Để Cá Tra Vượt Qua Rào Cản Phi Thuế Quan?
Rào cản phi thuế quan, nhìn ở góc độ tích cực là điều kiện cần thiết các quốc gia nhập khẩu buộc các nước xuất khẩu phải cung ứng sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Ở góc độ khác, nó chính là phương thức để các quốc gia hạn chế nhập khẩu sản phẩm với nhiều lý do khác nhau. Cá tra của các doanh nghiệp An Giang đang gặp phải tình trạng này.
Gia tăng rào cản phi thuế quan
17 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra của tỉnh An Giang đã xuất được 66,7 ngàn tấn sản phẩm trong 5 tháng qua, đạt kim ngạch 156,2 triệu USD (bằng 88,9% về trị giá so cùng kỳ). Cá tra của Việt Nam (VN) đã xuất đi 145 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, điều đó cho thấy, sản phẩm này đã được người tiêu dùng thế giới tin dùng.
Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cá tra VN đạt 1,76 tỷ USD/tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước là 6,7 tỷ USD. Hiện, sản phẩm này gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước nhập khẩu bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc gia tăng rào cảnh phi thuế quan nhằm bảo hộ nền sản xuất trong nước, mà Hoa Kỳ là một điển hình.
Theo đó, 22 DN xuất khẩu cá tra vào Mỹ phải chịu thuế Chống bán phá giá từ 1,2 đến 2,11 USD/kg. Riêng các quốc gia nhập khẩu sản phẩm cá tra đã sử dụng các loại rào cản phi thuế quan để hạn chế đến mức thấp nhất sản phẩm này gia nhập vào thị trường nước họ.
Mới đây, tại hội thảo “Phổ biến quy định của các thị trường xuất khẩu thủy sản” được Hiệp hội Cá tra VN tổ chức tại Cần Thơ, đại diện các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, đã có 49 quốc gia/ tổng số 145 thị trường nhập khẩu thủy sản VN đã dựng lên rào cản kỹ thuật (TBT), rào cản an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thực vật (SPS) nhằm hạn chế sản phẩm cá tra VN nhập vào các nước này. Đây là một trở ngại rất lớn mà các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở An Giang phải đối mặt.
Minh chứng cho điều này, ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững (Hiệp hội Cá tra VN) cho biết, từ năm 1994 trở về trước, các quốc gia tham gia Hiệp định thuế quan và thương mại – GATT đã dùng các loại rào cản, như : Thuế, hạn ngạch (Quota), TBT… để bảo hộ nền sản xuất trong nước thì nay trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, các loại rào cản hạn ngạch, rào cản thuế quan đã bị dỡ bỏ nhưng rào cản TBT, rào cản SPS và các nhóm rào cản khác, như: Chống trợ cấp Chính phủ, chống bán phá giá… không những bị mất đi, mà ngược lại được phép tồn tại nhằm đảm bảo sản phẩm trao đổi giữa các quốc gia có chất lượng tốt, an toàn….
Tự cứu lấy mình
Trở lại với vấn đề chất lượng của các sản phẩm cá tra VN, ông Nguyễn Hữu Khánh, nguyên Chủ tịch Hội Nghề cá VN cho rằng, nếu sản phẩm của các DN xuất khẩu cá tra tốt, giá cả cạnh tranh, được người tiêu dùng các nước chấp nhận thì “không ngại” bất cứ rào cản nào từ các quốc gia nhập khẩu.
Thực tế cho thấy, sản phẩm cá tra Việt Nam chất lượng chưa đúng với những gì mà các DN in trên bao bì để xuất đi các quốc gia trên thế giới. Cụ thể: Tỷ lệ mạ băng và hàm lượng ẩm trong sản phẩm luôn vượt quá tỉ lệ (83%) cho phép.
Ông Lý Bá Hào, Giám đốc Intertek Việt Nam (cơ quan Kiểm nghiệm chất lượng nông-lâm-thủy sản) có trụ sở chính tại Anh Quốc cho biết, từ năm 2008 – 2014, qua kiểm nghiệm mẫu sản phẩm thủy sản của các DN Việt Nam thì tỉ lệ mẫu nhiễm các chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản mà các nước nhập khẩu quy định như Enro (chiếm tỉ lệ 27,2%), Cipro (4,8%) còn cao. Cụ thể, năm 2014, tỷ lệ mẫu nhiễm chiếm 38%/tổng số mẫu kiểm, qua đó cho thấy, chất lượng sản phẩm của các tra VN so với những quy định từ phía các nhà nhập khẩu vẫn chưa như mong muốn.
Để sản phẩm cá tra VN xuất khẩu đi các quốc gia không bị cản trở bởi các rào cản phi thuế quan, một mặt chúng ta phải tiến hành đàm phán về tiêu chuẩn đối với các quốc gia nhập khẩu, mặt khác cần tiếp tục củng cố chất lượng sản phẩm để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng trên thế giới. Cụ thể, trong nuôi trồng, cần thay đổi thói quen canh tác cửa ngư dân.
Về phía doanh nghiệp, không nên sử dụng các loại hóa chất cấm trong quá trình bảo quản và chế biến. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quản lý Nhà nước về chất bảo quản và phụ gia thực phẩm. Tăng cường kiểm soát nguồn nguyên liệu trước khi chế biến. Áp dụng chặt chẽ các chương trình kiểm soát chất lượng kết hợp lấy mẫu kiểm tra định kỳ (bán thành phẩm và thành phẩm). Có như vậy, chúng ta mới hy vọng sản phẩm cá tra VN sẽ vượt qua mọi rào cản để đến với người tiêu dùng thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Theo anh Phan Hồng Phi- Tổ thu mua thủy sản chợ Trà Ôn (Vĩnh Long), từ sau Tết Giáp Ngọ 2014, mỗi ngày tổ mua vào trên 200kg cá bông lau.
Thị trường sữa nguyên liệu thế giới không ổn định đã tác động không nhỏ đến chiến lược kinh doanh của những doanh nghiệp (DN) chế biến sữa.
Máy có thể sạ từ 80-200 công đất/ngày, rất phù hợp cho sản xuất cánh đồng lớn, hợp tác xã hay những nông dân làm trang trại. Nếu muốn sạ thưa có thể điều chỉnh bằng 2 cách: Tăng số cho máy chạy nhanh hơn hoặc hạn chế lượng giống xuống.
Dù phiên biển năm nay xuất phát muộn, nhưng ngư dân miền Trung nhanh chóng vươn khơi đón lộc biển với nhiều tàu trúng đậm cá nục, cá ngừ, cá nhám...
Nhờ đó, nhiều bà con đã tự vươn lên thoát nghèo từ chính công sức của mình mà không phải trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương. Trong đó, mô hình nuôi cá nước ngọt của anh Lương Văn Hợp ở xã Khánh Trung là một điển hình.