Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thuỷ sản
Đến thăm khu vực nuôi trồng thuỷ sản của Công ty CP Nuôi trồng thuỷ sản Tân An tại phường Tân An, anh Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty cho biết: Năm nay, Công ty thả nuôi tôm trên 35ha theo hình thức rải vụ, vừa có tôm thu hoạch, vừa đồng thời thả nuôi trên những diện tích vừa thu hoạch xong. Đây là một cách làm đã được Công ty áp dụng nuôi trong vài năm gần đây nhằm hạn chế rủi ro do dịch bệnh, thời tiết. Đến nay, Công ty đã thu hoạch được hơn 120 tấn tôm thương phẩm. Từ nay đến cuối vụ, Công ty sẽ thu hoạch khoảng 100 tấn tôm. Không chỉ nuôi tôm, Công ty còn nuôi hàu cửa sông với 40 bè nuôi dự kiến vụ nuôi hàu năm nay doanh thu của Công ty đạt gần 50 tỷ đồng. Hiện nay ngoài cung cấp cho thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, hàu cửa sông của Công ty CP Thuỷ sản Tân An sản xuất còn xuất khẩu sang Trung Quốc với số lượng ổn định.
Theo phòng Kinh tế TX Quảng Yên trong vụ nuôi năm 2014, sản lượng thủy sản trên địa bàn TX Quảng Yên đã đạt được 9.040 tấn, tăng cao so với kế hoạch đề ra. Để tiếp tục duy trì và nâng cao sản lượng năm nay, thị xã chỉ đạo việc nuôi thả theo phương châm: Đa dạng các đối tượng nuôi nhằm hạn chế rủi ro, đồng thời chú trọng đến một số đối tượng nuôi chính có giá trị kinh tế cao như: Cua biển, tôm thẻ chân trắng và tôm sú, hầu, hà, cá rô phi đơn tính. Bên cạnh đó, thị xã cũng khuyến khích phát triển thêm diện tích nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh; đánh giá một số mô hình nuôi mới, phục vụ cho công tác chỉ đạo mở rộng phát triển sản xuất và thị trường. 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn thị xã đưa vào nuôi thả 420 triệu con giống thủy sản và hàng trăm triệu giống nhuyễn thể trên tổng diện tích 7.129,8ha, trong đó 6.400ha nuôi nước lợ, 800ha nuôi nước ngọt, 300ha diện tích nuôi hầu, hà sú, 121ha nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng.
Là một trong những vùng nuôi tôm lớn của tỉnh, trước đây, cũng giống như Hạ Long, Tiên Yên, nuôi tôm ở Quảng Yên chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến là chính, đối tượng chủ yếu là tôm sú và tôm rảo, năng suất sản lượng đạt thấp. Nhưng từ năm 2003, Quảng Yên đưa giống tôm thẻ chân trắng vào nuôi thử nghiệm. Theo đó, đến nay thị xã đã tạo ra những vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung có quy mô lớn tại Minh Thành, Tân An… Công nghệ nuôi cũng được áp dụng những tiến bộ KHKT như nuôi trong nhà bạt, sử dụng vi sinh, quạt nước, sục khí bằng những thiết bị hiện đại… Theo đó, năng suất, sản lượng tăng lên rất cao, có thể đạt tới 20 - 30 tấn/ha/vụ ở các doanh nghiệp, hộ gia đình nuôi với quy mô lớn và áp dụng KHCN hiện đại. Mặc dù từ đầu năm đến nay đã xuất hiện dịch bệnh, song vụ nuôi này Quảng Yên vẫn được mùa tôm. Tính đến thời điểm này, toàn thị xã đã thu hoạch được hơn 3.770 tấn, đạt 41,7% so với kế hoạch năm và tăng 48,9% so với cùng kỳ.
Nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản nên thị xã đã kịp thời phát hiện và xử lý dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan. Đồng thời, triển khai hiệu quả các chính sách, chế độ hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển xa, nên sản xuất ngành Thuỷ sản trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn thị xã duy trì và phát triển cả về giá trị và quy mô sản xuất. Sản lượng thuỷ sản đạt 10.037 tấn, bằng 45,5% kế hoạch, tăng 12,9% so cùng kỳ.
Trong đó: Khai thác 6.191 tấn, đạt 47,6% kế hoạch và nuôi trồng 3.846 tấn, tăng 152,3% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất 123 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch, tăng 4,2% so cùng kỳ, chiếm 38,2% giá trị ngành nông nghiệp. Để đạt được kết quả trên, năm nay thị xã đã xây dựng quy chế quản lý giống, vùng nuôi và cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn; thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về chất lượng giống thủy sản, vật tư, hóa chất, thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản; con giống nhập về được kiểm dịch hoặc tái kiểm dịch.
Mặt khác, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả những cơ chế, chính sách như hỗ trợ 50% giá giống, 100% phí kiểm dịch giống cho hộ nuôi trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Khoa học Kỹ thuật và Sản xuất Giống thủy sản Quảng Ninh, Viện Nghiên cứu NTTS I thực hiện quan trắc cảnh báo môi trường, bệnh dịch ở các vùng nuôi trọng điểm và các cửa cống, cửa sông chính phục vụ các vùng nuôi; phục vụ dự tính, dự báo về môi trường, bệnh dịch trong nuôi trồng thuỷ sản từ đó kịp thời có biện pháp phòng ngừa, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Theo dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với mức thuế rà soát hành chính lần thứ chín (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh so với POR8, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ trong những tháng cuối năm sẽ khởi sắc, sau khi sụt giảm trên 50% trong Tám.
Ngành chăn nuôi Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về cạnh tranh bởi một trong những lý do cơ bản là chúng ta vẫn chưa thể chủ động được thức ăn chăn nuôi và giá thức ăn còn quá cao.
20 năm là khoảng thời gian quá dài để có thể đánh giá những được - mất mà mô hình tôm – lúa mang lại. Những cách làm hay, những kinh nghiệm qua các lần thất bại, cùng những đề xuất, kiến nghị của những người trong cuộc sẽ là bài học bổ ích cho việc tái cơ cấu sản xuất vùng tôm – lúa ở Sóc Trăng được hiệu quả và bền vững hơn.
Nghiên cứu tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến Việt Nam các tác động vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi do TS Nguyễn Thị Thu Hằng đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) trình bày tại Diễn đàn Chính sách nông nghiệp Việt Nam số 4 ngày 8-9 tại Hà Nội cho thấy, ngành chăn nuôi trong nước có xu hướng bị thu hẹp sản xuất khi đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt đến từ các nước TPP, đặc biệt là đối với ngành thịt.
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại nông nghiệp với tỷ lệ 1/500.