên giàu có.
Cũng vì lý do đó mà tại đây đã tạo ra cơn lốc người người nuôi cừu, nhà nhà nuôi dê. Tuy nhiên sang năm 2006 dê, cừu bắt đầu giảm giá, đỉnh điểm là năm 2007 khi mỗi con quy đổi ra chỉ bằng giá 1 con gà thịt. Nguyên nhân là do đàn dê, cừu phát triển quá nóng, người tiêu dùng chưa quen với loại thực phẩm này đã dẫn tới dư thừa.
Từ năm 2009 đến nay khi thịt dê, cừu đã trở lên phổ biến là thực phẩm thông thường được tiêu thụ mạnh trong tỉnh cũng như các tỉnh phía Nam, do vậy giá lại liên tục tăng và ổn định ở mức khá cao. Hiện dê có giá 100.000 đồng/kg hơi, cừu 90.000 đồng/kg, do vậy người chăn nuôi lại lãi lớn.
Anh Nguyễn Nam, một chủ trang trại chăn nuôi cừu với quy mô rộng 20 ha, tổng đàn 700 con cừu giống tại thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc mỗi năm bán cừu giống thu hàng tỷ đồng.
Xuất phát điểm của anh Nam từ 20 ha đất khô cằn chỉ có cây bụi và xương rồng, sau đó cải tạo trồng cây bắp, đậu, lúa cạn... Năm 1993 do ít vốn anh mua vài con bò và cừu về chăn thả trong rẫy tận dụng nguồn thức ăn sẵn có.
Sau đó đàn cừu sinh sản dần, con đực thì bán còn con cái anh giữ lại làm giống, dần dần đàn cừu cũng tăng lên được vài chục con. Đến năm 2003 khi dê, cừu bắt đầu sốt giá, mỗi con trị giá vài triệu đồng, thời điểm này cừu sinh sản đến đâu bán giống đến đó, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Có tiền anh Nam mở rộng quy mô xây dựng chuồng trại lên 500 con. Khi giá dê cừu lao dốc, anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô xây dựng trang trại nuôi cừu lên 700 con, và nuôi ổn định đến nay.
Theo anh Nam, mỗi năm dê cừu sinh sản 2 lứa, mỗi lứa 1 con, nhưng cái hay ở chỗ là sinh sản tập trung trong thời gian ngắn. Khi đẻ là đẻ đồng loạt nên không tốn nhiều công chăm sóc con nhỏ. Cừu là gia súc có thời gian sinh trưởng rất nhanh, chỉ sau 8 - 9 tháng là bắt đầu sinh. Còn nuôi thương phẩm thì chỉ 5 - 6 tháng đạt trọng lượng khoảng 20 kg là có thể xuất bán...
+ Không như nhiều loài vật nuôi khác có chi phí đầu tư cao, dê, cừu là vật nuôi của người nghèo; đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc, giá giống không quá cao, chỉ khoảng trên 2 triệu đ/con.
Nếu nông dân không có nhiều vốn thì chỉ cần khoảng 10 triệu đồng là đã có 5 con giống, sau vài năm nhân đàn là đã có vài chục con và từ đây có thể thoát nghèo bền vững.
+ Với lợi thế phát triển chăn nuôi dê, cừu, tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ nông dân như nhập giống cừu Australia để lai với đàn cừu địa phương; cấp 100 ha đất tại huyện Thuận Bắc cho Viện Chăn nuôi để thành lập trung tâm chuyên nhập, khảo nghiệm dê cừu. Khuyến khích các trang trại, hộ chăn nuôi hình thành CLB hỗ trợ nhau việc chọn giống, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm...
Có thể bạn quan tâm
Năm 2013, giá cá tra tụt dốc thảm hại, doanh nghiệp thu mua cá thấp hơn giá thành sản xuất khiến nhiều hộ thua lỗ, treo ao, nợ ngân hàng bạc tỉ. Mặc dù, từ giữa năm 2014, giá cá tra bắt đầu phục hồi, tăng từ 21.000 - 24.000 đồng nhưng số lượng hộ và diện tích, ao nuôi cũng chưa được cải thiện.
Để khắc phục những tồn tại đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP”giai đoạn 2014 - 2016 nhằm hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ngày 30-1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH Việt Nam (Công ty CP TH), thuộc Tập đoàn TH – THMilk, công bố Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu cho dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa.
Năm 2013, xã vận động nông dân dồn điền đổi thửa, chuyển một số đất trồng mía sang trồng rau rồi thành lập tổ hợp tác (THT) Rau an toàn tại 3 thôn Ninh An, Phước Hưng Nam và Thạch Nham Tây, nhưng quy mô, hiệu quả nhất là vùng rau Ninh An.
Tình hình nắng hạn kéo dài từ giữa năm 2014 đến nay đã gây ảnh hưởng đến năng suất nhiều loại cây trồng của người nông dân trong tỉnh. Mặc dù là loại cây chịu hạn tốt nhưng với người trồng mía trên địa bàn huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), địa phương được xem là “thủ phủ” mía của cả tỉnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề.