Điểm Tựa Của Nhà Nông
Phía sau câu chuyện nuôi cá bông lau là tâm huyết của các kỹ sư nông nghiệp trẻ cho sự phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của quê hương.
Cá bông lau trước nay được người dân huyện Cần Giờ, TP.HCM xem là đặc sản của quê mình, bởi loại cá này cho thịt thơm ngon và có giá trị kinh tế cao. Khi mọi người đổ xô đi đánh bắt thì nguồn cá này hiếm dần trong tự nhiên, nên nhiều người nuôi trồng thủy sản ở Cần Giờ đã đưa giống vào ao nuôi dưỡng.
Làm nghề bền vững
Ao cá bông lau với diện tích 5.000m2 được lão nông Nguyễn Thanh Bình (tổ 3, ấp Long Thạnh, xã Long Hòa) đầu tư chăm sóc hơn hai tháng nay. Đây là ao nuôi được hưởng 40% kinh phí đầu tư theo chương trình khuyến nông tại địa phương.
“Loại cá này thịt ngon, bán được tiền nhưng đi bắt trong tự nhiên số lượng ngày càng ít nên tui chuyển hướng sang nuôi ao”, ông Bình cho hay.
Biết được thông tin huyện đang có chương trình nuôi thử nghiệm cá bông lau nên ông Bình đăng ký để được hỗ trợ con giống và thức ăn. Ngoài ông Nguyễn Thanh Bình, gần 20 hộ khác như các ông Đặng Văn Út (xã An Thới Đông), Võ Văn Bình (xã Lý Nhơn)... cũng tiến hành nuôi cá bông lau trong ao. Đây được xem như cách chuyển hướng làm ăn mới sau các vụ nuôi tôm thất thu liên tiếp những năm gần đây của bà con nông dân Cần Giờ.
“Cá bông lau khô giờ bán trên 200.000 đồng/kg, bán tươi 70.000-80.000 đồng/kg. Loại này dễ sống, sau mười tháng là cho thu hoạch. Các ao nuôi tôm cũ vẫn có thể cải tạo để nuôi cá bông lau”, ông Bình nói.
Người trẻ góp sức cho quê nhà
Mấy hôm nay kỹ sư nông nghiệp Võ Văn Phẳng luôn tất bật với công việc hỗ trợ các nhà nông thu hoạch thủy sản. Chàng trai sinh ra và lớn lên tại huyện Cần Giờ này tốt nghiệp Đại học Nông lâm năm 2005, về quê làm việc tại Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn từ năm 2006 đến nay.
“Khi mình vào đại học là lúc ở quê nhiều người dân phải điêu đứng vì các vụ tôm dịch bệnh”, Phẳng nhớ lại. Suy nghĩ tìm những mô hình nuôi trồng mới luôn thôi thúc Phẳng trong thời gian anh đi học và cả những chuyến về thăm nhà.
Từ động lực đó nên khi được nhận vào làm tại Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phẳng cùng các đồng nghiệp trẻ khác hoàn thiện nhiều mô hình nuôi trồng mới, cung cấp thông tin thị trường và kỹ thuật nuôi cho bà con.
Các mô hình nuôi hàu, vọp, cá bông lau của anh và đồng nghiệp được nhiều người dân tìm đến học kỹ thuật. Một số nhà nông ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang nghe tiếng cũng tìm đến xin chuyển giao mô hình nuôi trồng.
“Người dân vốn đã quen với những cách làm ăn cũ như nuôi tôm nên khi có mô hình mới thì mô hình đó phải có sức thuyết phục từ khâu đầu vào con giống, cách nuôi hiệu quả cũng như đầu ra sản phẩm”, chàng kỹ sư 28 tuổi cho hay.
Trong quá trình hoàn thiện mô hình nuôi cá bông lau, Võ Văn Phẳng cùng đồng nghiệp lặn lội đi An Giang tìm nguồn giống chất lượng, giá rẻ ổn định. Phương pháp cải tạo ao nuôi, kỹ thuật nuôi cá trong ao cũng được cả nhóm bàn bạc, viết thành cẩm nang để người nông dân dễ thực hiện.
Những ngày gần tết này, Võ Văn Phẳng và nhiều kỹ sư nông nghiệp trẻ khác khá bận rộn với công việc hỗ trợ người dân chăm sóc ao nuôi thủy sản ở giai đoạn cuối và tham gia tư vấn việc thu hoạch cho bà con.
Chỉ sợ mất chữ tín với dân
Mô hình nuôi thử nghiệm cá bông lau trong ao trên địa bàn huyện Cần Giờ của Võ Văn Phẳng và các kỹ sư khác là Hoàng Minh Trường, Nguyễn Thành Nhân cùng các kỹ thuật viên Nguyễn Ngọc Nho, Phạm Thanh Tuấn thực hiện thành công đã đoạt giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM năm 2009.
Đề tài giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi cá dứa (cá bông lau khi còn nhỏ) của Phẳng và nhóm đồng nghiệp vừa vào vòng chung khảo một cuộc thi cấp thành phố nhưng anh không thể đến tham dự thuyết trình đề tài.
“Ngày hôm đó có người dân thu hoạch nên không tham gia thi được. Không đi thi thì ngại cấp trên phê bình, còn đi thì mất chữ tín với người dân vì mình đã cùng họ chăm sóc ao suốt năm, nay thu hoạch lỡ xảy ra sự cố gì trở tay không kịp. Mình chỉ sợ không làm việc được với dân thôi”, người con của huyện Cần Giờ nói.
Có thể bạn quan tâm
Con bò cái “đặc biệt” của gia đình ông Cao Xuân Sơn, trú tại xã Sơn Lễ (Hương Sơn - Hà Tĩnh) vừa sinh 2 con bê con cùng một lúc. Sự kiện hy hữu này đã thu hút rất nhiều người dân hiếu kỳ đến xem.
Huyện Cờ Đỏ là một huyện vùng sâu, và có diện tích ương cá tra giống lớn nhất của TP Cần Thơ. Những năm trước, cá tra có giá nên diện tích ương giống cá tra tăng lên nhanh chóng, không theo qui hoạch và khuyến cáo của ngành chức năng. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, cá tra rớt giá thê thảm, những hộ ương nuôi cá tra lỗ nặng, nợ nần chồng chất. Do đó người nuôi phải lựa chọn đối tượng nuôi ít rủi ro và cho lợi nhuận cao. Mô hình nuôi ghép cá sặc rằn với cá thát lát cườm được bà con chọn lựa, bước đầu mang lại thu nhập khá hấp dẫn.
Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TX Sông Cầu (Phú Yên) từ đầu năm đến nay có nhiều thuận lợi, các đối tượng nuôi đều phát triển tốt, bệnh trên tôm hùm nuôi cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, hiện việc nuôi trồng thủy sản chưa phát triển bền vững, môi trường nhiều vùng nuôi bị ô nhiễm…
Với đàn chim trĩ gần 100 con, trong đó có 60 chim mái đang trong giai đoạn đẻ trứng, sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận mỗi năm từ việc bán con giống và chim trưởng thành ước từ 70 - 100 triệu đồng/năm.
Không có ngành, lĩnh vực nào phát triển “thần tốc” như ngành sản xuất cá tra. Nó đã từng giúp cho hàng ngàn nông dân trở nên giàu có, hàng trăm doanh nghiệp (DN) ăn nên làm ra, giúp ngành thủy sản cả nước luôn giữ tốc độ phát triển cao, trong khoảng 10 năm (2002- 2012).