Phú Yên Phát Triển Rừng Giống, Vườn Ươm Theo Hướng Bền Vững
Năm 2014, toàn tỉnh Phú Yên trồng mới hơn 4.800ha rừng tập trung, đạt 100% kế hoạch (rừng phòng hộ 337ha, rừng đặc dụng 39ha, rừng sản xuất hơn 4.424ha), nâng độ che phủ lên 38%. Tuy nhiên, thời gian qua, các vườn ươm cây giống trong tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu trồng rừng của các tổ chức, cá nhân. Điều này đòi hỏi tỉnh phải có giải pháp phát triển bền vững hệ thống rừng giống và vườn ươm cây lâm nghiệp.
Theo quy hoạch hệ thống rừng giống, vườn giống, vườn ươm giống cây trồng lâm nghiệp của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với tổng kinh phí đầu tư hơn 37 tỉ đồng, tỉnh Phú Yên đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ cung cấp 80% giống từ nguồn giống được công nhận. Trong đó, 80% giống từ nhân giống sinh dưỡng (vô tính) cho trồng rừng phòng hộ, sản xuất.
Trước mắt, đến năm 2016, tỉnh chủ động cung cấp 60% cây giống từ nguồn giống được công nhận, năm 2020 cung cấp 80% và đến năm 2030 cung cấp trên 90%; trong đó trên 90% cây giống từ nhân giống sinh dưỡng cho trồng rừng phòng hộ, sản xuất.
Đến năm 2020, cơ bản bảo đảm đủ số cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh sẽ hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống theo hướng xã hội hóa nghề giống cây lâm nghiệp với nhiều thành phần kinh tế; 100% các nguồn giống và cơ sở sản xuất kinh doanh giống được kiểm soát chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp theo thủ tục giám sát chuỗi hành trình giống đối với toàn bộ các loài cây trồng chính.
Ông Huỳnh Xuân Quang, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp, cho biết định hướng phát triển hệ thống rừng giống, vườn giống, vườn ươm giống cây trồng lâm nghiệp, tỉnh sẽ chọn lọc các loài cây trồng phù hợp với mục đích trồng rừng, sớm cho thu hoạch, có giá trị và hiệu quả kinh tế cao, tiềm năng thị trường lớn.
Xây dựng hệ thống vườn giống, rừng giống, vườn cây đầu dòng và tuyển chọn cây mẹ để quản lý tốt hệ thống nguồn giống trong tỉnh, đảm bảo cung cấp đủ giống cho nhu cầu trồng rừng; đồng thời các nguồn giống cũng là nơi cung cấp những vật liệu cơ bản cho chương trình cải thiện, nâng cao chất lượng giống cây rừng.
Đối với vườn ươm quy mô lớn (trên 1 triệu cây giống/năm) tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp vườn ươm Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Cầu và vườn ươm Trạm Thực nghiệm giống lâm nghiệp thuộc Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên với diện tích mỗi vườn khoảng 3ha. Đồng thời đầu tư xây dựng mới vườn ươm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Bàn Thạch, diện tích khoảng 3ha/vườn và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng vườn ươm tại huyện Tây Hòa.
Đối với vườn ươm quy mô trung bình, tỉnh có kế hoạch đầu tư xây dựng mới 3 vườn sản xuất cây sinh dưỡng tại các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Đồng Xuân; duy trì các vườn ươm có năng lực, kinh nghiệm sản xuất giống để cung cấp cây trồng lâm nghiệp cho hộ gia đình trồng rừng với diện tích bình quân 0,5ha đến 1ha đối với vườn ươm quy mô nhỏ.
Bên cạnh đó, tập trung vào các loài cây trồng rừng kinh tế chủ lực, cả cây nguyên liệu mọc nhanh lẫn cây gỗ lớn và cây lâm sản ngoài gỗ, cây nhập nội lẫn cây bản địa, kết hợp nghiên cứu chọn giống với nghiên cứu biện pháp lâm sinh để tăng năng suất rừng trồng.
Theo Sở NN-PTNT, có 3 dự án được ưu tiên đầu tư, gồm dự án Hỗ trợ đầu tư nâng cấp nhà nuôi cấy mô Trạm Giống cây trồng lâm nghiệp thuộc Trung tâm Giống và kỹ thuật cây trồng Phú Yên, Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên kết hợp hỗ trợ xây dựng vườn ươm cho các ban quản lý rừng phòng hộ tại các huyện, thị xã.
Dự án Xây dựng rừng giống chuyển hóa, trồng rừng giống, chọn lọc cây mẹ từ rừng tự nhiên, chọn lọc cây mẹ từ rừng trồng, cây phân tán. Dự án Đào tạo ứng dụng công nghệ mô, chọn loài, khảo nghiệm giống mới cho cán bộ thuộc Trung tâm Giống và kỹ thuật cây trồng Phú Yên, Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên kết hợp đào tạo công tác quản lý giống cho các chủ vườn ươm và cán bộ quản lý cấp huyện, xã.
Phú Yên có tổng diện tích tự nhiên hơn 506.057ha. Trong đó, đất thuộc quy hoạch 3 loại rừng hơn 249.783ha, gồm đất có rừng hơn 165.541ha, đất chưa có rừng hơn 84.242ha. Theo UBND tỉnh, trong Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh đề ra mục tiêu phát triển lâm nghiệp toàn diện, sử dụng bền vững 287.900ha đất đã quy hoạch lâm nghiệp. Trước mắt, trong năm 2015 phấn đấu nâng tỉ lệ độ che phủ rừng lên 39%, đến năm 2020 đạt 45%.
Có thể bạn quan tâm
Theo anh Pơloong Vinh, thành viên nhóm hộ chăn nuôi bò thôn Pa Lan, từ ngày triển khai mô hình này, người dân trong thôn đều cùng nhau chăm sóc và xem như tài sản chung của cả làng. “Sau này, nếu đàn bò đẻ thêm nhiều con, chúng tôi sẽ xem xét tặng cho hộ nào khó khăn nhất để làm vốn phát triển kinh tế” - anh Vinh cho hay.
Theo mô hình tham khảo từ tổ hợp khu chức năng chợ cá quốc tế Busan (Hàn Quốc), mỗi Trung tâm nghề cá đều có các hạng mục công trình chính là: tòa nhà văn phòng, chợ đầu mối, bãi đỗ xe, khu vực kho lạnh, khu lưu giữ hải sản tươi sống, khu phân loại và cảng cá có thể tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 20.000 tấn...
Để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân ở cơ sở và huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), năm nay, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) lấy thôn là địa bàn triển khai. Đây là cách làm sáng tạo mang lại kết quả tích cực.
Vụ Chiêm xuân 2014-2015, toàn tỉnh Bắc Giang có kế hoạch xây dựng 103 cánh đồng mẫu với tổng diện tích hơn 3.100 ha. Trong đó, xây dựng mới 49 cánh đồng mẫu và duy trì 54 cánh đồng từ năm 2014.
Đến thăm cánh đồng mẫu thôn Quang Hiển, Thanh Lương, xã Quang Thịnh, trước mắt chúng tôi là những thửa ruộng trồng dưa bao tử xanh tốt, nối tiếp nhau trải dài. Nhiều nông dân đang nhanh tay thu hái quả để bảo đảm đúng yêu cầu kích cỡ và kịp cân cho tư thương.