Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

ĐBSCL Khan Hiếm Tôm Nguyên Liệu, Thương Lái Ép Giá

ĐBSCL Khan Hiếm Tôm Nguyên Liệu, Thương Lái Ép Giá
Ngày đăng: 01/07/2012

Trên địa bàn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang xảy ra tình trạng một số thương lái lợi dụng hiện tượng tôm chết ép giá thu mua, gây thiệt hại cho người nuôi tôm. Tuy nhiên, các cấp chính quyền vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.

Tại Trà Vinh, theo thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, toàn tỉnh có khoảng 8.000 hộ nuôi tôm ở các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành… đang lâm cảnh khốn khó bởi dịch bệnh làm tôm chết kéo dài.

Nhiều hộ nợ các ngân hàng hàng trăm tỷ đồng chưa có phương án trả nợ, có hộ thì trông chờ tỉnh kiến nghị Trung ương khoanh nợ, giãn nợ không tính lãi và tái đầu tư thả nuôi tôm vụ 2. Trong khi đó, một số hộ nỗ lực thả nuôi và đang thu hoạch tôm thương phẩm nhưng khi bán thì bị thương lái và doanh nghiệp chê đủ điều.

Ông Phạm Văn Danh, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang vừa kéo ao thu được 2,6 tấn tôm thương phẩm liền vội vàng chở lên Công ty cổ phần thủy sản Cửu Long ở thành phố Trà Vinh để bán. Tuy đang thiếu nguồn nguyên liệu chế biến, nhưng khi biết tôm nuôi ở vùng dịch bệnh Cầu Ngang, công ty này từ chối không mua. Ông Danh phân trần, vụ tôm sú 2012 ông thả 110.000 con tôm giống, trên diện tích 7000m2, sau hơn 5 tháng chăm sóc, vuông tôm của ông may mắn không bị dịch bệnh tấn công. Cả nhà đều mừng thầm phen này thắng lớn, ai ngờ khi biết tôm nuôi ở vùng dịch nên bị công ty chê tôm “nhiễm độc tố” không mua.

Ông đành ngậm ngùi chở ngược về Công ty cổ phần thủy sản Long Toàn ở huyện Duyên Hải, cách thành phố Trà Vinh 55km, cũng nhận được cái lắc đầu tương tự, tôm vùng dịch không thể chế biến xuất khẩu được nên không mua. “Bí đường” ông lại mang tôm chở ngược lên Trà Vinh bán cho cơ sở thu mua thủy sản tư nhân. Tại đây họ không chê tôm vùng dịch nhiễm độc tố nhưng họ luộc tôm rồi phán một câu xanh rờn “tôm hôi rong” để hạ giá từ 15.000-20.000 đồng so với giá thị trường. Cụ thể, tôm sú loại 20 con/kg có giá 180.000-185.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 120.000-130.000 đồng/kg … Chỉ tính 2,6 tấn tôm bị đánh rớt giá 20.000 đồng/kg, ông Danh mất trắng hơn 50 triệu đồng.

Không riêng ông Danh, mà nhiều hộ nuôi tôm trong vùng dịch bệnh ở huyện Cầu Ngang, Duyên Hải… cũng chịu “vạ lây” tôm nhiễm độc tố, đang “bí” đầu ra. Ông Trần Minh Bảnh, ở xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang bức xúc nói: "Tôi thả 100.000 con tôm hơn 4 tháng tuổi không bị dịch bệnh, đang chờ tôm có giá thu hoạch, nay nghe nói tôm vùng dịch bệnh nhà máy không mua nên rất lo. Chuyện các nhà máy chế biến thủy sản quay lưng với người nuôi tôm thời điểm này là đáng buồn."

