Sản xuất theo mô hình tôm - lúa là hướng đi bền vững.
Sau khi chuyển đổi sang nuôi tôm vài năm, nông dân Bạc Liêu lại than khó vì con tôm đỏng đảnh. Hôm nay nổi đầu vì thiếu ô xy, ngày mai lại biếng ăn nằm bờ, thân đóng rong đòi nước sạch… Những khó khăn ấy làm nông dân "chạy vắt chân lên cổ", có bao nhiêu vốn liếng, thậm chí phải vay nóng bên ngoài đều đổ vào con tôm.
Tình ca tôm – lúa
Đến nay, tôi vẫn không thể nào quên gương mặt khắc khổ của ông Đỗ Đính ở khóm 3, phường 2 (TP.Bạc Liêu). Chỉ sau hai trận tôm chết, mọi thứ trong nhà ông đều phải bán sạch. Căn nhà tường mới xây được phân nửa, chưa kịp hoàn thiện vì đang đợi trúng vụ tôm sẽ xây tiếp, giờ kêu bán chẳng ai mua. Gió từ cửa sau lùa ra cửa trước khiến thân ông co ro càng thêm khốn khổ. Ông ước gì được khóc một lần cho đã, nhưng khóc không nổi vì bao đêm thức trắng. Ông Đính ngậm ngùi nói: "Phải chi vừa làm một vụ tôm, vừa làm một vụ lúa thì đâu đến nỗi. Trước đây làm lúa khó khăn thật, nhưng cũng không phải chịu cảnh đói, nợ nần, trốn chui trốn lủi như bây giờ".
Không riêng gì ông Đính, từ năm 2004, chuyện nợ nần vì con tôm đã xôn xao ở tỉnh Bạc Liêu. Ở nhiều xã thuộc vùng Nam Quốc lộ 1A, người nuôi tôm nợ các ngân hàng lên đến hàng trăm tỷ đồng,nhà nào cũng rơi vào khung nợ xấu. Do không có vốn đầu tư, nhiều hộ liều mình đua nhau cải tạo ao đầm bằng thuốc trừ sâu, các loại hóa chất cấm, khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Khi xổ nước vào, cá - tôm tự nhiên không sống nổi; ném cục đất lên bờ, cây cỏ chết khô. Đất mẹ nổi giận, thả tôm post xuống bao nhiêu chết sạch bấy nhiêu, nợ chồng nợ, khổ chồng khổ, nhiều gia đình thân ở nhà lầu mà phải đi mượn tiền mua gạo. Những năm sau đó, hàng chục ngàn hecta nuôi tôm bị bỏ trống, chính quyền tỉnh Bạc Liêu phải ra nghị quyết, vận động các ngân hàng tái đầu tư, người không có khả năng nuôi tiếp thì cho thuê đất hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất khác ngoài con tôm…
Đến lúc này, nhiều người mới hồi tưởng về cây lúa và mong quay lại cái thuở "đồng vàng" khi giá lúa tăng vùn vụt. Nhưng lỡ "ôm tôm" rồi… Vậy là nông dân Bạc Liêu lại mày mò tìm phương án bắt "chàng" tôm sống chung với "nàng" lúa. Sự kết đôi này tuy gặp không ít khó khăn, nhưng rồi chúng vẫn sống hạnh phúc bên nhau, làm cho năng suất lúa vượt hơn 6 tấn/ha, còn "chàng" tôm sống trên đất lúa sức khỏe cũng "ổn" hơn, bà con không phải tốn bạc triệu cho việc chữa bệnh, cải tạo ao đầm.
Hồi đó, các nhà khoa học cho rằng, với tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng như hiện nay sẽ làm cho nhiều đồng lúa bị xâm nhập mặn thì sự kết hợp giữa con tôm và cây lúa là một phát minh rất kịp thời và sáng tạo của nông dân. Và đây là một trong những mô hình sản xuất bền vững.
