Để bơ sáp Mã Dưỡng ra thế giới
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại bơ trái, nhưng giống bơ sáp cao sản Mã Dưỡng là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được Viện Chính sách, pháp luật và quản lý, thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tôn vinh là sản phẩm thương hiệu Việt, chứng nhận huy chương vàng và danh hiệu thực phẩm sạch, an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng năm 2015, được tổ chức cuối tháng 6 vừa qua tại thủ đô Hà Nội với sự chứng kiến và vinh danh của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh.
Thu tiền tỷ từ bơ Mã Dưỡng
Đã là nông dân thì ai cũng có thể trồng được cây bơ. Nhưng khi tận mắt chứng kiến vườn bơ 4,5 ha, 5 năm tuổi đang bước vào mùa thu hoạch, trái to, bóng đẹp, sai trĩu. Mọi người không khỏi cảm phục tài trồng cây, chọn giống và chăm sóc để cho ra sản phẩm bơ sạch, chất lượng cao, mang thương hiệu Mã Dưỡng của anh em họ Dương.
Anh Dương Nhục Sáng chia sẻ: “Cây bơ sáp cao sản Mã Dưỡng từ lúc trồng đến khi ra trái bói là 3 năm. Với cây bơ 3 năm tuổi cho thu hoạch khoảng 1 tạ trái còn đến 5 năm tuổi cho thu khoảng 2,5 - 3 tạ trái. Mỗi năm bơ cho trái 2 đợt. Đợt một khoảng vào tháng 6 âm lịch (mùa thuận) và đợt hai vào tháng 11 âm lịch (mùa nghịch). Nếu mùa thuận, giá dao động từ 45 - 60 ngàn đồng/kg thì mùa nghịch có thể lên đến trên 100 ngàn đồng/kg. Với diện tích sở hữu 7 ha, trong đó 2,5 ha sầu riêng 9 năm tuổi và 4,5 ha cà phê xen bơ sáp cao sản Mã Dưỡng, trừ chi phí mỗi năm anh em nhà họ Dương thu nhập hàng tỷ đồng.
Để sản phẩm đảm bảo chất lượng, uy tín đưa ra thị trường, anh em anh Dương Nhục Sáng đã có sự phân công rạch ròi và rất khoa học. Khi cây chưa đến thời kỳ thu hoạch, hai anh em đều tập trung chăm sóc vườn cây, nhưng đến khi thu hoạch, anh Dương Nhục Sáng là người trực tiếp trông coi vườn và chăm lo việc thu hoạch. Còn anh Dương Mã Dưỡng đi ngoại giao, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tìm đối tác thu mua sản phẩm mà mình đã làm ra. Không chỉ có vậy, ngoài lượng trái bơ thu được từ vườn, để đảm bảo nguồn cung ra thị trường, mỗi vụ, anh em anh Sáng còn thu gom mua khoảng 40 tấn bơ mang thương hiệu Mã Dưỡng mà mình đã dày công gầy dựng hơn 10 năm qua để cung ứng cho thị trường trong Nam, ngoài Bắc.
“Đem chuông đi đánh xứ người”
Hễ ở đâu có tổ chức hội chợ hay các lễ hội liên quan đến trái cây, trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp thì hầu như ở đó đều có sản phẩm của anh em anh Mã Dưỡng. Tại phiên chợ xanh vừa diễn ra ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh là sân chơi, là dịp để tôn vinh nông sản có thương hiệu, góp phần xây dựng thương hiệu Việt thì sự góp mặt của sản phẩm bơ Mã Dưỡng đến từ Bình Phước đã gây không ít ngạc nhiên cho người tiêu dùng. Trong suy nghĩ của nhiều người, trái bơ thường là sản phẩm của các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng. Thế nhưng, khi được biết nguồn gốc, xuất xứ của bơ Mã Dưỡng là sản phẩm đến từ thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân, huyện Bù Gia Mập, họ không khỏi bất ngờ. Chính sự bất ngờ này đã tôn thêm giá trị nông sản của Bình Phước và thương hiệu Việt. Tiến sĩ Triệu Hồng Vân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần vi sinh Thiên Nông (TP. Hồ Chí Minh) nhận định: “Tôi làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu vi sinh vật ở Nhật Bản về. Theo tôi, bơ sáp Mã Dưỡng của Bình Phước trái to, đẹp, ăn ngon, chất lượng đảm bảo, xứng đáng là sản phẩm mang thương hiệu Việt được Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh vinh danh. Những sản phẩm nông sản như thế này cần được quảng bá sâu rộng cả trong và ngoài nước”.
Chính sự năng động, nhạy bén và giàu kinh nghiệm mà anh em anh Dương Mã Dưỡng còn vinh dự được Viện Chính sách, pháp luật và quản lý, thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tôn vinh là “Gương mặt nhà quản lý tài năng trong thời kỳ hội nhập quốc tế” năm 2015.
