Nông Dân Trung An Mê Trồng Rau
Mặc dù trời rét như cắt da cắt thịt nhưng bà Vũ Thị Thanh xã Trung An huyện Vũ Thư vẫn không ngại chăm sóc cho mấy sào rau đang lên xanh tốt. Đây cũng chính là những luống rau người nông dân này đã chủ động gieo trồng áng chừng sẽ cho thu hoạch vào đúng dịp tết Nguyên Đán. Bà Thanh nhẩm tính mỗi sào rau cũng cho thu nhập thêm từ 2-2,5 triệu đồng nếu giá vẫn ổn định ở mức 2500-3000đ/kg như thời gian qua.
Trung An là một xã giáp thành phố. Vì vậy, trong sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là vấn đề nhân lực. Nhưng những người nông dân nơi đây không thể bỏ được cây rau vì hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Tại cánh đồng Thôn An Lộc (Trung An) được qui hoạch có diện tích 35 ha chuyên canh rau. Năm nay, nhiều hộ thu nhập không dưới 20 triệu đồng/sào/năm.
Mới 7 giờ sáng, ngoài trời 11-12 độ C mà bà Nguyễn Thị Bê 58 tuổi ở xóm Duy Nhất thôn An Lộc đã ra cắt rau cho kịp bán cho thương lái. Bà cho biết đầu vụ rau được giá, bán được 3 triệu đồng/sào. Sau 1,5 tháng lại ra lứa thứ hai, giá kém hơn thì được 1,5 -2 triệu đồng/sào. Cứ như vậy theo giá thị trường một sào trồng rau xà lách cũng phải thu được không dưới 8 triệu đồng trong vụ đông. Vì vậy, dù có tuổi nhưng đây là nguồn động viên với nông dân để yên tâm sản xuất.
Thời gian gần đây, có rất nhiều nơi vì chạy theo lợi nhuận mà nhiều chủ vườn đã bất chấp cả sự an toàn của người tiêu dùng sử dụng phân tươi, hóa chất, phân bón (chủ yếu là đạm) và các chất điều tiết sinh trưởng bón tưới tràn lan cho rau. Thời gian cách ly cho rau không đủ nên đây là những nguyên nhân nảy sinh nhiều loại bệnh tật, đặc biệt là ung thư rất nguy hiểm. Độc tố tích tụ trong cơ thể theo thời gian mới phát bệnh chứ không thể hiện ngay nên nhiều người rất chủ quan coi như không biết. Không chỉ những người sử dụng mà ngay cả người sản xuất rau cũng bị suy giảm sức khỏe, bệnh tật phát sinh.
Đứng trước vấn đề này, câu hỏi đặt ra là tại sao rau ở Trung An vẫn tiêu thụ được mạnh. Ông Năm- chủ nhiệm HTX cho biết: Để đảm bảo chất lượng, nông dân ở đây tuân thủ theo đúng qui trình kỹ thuật, không dùng chất kích thích mà chỉ dùng phân hoai mục như phân lợn, phân gà mua ở các trang trại về ủ mục.
Các loại phân kể cả phân NPK thường được bón lót cùng với lúc làm đất. Tuyệt đối không bón nhiều đạm (nếu bón đạm là lúc cây rau còn nhỏ), không bón kích thích làm rau xanh non nhiều nước dễ ủng, dập nát khó vận chuyển đi xa được. Ngoài ra, gần 40 chiếc giếng đã được đào sâu để phục vụ trồng rau cho vùng nên bà con không phải lo đi gánh nước ở xa.
Hiện tại Trung tâm KNKNKN Thái Bình đã về tập huấn và hướng dẫn bà con nông dân qui trình sử dụng phân bón vi sinh Azotobacterin cho rau, lúa thay thế phân chuồng. Đây là loại phân có nhiều chủng vi sinh vật có ích làm cho đất tơi xốp, nhiều mùn nên Trung An đã bước đầu áp dụng loại phân này cho vùng trồng rau vừa đáp ứng việc thiếu hụt phân chuồng vừa làm tăng chất lượng sản phẩm.
