Đẩy Mạnh Luân Canh Tăng Vụ Ở Đông Hà
Những ngày này, trên khắp cánh đồng của thôn Nà Sài, xã Đông Hà (Quản Bạ) diện tích ngô Đông - xuân sớm sắp được thu hoạch thì mạ nền đã sẵn sàng cho một vụ lúa Hè - thu. Mùa nào thức ấy, khi lúa ngoài đồng thu hoạch song cũng là lúc giống khoai tây, rau đậu các loại được chuẩn bị sẵn chỉ chờ đem ra đồng trồng vụ Đông...
Cứ như vậy luân canh, gối vụ không để cho đất nghỉ, cùng với sự cần mẫn của người dân, năng suất nông sản đều cao hơn so với trước, thu nhập ổn định, đời sống của bà con trong xã được nâng cao.
Nhờ luân canh tăng vụ đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.
Với địa hình thuận lợi cho việc buôn bán trao đổi hàng hóa, xã Đông Hà khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyên canh hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2013, xã được huyện Quản Bạ triển khai mô hình luân canh ngô, lúa, khoai tây với 5 ha tại thôn Nà Sài.
Qua gần 2 năm triển khai, mô hình này đã được người dân trong xã hưởng ứng vì đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp nông dân giảm được chi phí đầu tư, tăng năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.
Người dân trong xã thấy được hiệu quả từ luân canh tăng vụ từ mô hình điểm nên đến nay, 80% người dân của thôn Nà Sài và hơn 40% hộ gia đình của các thôn khác trong xã đã khai thác tối đa diện tích đất và tăng hệ số quay vòng sử dụng đất theo hình thức luân canh gối vụ, nhằm tăng thu nhập. Cùng với việc đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, người dân còn lựa chọn những giống lúa, ngô tốt đưa vào gieo trồng.
Nhờ thực hiện tốt các biện pháp luân canh, vụ ngô Đông sớm năm 2013 năng suất đạt 52 tạ/ha, lúa Hè - thu đạt 77 tạ/ha, khoai tây vụ Đông đạt 15 tấn/ha. Bên cạnh trồng ngô người dân còn trồng xen canh bí, rau màu các loại.
Đang thu hái rau và quả bí chuẩn bị cho các thương lái vào tận chân ruộng để thu mua, chị Cao Thị Yêm, thôn Nà Sài hồ hởi: “Gia đình có 5000m2 đất ruộng. Thực hiện chủ trương luân canh tăng vụ của xã, trên diện tích đó, chị đã trồng ngô xen canh thêm rau bí.
Vụ Đông năm trước, gia đình trồng tất khoai tây, thu hoạch bán cho thương lái với giá 15 nghìn đồng/kg nên cũng có một khoản thu đáng kể”. Anh Bùi Văn Học, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Từ thôn Nà Sài, hiện nay mô hình luân canh, gối vụ đã được nhân rộng ra một số thôn khác của xã và đã cho những hiệu quả rõ rệt.
Cùng với việc khuyến khích luân canh tăng vụ, mở rộng diện tích cây màu, xã còn có nhiều cơ chế hỗ trợ nông dân như phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn về các chương trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng để nhân ra diện rộng”...
Nhữngkết quả đạt được từ luân canh tăng vụ đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã phát triển, bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng, thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/người/năm, bình quân lương thực 650 kg/người/năm.
Nhờ đó, nhận thức của từng hộ dân trong xã đã được nâng lên, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà tự thân vận động, sáng tạo trong bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình, nhất là chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Đặc biệt, bà con nhân dân đã tích cực đóng góp tiền của, ngày công lao động để nạo vét, tu sửa kênh mương, đảm bảo đủ nước tưới trong mùa khô và kịp thời tiêu úng trong mùa mưa và làm đường giao thông nông thôn tại các thôn bản.
Tính đến thời điểm này, xã đã thực hiện giải phóng mặt bằng để làm đường bê tông nông thôn tổng là 4.500m tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển vật tư, phân bón và thu hoạch nông sản, trao đổi hàng hóa của nhân dân, góp phần hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới.
Những ruộng ngô sớm đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch, hứa hẹn một mùa vụ bội thu. Thành quả ấy không chỉ là thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang về cuộc sống ấm no cho người dân mà đang góp phần vào sự phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng hàng hóa trên địa bàn huyện.
Vượt qua những cơ cực của nghề nông, người dân Đông Hà vẫn luôn gửi niềm tin vào đất, thủy chung với đồng ruộng quê mình, biến khó khăn thành những cơ hội để phát triển.
Có thể bạn quan tâm
NAFIQAD cho biết, đã yêu cầu các Chi cục, cơ quan quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát danh sách các cơ sở thu mua, sơ chế nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên địa bàn để tổ chức kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP theo đúng quy định; tập trung vào các cơ sở cung cấp cho DN chế biến XK. Các đơn vị nhanh chóng hướng dẫn cơ sở khắc phục các sai lỗi (nếu có).
Nằm ở khu vực đầu nguồn sông Tiền, phía Bắc tiếp giáp tỉnh Preyveng - Campuchia, từ nhiều năm qua, chợ Hồng Ngự giao thương mua bán, trao đổi hàng hóa qua lại nhộn nhịp, đặc biệt hàng hóa nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng...
Cùng đồng lòng xây dựng HTX Lộc Phát ở xã Phú Hội, Đức Trọng, hơn chục hộ nông dân đã tạo nên một chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ 2 sản phẩm chủ lực là nấm bào ngư và xà lách xoong. Vượt qua những khó khăn ban đầu, Lộc Phát đang trên đường cải thiện thu nhập cho từng hộ gia đình thành viên.
Ngày 7/7, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy An (Phú Yên) tiến hành thả nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong ao đất tại hộ ông Huỳnh Thanh Hoài ở thôn Phú Long, xã An Mỹ. Đây là mô hình được chọn làm điểm trình diễn, nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm cho nông dân có nhu cầu nuôi loại cá này.
Cánh đồng cấy lúa, trồng màu thôn Hòa An, xã Hợp Đức (Tân Yên) rộng hơn 1 ha động mưa là ngập. Chị Nguyễn Thị Trường, người dân trong thôn cho biết: “Trước đây, tiêu nước cho cánh đồng là cả vùng trũng rộng. Thế nhưng từ năm 2008, lưu vực này được giao cho người dân thầu ao nuôi cá nên chỉ còn một rãnh nhỏ thoát nước. Cống tiêu lại đặt ở vị trí ngang bằng với mực nước trong ao nên mỗi khi mưa xuống nước ứ đọng, dềnh vào ruộng. Từ đó đến nay, các hộ chỉ cấy ăn chắc vụ lúa xuân còn lúa mùa thì phụ thuộc vào thời tiết”.