Tôm nhiễm độc tố phải được kiểm nghiệm bằng máy móc, trong khi thương lái chỉ xem chủ quan bằng mắt thường rồi phán tôm có “độc tố” một cách rất cảm tính, rất khó chấp nhận và không chia sẻ khó khăn cùng người nuôi. Trong khi các cơ sở chế biến thủy sản tư nhân được dịp “té nước theo mưa,” ép giá tôm xuống thấp khiến người nuôi thiệt trăm bề. Vấn đề này khiến nhiều hộ rất bất bình và chờ mong ngành chức năng can thiệp.

Đem vấn đề bức xúc của người dân về tôm bán không ai mua đến gặp các ngành chức năng, ông Đỗ Văn Khê - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cầu Ngang cho biết, đang chỉ đạo ngành chuyên môn kiểm tra và báo cáo sớm cho Ủy ban Nhân dân huyện để có hướng xử lý.

Theo ông Khê, lâu nay tôm nuôi bị đóng rong hay khi luộc bị hôi mùi rong… và bị các nhà máy chê không mua hoặc giảm giá mua là có xảy ra. Đa phần các doanh nghiệp thu mua tôm về để chế biến xuất khẩu, nên việc tuyển chọn tôm chất lượng tốt mới thu mua là có lý của họ. Vấn đề đặt ra là người dân cần nâng cao ý thức làm ra sản phẩm tốt, sạch bệnh… sẽ dễ trong khâu tiêu thụ.

Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Minh Truyền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho rằng, nếu các nhà máy và thương lái chỉ bằng cảm quan mà nói tôm nuôi ở vùng dịch, khi thu hoạch bị “nhiễm độc tố” là chưa có cở sở khoa học. Muốn biết tôm có bị nhiễm độc tố do dịch bệnh hay không phải lấy mẫu xét nghiệm bằng máy móc. Việc phán xét chủ quan như vậy sẽ gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Cũng tại Trà Vinh, theo ghi nhận của phóng viên thì các hộ nuôi tôm đã thả khoảng trên 250 triệu con tôm sú giống vụ 2, trong nỗi lo lắng khi dịch hoại tử gan tụy trên tôm vẫn chưa có cách ứng phó hiệu quả kèm theo... thiếu vốn.

Tại Cà Mau, người nuôi tôm đang chịu nhiều thua thiệt trước tình trạng thao túng gia thu mua tôm của thương lái. Đây là việc đã và đang diễn ra theo từng vụ mùa thu hoạch tôm nuôi. Ông Trần Văn Đài, một nông dân nuôi tôm ở xã Tân Hưng huyện Cái Nước cho biết, giá thu mua tôm nguyên liệu thay đổi từng ngày, lúc tăng lúc giảm đều do thương lái trực tiếp đi thu mua tự quyền quyết định. Tình trạng này giống như thương lái cầm cán dao, còn người nuôi tôm cầm lưỡi dao, lúc nào cũng thua thiệt và nguy hiểm.

Theo ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản tỉnh Cà Mau, chuyện thương lái ép giá thu mua tôm nguyên liệu là rõ ràng mà hiện nay chưa có biện pháp ngăn chặn. Lẽ ra nông dân trực tiếp bán tôm cho nhà máy, nhưng vì đi lại từ nhà dân tới nhà máy xa xôi nên buộc phải bán cho thương lái trực tiếp tới tận nhà để mua. Thương lái biết được điểm yếu của người nông dân là khi con tôm được đưa lên bờ thì phải bán ngay trong ngày, không thể để ngày hôm sau. Vì vậy khi thương lái thấy tôm trúng mùa lập tức họ hạ giá mua, lúc gặp thất bát thì tăng giá mua. Đây là vấn đề bức xúc đối với người nuôi tôm từ trước đến nay.

Hiện nay mỗi ngày có trên 100 thương lái đến tận nhà để thu mua tôm nguyên liệu của nông dân. Họ mua trả tiền mặt rất sòng phẳng. Giá thu mua của thương lái thường chênh lệch với giá mua của nhà ngày khoảng 10.000 đồng/kg. Trong tuần này tôm cỡ 30 con/kg tại nhà máy mua 120.000 đồng thì thương lái mua 110.000 đồng/kg. Các loại khác cũng có mức chênh lệch tương tự.