Có thương hiệu nên đầu ra và giá cả của bơ sáp Mã Dưỡng rất thuận lợi. Hiện nguồn cung ở trong nước vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều mà anh em họ Dương mong muốn nhất là mở rộng thị trường xuất khẩu ra nước ngoài để góp phần khẳng định thương hiệu Việt. Anh Dương Mã Dưỡng cho biết: “Đối tác tự tìm kiếm thì đã có nhiều nhưng khó khăn và vướng mắc nhất là số lượng sản phẩm không đủ để ký kết hợp đồng. Vừa rồi, tôi đã làm việc với rất nhiều đối tác đến từ Singapore, Australia, Mỹ, họ đề nghị ký hợp đồng số lượng lớn. Nhưng khổ nỗi không đủ số lượng nên chúng tôi tạm hoãn với họ. Mong các cấp, ngành của tỉnh sớm tạo điều kiện cho thuê đất hoặc quy hoạch vùng nguyên liệu để chúng tôi hình thành hợp tác xã xuất khẩu bơ sáp Mã Dưỡng ra nước ngoài”.
Cơ hội mới cho trái cây Bình Phước
Trước nguyện vọng chính đáng của anh Mã Dưỡng, ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Phước Tân hứa sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa để bơ sáp Mã Dưỡng ngày càng khẳng định thương hiệu và xem đây là cây trồng chủ lực, thế mạnh của xã trong thời gian tới.
Sản phẩm bơ sáp có chỗ đứng, có thương hiệu trên thương trường không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của riêng gia đình anh em anh Dương Mã Dưỡng mà còn là niềm vui chung của ngành nông nghiệp trong tỉnh. Điều đáng quý hơn, chính bơ sáp cao sản Mã Dưỡng là một trong những sản phẩm có thương hiệu đầu tiên của tỉnh và là trái bơ có thương hiệu Việt đầu tiên ở nước ta.
Mặc dù vậy, để góp phần xây dựng, củng cố thương hiệu, giúp sản phẩm này vươn xa hơn nữa trên thị trường thế giới, chỉ riêng sự phối hợp, hỗ trợ của lãnh đạo và người dân xã Phước Tân là chưa đủ mà rất cần đến sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ và động viên kịp thời từ phía lãnh đạo tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành chức năng. Bởi trên thực tế, xây dựng, khẳng định thương hiệu cho một sản phẩm nông sản đã khó; củng cố, duy trì và phát triển lâu bền thương hiệu lại càng không dễ. Hơn nữa, điều cốt yếu trong xây dựng nông thôn mới là nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân vùng nông thôn thì đây thật sự là một vấn đề lớn, rất cần được các cấp, ngành của tỉnh lưu tâm. Trong đó, bước đi đầu tiên đáng quan tâm nhất là phải xây dựng và khẳng định thương hiệu nông sản mà người nông dân đã một nắng hai sương làm ra, giúp nông sản sạch vươn xa hơn nữa, góp phần xây dựng và khẳng định thương hiệu Việt trên thương trường quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Đó là kết quả khảo sát mới nhất do Hiệp hội Cá tra Việt Nam công bố. Đến tháng 4-2015, địa phương đứng đầu về diện tích thả nuôi cá tra tại ĐBSCL là Đồng Tháp (393 héc-ta, sản lượng 125.362 tấn), kế đến là Bến Tre (221 héc-ta, sản lượng 40.570 tấn), An Giang xếp thứ 3 (170 héc-ta, sản lượng 69.512 tấn), đứng sau là Cần thơ (109 héc-ta, sản lượng 34.552 tấn).
Theo báo cáo của UBND TP Móng Cái (Quảng Ninh), tính đến thời điểm ngày 3-6, diện tích tôm nuôi bị nhiễm bệnh trên địa bàn thành phố là 280,42 ha/1020 ha; số hộ bị ảnh hưởng là 383 hộ.
Sau những cơn mưa đầu mùa, người dân ở các huyện phía đông của tỉnh Tiền Giang soi ếch đồng bán được giá cao kỷ lục so với những mùa mưa trước đây. Hiện một kg ếch ở các chợ xã, huyện trong tỉnh được thương lái thu mua với giá 100.000 - 110.000 đồng/kg, sau đó bán lại với giá từ 130.000 - 150.000 đồng/kg.
Thu nhập 6 triệu đồng/lần xuất chuồng bán là lợi nhuận có được từ mô hình nuôi thỏ New Zealand của anh Hồ Hoàng Tân, khu vực 2, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ (ảnh).
Nghệ An là một trong số ít địa phương có số lượng gấu nuôi nhốt nhiều nhất cả nước vì có lợi nhuận cao. Tuy nhiên, gần đây do nhu cầu dùng mật gấu không còn nhiều, cộng thêm các quy định về quản lý và bảo vệ loài động vật này nên số lượng gấu nuôi giảm nhanh chóng. Điều đáng buồn là số gấu nuôi giảm không phải do được trả về lại môi trường tự nhiên, mà giảm vì bị giết thịt nấu cao…