Rõ ràng, ngoài lợi nhuận thu được, nông dân Trung An còn biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng sản phẩm và giữ vững "thương hiệu" rau quê mình. Tuy chưa phải là toàn bộ qui trình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng tin rằng nếu được đầu tư để rau ngày càng chất lượng hơn thì Trung An sẵn sàng tiếp nhận. Được biết hiện tại chưa đủ rau để cung cấp cho thị trường. Mỗi năm tổ dịch vụ tiêu thụ 3000-4000 tấn rau các loại, đấy là chưa kể xã viên tự bán rau cho các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội...
Những ngày cuối năm trên cánh đồng trồng rau của xã Trung An nông dân đang rất tất bật gieo trồng, chăm sóc những luống rau mới. Những mầm rau vừa lên xanh tốt như gửi gắm ở đó biết bao hi vọng của nông dân khi năm mới sắp đến. Song nói gì đi nữa, khi mà sản xuất nông sản của nông dân vân còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố cung cầu của thị trường thì đầu ra của sản phẩm vẫn còn bấp bênh khó lường trước.
Vấn để đặt ra là cần có định hướng qui hoạch vùng sản xuất hàng hóa khép kín theo tiêu chuẩn rau an toàn, xây dựng được thương hiệu rau sạch cho vùng chuyên canh rau của Thái bình như Trung An, Song An, Hồng Lý, Hồng Phong, Tân Phong... để đầu ra cho hàng nông sản luôn ổn định. Mặt khác cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chính người tiêu dùng có ý thức vệ sinh an toàn thức phẩm. Đây cũng là một yếu tố kích thích sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Lên Tây Nguyên cắm chốt trong rừng cà phê, về đồng bằng đón hoa keo lá tràm, quanh năm sống tạm bợ trong lều tạm. Đấy là cuộc sống của những người nuôi ong lấy mật.
Từ ngày 18/10 đến 20/10/2013, Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Làm vườn và Trang trại TP. tổ chức cho nông dân sản xuất giỏi, Hội viên Hội Làm vườn và khuyến nông viên các quận huyện tham quan mô hình, học tập kinh nghiệm sản xuất trong phát triển rau VietGAP và an toàn thực phẩm, hoa kiểng kết hợp khai thác du lịch sinh thái cộng đồng ở các tỉnh miền Đông Nam bộ qua đó giúp cho nông dân TP.HCM có dịp trao đổi, học tập những mô hình hiệu quả kinh tế cao của các tỉnh về phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương. Trong 03 ngày đoàn được tham quan các mô hình như vườn hoa địa lan Anh Quỳnh với diện tích khoảng 6000m2, 20.000 chậu, 12 giống địa lan các loại được nhập từ các nước như Úc, Nhật…
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản của Bắc Giang rất lớn. Nếu khai thác diện tích mặt nước hợp lý kết hợp đưa giống mới, đầu tư thâm canh, gối vụ thì năng suất, giá trị thuỷ sản sẽ cao hơn rất nhiều.
Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa (Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk góp 95% vốn) vừa triển khai dự án chăn nuôi bò sữa quy mô lớn với hơn 2.490ha đất xây dựng hệ thống chuồng trại và trồng cỏ để cung cấp thức ăn cho 20.000 con bò sữa.
Anh Chu Văn Thủy (trú tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), là ngư dân bắt được con cá lạ cho biết: “Vào khoảng 11 giờ 45 vào trưa ngày 31-10, trong lúc đang kéo lưới đánh cá ngoài khơi cách xã Kỳ Lợi chừng 4 hải lý thì thấy một vật nặng mắc vào lưới, khi kéo lên mới phát hiện vật nặng đó là một con cá rất to và lạ. Lần đầu tiên tôi thấy con cá lạ thế này nên tôi đã báo về cho gia đình tập trung ngư dân trong xã ra bắt. Sau 2 giờ vật lộn mới đưa được cá vào bờ”.