Trao đổi với một số giám đốc nhà máy chế biến tôm xuất khẩu được biết, thời gian qua nhiều nhà máy trực tiếp ký hợp đồng với nông dân thông qua các đại lý đi thu mua tôm nguyên liệu, theo đó bà con mang tôm đến tận nhà máy để bán hoặc thông qua đại lý được nhà máy uỷ quyền đi tận nhà dân để mua. Tuy nhiên, khi mua tôm thì có lúc không trả tiền mặt nên bà con đã bán tôm cho thương lái chui, dẫn đến bị ép giá. Để tránh tình trạng này, bà con chú ý nên bán tôm nguyên liệu trực tiếp cho nhà máy hoặc bán cho đại lý là người đại diện cho nhà máy. Về phía nhà máy sẽ cố gắng trả tiền mặt cho bà con, như vậy sẽ có lợi cho 2 nhà: nhà nông và nhà doanh nghiệp.

Tại Tiền Giang, ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh, tôm sú cở 40 con/kg đang có giá 120.000 đ/kg, tôm sú cỡ 30 con/kg đang có giá 150.000 đồng/kg, tôm thẻ cỡ 100 con/kg có giá 70.000-80.000 đồng/kg. Nhìn chung, giá tôm sú, tôm thẻ hiện nay ổn định so với tuần trước còn so với cùng kỳ năm trước có giảm chút ít, khoảng 10%. Giá này, người nuôi có lãi nhưng không nhiều. Ngoài ra, cũng chưa phát hiện tình trạng tư thương “ép giá” tôm tại địa phương.

Thời điểm này, tại Tiền Giang đang bắt đầu thu hoạch rộ vụ tôm nuôi trong năm. Bà con đã thu hoạch được trên 2.900 tấn tôm thương phẩm các loại trong đó có trên 2.353 tấn tôm thẻ, còn lại là tôm sú. Năng suất tôm nuôi thâm canh đạt trung bình 5-6 tấn/ha, quảng canh cải tiến đạt từ 1,5 đến 2 tấn/ ha.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, đến nay, toàn tỉnh thả nuôi 4.179 ha tôm sú và tôm thẻ trong đó có 2.109 ha thâm canh và bán thâm canh, còn lại quảng canh chủ yếu tập trung tại hai huyện ven biển: Gò Công Đông và Tân Phú Đông.

Còn tại Sóc Trăng, đến nay toàn tỉnh đã thả nuôi trên 30.000 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên đã có trên 7.500 ha tôm bị thiệt hại (chiếm 25% diện tích thả nuôi). Nguyên nhân tôm chết hầu hết do có triệu chứng suy thoái, hoại tử gan tụy, cấp tính và bệnh đốm trắng; do nguồn nước ô nhiễm và thời tiết nắng nóng làm biến động lớn các yếu tố môi trường, phát sinh mầm bệnh.

Tình trạng tôm chết nhiều đang làm khó khăn cho người nuôi. Mặc dù tỉnh đã triển khai chính sách bảo hiểm tôm nuôi thí điểm tại một số địa phương trong tỉnh và đã có trên 2.000 hộ nuôi tôm mua bảo hiểm cho diện tích trên 1.300 ha với số tiền khoảng 13 tỷ đồng nhưng theo kế hoạch việc triển khai vẫn chậm. Hầu hết số hộ tham gia bảo hiểm tôm là hộ nghèo (chiếm khoảng 98% tổng số hộ tham gia) do được hỗ trợ số tiền mua bảo hiểm.