Nhìn lại chặng đường chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nông dân Bạc Liêu phải trả một giá quá đắt cho con tôm. Đó là nguyên nhân của sự phát triển quá "nóng" khi nhiều nơi vẫn chưa hội đủ các điều kiện cần và đủ. Ngay cả vùng chuyên nuôi tôm phía Nam Quốc lộ 1A, đến nay vẫn chưa đầu tư được hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh. Hoặc ở vùng Bắc Quốc lộ 1A, vào những tháng đầu năm, nông dân lại muốn kéo nhau đi phá đập để cứu con tôm khỏi chết khát. Nếu cứu tôm thì lúa chết, khi vẫn còn hàng chục ngàn hecta chuyên lúa nằm phía trong vùng Bắc vẫn chưa thu hoạch. Hơn 10 năm gắn bó với con tôm, nông dân vẫn chưa làm chủ được quy trình sản xuất sao cho an toàn, giảm thiểu tối đa thiệt hại; cũng như không chủ động được đầu vào lẫn đầu ra, luôn phải ứng phó với sự nghiệt ngã của thị trường. Đơn cử như năm 2008, giá tôm giảm chỉ còn 55.000 - 60.000 đồng/kg, khiến người nông dân dù trúng mùa mà vẫn khóc. Đến nay, bài toán phát triển bền vững cho con tôm vẫn chưa có lời giải…
Chuyện con tôm làm xáo trộn đời sống ở vùng nông thôn kể ra cũng xót xa lắm. Vì con tôm mà người ta sẵn sàng lén lút thả nước thải ở ao tôm bị bệnh ra kênh nội đồng dù biết chắc rằng hộ liền kề khi lấy vào là lãnh đủ. Lợi nhuận của con tôm khiến nông dân thù hằn, mâu thuẫn lẫn nhau chỉ vì chuyện xả nước. Dần dần, các vùng quê thưa thớt những rạp cưới được kết bông bằng lá dừa, dựng cây chuối hai bên cửa, cảnh chèo xuồng giúp nhau đi mượn bàn ghế đãi tiệc cũng không còn, bởi tất cả đều dành cho việc chăm sóc tôm. Thậm chí, ngày cúng cơm cho người đã khuất, những bao thư đựng tiền cũng được gia chủ vô tư xòe tay lấy như đi đám cưới, thay vì trước đây là vài chai rượu, mấy lạng thịt heo, con gà... Con tôm đã làm cho người nông dân ứng xử theo kiểu kinh tế thị trường, nghĩ lại cũng thấy chạnh lòng…
Đôi lúc khổ quá, nhiều người cứ lôi con tôm ra chửi, rồi thề thốt sẽ không nuôi tôm nữa. Nhưng con tôm có tội gì đâu? Chẳng những có công mà còn mang lại kỳ tích nữa là khác. Chỉ tính riêng việc nộp ngân sách hàng năm thôi, con tôm nguyên liệu cũng đóng góp gần 200 tỷ đồng, chiếm hơn 60% nguồn thu thuế công thương nghiệp và đem về vài chục triệu đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh Bạc Liêu. Hàng trăm ngàn lao động được tạo việc làm, có thu nhập ổn định từ con tôm. Do vậy, con tôm vẫn trở thành đối tượng đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng của tỉnh. Còn chuyện nuôi tôm thất bại là do cách ứng xử vô cảm của con người với tự nhiên, thiếu đầu tư, thiếu định hướng và cả những giải pháp mang tầm chiến lược.
Nhìn lại một chặng đường chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, nhiều người đã bắt đầu nhận ra những khó khăn không thể lường trước. Bắt con tôm post "nhỏ như cọng cỏ" bỏ xuống ao không chỉ cho ăn, đánh thuốc là xong mà nó còn liên quan đến sự hợp tác, ý thức của cả cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, sự liên kết từ cánh đồng đến nhà máy, sự sẻ chia của những ngành có trách nhiệm để nông dân không phải "tự bơi".
Chuyển đổi sản xuất, người nông dân được gì, mất gì…, đáng để suy nghĩ! Tỉnh ủy Bạc Liêu đang chuẩn bị ban hành một nghị quyết gắn với những cơ chế, chính sách phát triển riêng cho con tôm, cây lúa ở vùng Nam và Bắc Quốc lộ 1A. Nghe tin này nông dân ai cũng mừng và tin tưởng vào một bản tình ca tôm - lúa làm vui cả xóm làng sẽ được xướng lên cho 15 năm tiếp theo. Nghĩ đến cảnh này, lòng tôi vui mừng khôn tả…