Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hướng Đi Bền Vững Của Người Trồng Tiêu Bù Đốp (Bình Phước)

Hướng Đi Bền Vững Của Người Trồng Tiêu Bù Đốp (Bình Phước)
Ngày đăng: 26/01/2015

Những năm gần đây, khi cây cao su xuống dốc thì cây hồ tiêu lại vươn lên khẳng định vị trí dẫn đầu trong danh sách những cây nông sản truyền thống của nông dân Bình Phước. 3 năm gần đây, hồ tiêu có giá trị cao và ổn định hơn so với các mặt hàng nông sản khác. Trước chuyển biến tích cực đó, nông dân trồng hồ tiêu Bù Đốp đã chọn hướng đi mới để nâng cao giá trị hồ tiêu, cũng như tạo ra sản phẩm tiêu sạch bằng cách tham gia câu lạc bộ (CLB) tiêu bền vững.

Nhằm tạo ra thị trường cạnh tranh công bằng, dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều hộ nông dân trồng tiêu tham gia. Nhiều mô hình canh tác tiêu bền vững được phát triển theo các tiêu chuẩn của chứng nhận Rainforest Alliance (R.A) cho các hộ trồng tiêu ở Bù Đốp; đồng thời kết nối với thị trường quốc tế thông qua Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice.
Từ nghi ngờ... đến yên tâm
Khi tham gia CLB, các hộ trồng tiêu phải đảm bảo thực hiện đúng 10 nguyên tắc sản xuất nông nghiệp bền vững của R.A thì mới được chứng nhận tiêu đạt chuẩn.
Đó là nguyên tắc quản lý môi trường và xã hội; bảo tồn hệ sinh thái; bảo vệ động vật hoang dã; bảo tồn nguồn nước; đối xử công bằng và có điều kiện làm việc tốt cho người lao động; an toàn sức khỏe nghề nghiệp, quan hệ cộng đồng, quản lý về đất đai, rác thải, mùa vụ... Sản phẩm của các hộ dân tham gia CLB đạt chuẩn được Công ty chế biến gia vị Nedspice thu mua để chế biến xuất khẩu với giá cạnh tranh, công bằng ngoài thị trường.
“Trong các nguyên tắc đề ra thì khó nhất với người nông dân là hệ thống quản lý môi trường và xã hội. Khi trồng hồ tiêu cần phải có cây che bóng mát, hệ thống nước, rác và tưới nước thải sinh hoạt... Hàng tháng phải dọn vệ sinh và tỉa tán cành cây che mát cho tiêu.
Điều bất cập là nếu dọn mà không đốt thì để cành cây, rác ở đâu khi chôn lấp thì quá nhiều... nên đây là tiêu chí khó đạt nhất của dự án” - anh Phí Thanh Hải ở ấp Phước Tiến, hội viên CLB tiêu bền vững xã Hưng Phước cho biết.
Theo anh Bùi Quốc Hai, Chủ nhiệm CLB tiêu bền vững xã Hưng Phước, tuy nhiều nguyên tắc nhưng tất cả đều vì sức khỏe, chất lượng sản phẩm nên các hội viên cố gắng thực hiện. Khi CLB thành lập vào năm 2012, người dân đăng ký tham gia nhưng với tính chất thăm dò.
Sau 2 năm hoạt động thấy có lợi nên họ đã thay đổi thái độ, sinh hoạt tích cực, hồ hởi. Hiện CLB tiêu bền vững xã Hưng Phước có 35 hộ. Các hội viên đều có trên 1.000 nọc tiêu trở lên. Gia đình anh Hai có 5 ha tiêu, bình quân mỗi ha thu 4 tấn/năm.
Người dân được tất cả
Nông dân khi tham gia CLB được hỗ trợ rất nhiều mặt như: đào tạo, tập huấn về kỹ thuật canh tác tiêu bền vững; an toàn lao động trong quá trình canh tác; tập huấn về bộ nguyên tắc R.A và quá trình thu hoạch, phơi sấy, bảo quản hồ tiêu. Hội viên còn được hỗ trợ kinh phí đào hố để thu gom rác, nhất là bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo môi trường, sức khỏe người lao động, vật nuôi...
Để bảo vệ sức khỏe, môi trường, các hội viên đã chuyển dần sang dùng thuốc sinh học. Hiện mỗi hộ trồng tiêu đang sử dụng khoảng 50% thuốc sinh học, có hộ đến 80%.
Anh Vũ Đức An ở tổ 4, ấp Phước Tiến cho biết: Tôi có 1,2 ha tiêu. Khi tham gia dự án ngoài được hỗ trợ phân tích đất, nước, dự báo lượng mưa để hiểu rõ về nhu cầu dinh dưỡng của cây hồ tiêu còn được tư vấn cách chăm sóc, phân bón, thuốc phù hợp. Người dân khi giao dịch với công ty rất yên tâm về tính trung thực (cân đúng và đủ), giá cao hơn so với thương lái mua. Dù là hội viên nhưng được tự do chọn lựa đơn vị thu mua (dự án không bắt buộc hội viên phải bán cho công ty, nhưng mỗi năm bán bao nhiêu thì phải đăng ký trước), có sự cạnh tranh công bằng.
Hồ tiêu là cây nông sản gắn bó lâu năm với nông dân Bình Phước. Thời gian gần đây, giá trị cây tiêu một lần nữa được khẳng định, một phần nhờ sự kết hợp với các CLB tiêu bền vững. Đây là kim chỉ nam cho người trồng tiêu huyện Bù Đốp yên tâm sản xuất và làm giàu với loại cây truyền thống này.
Bù Đốp hiện có 8 CLB với 150 vườn tiêu sạch ở 4 xã (Thiện Hưng, Hưng Phước, Tân Tiến, Tân Thành) thuộc dự án phát triển chuỗi tiêu bền vững (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh làm chủ dự án). Đã có 125 hộ thực hiện mô hình này được cấp giấy chứng nhận về đạt chuẩn tiêu sạch. Năm 2014, Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice thu mua 185 tấn tiêu của các hộ tham gia dự án đạt chuẩn với giá cao hơn thị trường 1.000 - 1.500 đồng/kg.
Trạm Khuyến nông Bù Đốp còn liên kết với các công ty cung cấp phân bón giảm giá vật tư đầu vào cho nông dân trồng tiêu tham gia 8 CLB tiêu bền vững, mức giảm 2 - 5% so với giá trị đơn hàng.


Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi lươn không bùn Khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi lươn không bùn

Mặc dù nuôi lươn không bùn không phải là mô hình mới với người dân Hà Tĩnh, nhiều người đã thử nghiệm nhưng không duy trì được lâu dài và phải bỏ cuộc.

27/04/2022
Giống ổi TA 036 cho hiệu quả kinh tế cao trên đất triền đồi Giống ổi TA 036 cho hiệu quả kinh tế cao trên đất triền đồi

Theo lời hẹn vào một ngày tháng 3 nắng đẹp, chúng tôi ghé thăm vườn ổi của gia đình anh Nguyễn Hữu Trường – thành viên Hợp tác xã (HTX) trái cây Mỹ Đức.

27/04/2022
Thu tiền tỷ từ mô hình VAC Thu tiền tỷ từ mô hình VAC

Dám nghĩ dám làm, mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, chị Vũ Thị Dân, xã Thăng Long (Đông Hưng)

13/05/2022
Triển vọng từ mô hình sản xuất lạc đen tại Nghệ An Triển vọng từ mô hình sản xuất lạc đen tại Nghệ An

Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ vừa phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Nghệ An, HTX Nam Thịnh tổ chức hội thảo đánh giá giống lạc đen.

17/05/2022
Biến lá dứa thành tơ xuất châu Âu, thu tiền tỉ Biến lá dứa thành tơ xuất châu Âu, thu tiền tỉ

Anh Nguyễn Văn Hạnh (32 tuổi), ở xóm Đông Giai, xã Diễn Hoàng, H.Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã biến lá dứa thành tơ sợi xuất khẩu đi châu Âu, mang về tiền tỉ.

19/05/2022