Bên cạnh diện tích tôm chết lớn thì tình trạng giá cả tôm nguyên liệu cả tôm sú và tôm thẻ đều giảm ở mức thấp càng đẩy thêm khó khăn cho người nuôi. Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện tỉnh cũng đã thu hoạch được trên 1.000 ha tôm, trong đó có khoảng 600 ha tôm sú và hơn 400 ha tôm thẻ chân trắng. Năng suất tôm sú bình quân hơn 2 tấn/ha và tôm thẻ chân trắng hơn 6 tấn/ha, tương đương với những vụ tôm trước, nhưng giá cả thì đang đứng ở mức thấp, nhiều hộ dù không bị thiệt hại do dịch bệnh nhưng với giá tôm thấp như hiện nay thì hầu như không có lãi, có hộ còn lỗ.

Một số hộ mới thu hoạch tôm sú và tôm thẻ ở Trần Đề và Vĩnh Châu cho biết, giá tôm sú loại 30 con/kg hiện ở mức130-135 ngàn đồng/kg, tương đương với giá thành, có ngày giá xuống còn 125 ngàn đồng/kg thì coi như lỗ (giảm so với cùng thời điểm này năm trước từ 30-40 ngàn đồng/kg). Còn loại tôm thẻ chân trắng cỡ 50-60 con/kg có giá là 90-95 ngàn đồng/kg, 100 con còn 70 ngàn đồng/kg, với mức giá này là thấp hơn trung bình 10% so với thời điểm 1 tháng trước.


Có thể bạn quan tâm

An Giang có diện tích nuôi thủy sản tăng 7,2% An Giang có diện tích nuôi thủy sản tăng 7,2%

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nuôi thủy sản của tỉnh An Giang 6 tháng đầu năm 2015 đạt 1.097 héc- ta (tăng 7,2% so cùng kỳ); thu hoạch 163.898 tấn (tăng 5,2% so cùng kỳ).

29/06/2015
Khai thác bền vững lợi thế hồ sông Đà để phát triển nghề cá Khai thác bền vững lợi thế hồ sông Đà để phát triển nghề cá

Hồ thủy điện Hòa Bình (hồ sông Đà) địa phận tỉnh ta có diện tích mặt nước 8.900 ha thuộc 19 xã của 4 huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Cao Phong, Tân Lạc và TP Hòa Bình, là tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển nghề cá. Tỉnh đã quy hoạch và đang triển khai những giải pháp cụ thể, tạo “cú huých” khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù của vùng hồ phát triển nghề cá theo hướng sản xuất hàng hóa.

29/06/2015
Nuôi cá lồng, hướng đi mới cho nông dân Duy Ninh (Quảng Bình) Nuôi cá lồng, hướng đi mới cho nông dân Duy Ninh (Quảng Bình)

Những năm gần đây, người dân xã Duy Ninh (Quảng Ninh - Quảng Bình) đã biết tận dụng mặt nước của sông Kiến Giang chảy qua địa phương để phát triển nghề nuôi cá lồng. Nghề nuôi cá lồng tuy mới mẻ nhưng hứa hẹn sẽ mở ra một hướng làm ăn mới giúp người dân nơi đây tăng thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống...

29/06/2015
Xúc tiến phát triển nghề nuôi và kinh doanh cá rô phi thương phẩm Xúc tiến phát triển nghề nuôi và kinh doanh cá rô phi thương phẩm

Ngày 25-6, Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tại TP Cần Thơ (KVIP), Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Quốc gia Pukyong Hàn Quốc, Công ty KBOR (Hàn Quốc) phối hợp tổ chức Hội thảo báo cáo sơ bộ việc nuôi thử nghiệm cá rô phi trong ao tại TP Cần Thơ, đồng thời thảo luận về giải pháp xúc tiến canh tác và kinh doanh thương phẩm cá rô phi tại ĐBSCL.

29/06/2015
Nuôi cá bóp trên đảo Nuôi cá bóp trên đảo

Hòn Tre là một trong những hòn đảo nổi tiếng về đánh bắt và nuôi trồng hải sản thuộc huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.

29/06/2015