Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đẩy Mạnh Khuyến Ngư, Ứng Dụng Tiến Bộ Kỹ Thuật Trong Nuôi Cá Lồng

Đẩy Mạnh Khuyến Ngư, Ứng Dụng Tiến Bộ Kỹ Thuật Trong Nuôi Cá Lồng
Ngày đăng: 04/08/2014

Phú Thọ là tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển nghề nuôi cá lồng với hệ thống sông, ngòi, hồ đập phong phú. Phong trào nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh từ năm 2003 song có xu hướng giảm mạnh trong những năm gần đây.

Nguyên nhân do tập quán nuôi cá lồng của người dân còn lạc hậu: Lồng nuôi chủ yếu đóng bằng tre, thể tích nhỏ (dưới 20m3), không thoáng, khó vệ sinh, quá trình đánh bắt để kiểm tra, thu hoạch cá dễ bị xây sát; đối tượng nuôi chủ yếu là cá trắm cỏ, mật độ nuôi thấp, chi phí nhân công lớn, vào các thời điểm giao mùa, cá dễ bị nhiễm bệnh và có thể chết hàng loạt.

Tuy nhiên, từ năm 2012 trở lại đây, nghề nuôi cá lồng bắt đầu phục hồi và có bước phát triển mạnh mẽ theo hướng đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới từ việc làm lồng nuôi (lồng lưới, thể tích trung bình 100m3); đối tượng nuôi đa dạng, chủ yếu là các giống mới, giống đặc sản cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao (rô phi đơn tính, rô phi diêu hồng, chép lai, lăng, chiên, trắm đen...).

Tính đến hết năm 2012, tổng số lồng nuôi trên địa bàn là 374 lồng, chủ yếu là lồng cũ, tổng thể tích nuôi lồng 7.480m3, năng suất trung bình đạt 18,8 kg/m3, sản lượng nuôi đạt 141 tấn. Năm 2013, tổng số lồng nuôi đạt 387 lồng (trong đó có 107 lồng lưới), tổng thể tích nuôi 16.300m3, năng suất trung bình đạt 42,6 kg/m3, sản lượng nuôi lồng đạt 694 tấn.

Tính đến tháng 6/2014, số lồng trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng lên đạt 485 lồng tổng thể tích nuôi 31.000m3; ước tính hết năm 2014 tổng số lồng trên địa bàn tỉnh đạt 580 lồng (trong đó 300 lồng lưới: Sông Đà 60 chiếc; sông Lô 46 chiếc; sông Bứa 166 chiếc; 28 chiếc trong hồ chứa tại Hạ Hòa, Tam Nông), tổng thể tích nuôi ước đạt 35.600m3, năng suất trung bình đạt 61,2 kg/m3, sản lượng cá lồng đạt 2.200 tấn (tăng 15 lần so với năm 2012).

Để đạt được kết quả như trên là nhờ các cấp, các ngành của tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo xác định sản xuất thủy sản là một chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về đào tạo, tập huấn cho cán bộ khuyến nông, xây dựng các mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, quy trình kỹ thuật nuôi; sự nỗ lực vượt khó của người nông dân, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất.

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự phục hồi và phát triển nghề nuôi cá lồng tại tỉnh Phú Thọ là công tác khuyến ngư, công tác quản lý nhà nước được Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể:

Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm nuôi cá lồng cho lãnh đạo UBND huyện và cán bộ khuyến nông huyện, xã, người dân các địa phương có tiềm năng mặt nước.

Thông qua hoạt động tham quan mô hình, lãnh đạo các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, lồng ghép các nguồn vốn (vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn chương trình 135, vốn từ ngân sách huyện,...) để hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình.

Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong việc tập huấn TOT về nuôi cá lồng cho cán bộ khuyến nông cơ sở. Tổ chức hội thảo kỹ thuật nuôi cá lồng, kỹ thuật làm lồng, chuẩn bị giống, đầu tư thâm canh, phòng trị dịch bệnh theo quy trình kỹ thuật nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn kỹ thuật đã góp phần nâng cao trình độ tay nghề, tích lũy kinh nghiệm nuôi cá lồng để người dân mạnh dạn đầu tư thâm canh.

Chi cục Thủy sản đã chủ động tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT, hướng dẫn các địa phương xây dựng 3 dự án nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa theo hướng cận đô thị giai đoạn 2014 - 2015, quy mô hỗ trợ phát triển 80 lồng trên sông Đà, 60 lồng trên sông Bứa, 80 lồng trên sông Lô tại Thanh Thủy, Tam Nông, Đoan Hùng với tổng số vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh là 3,075 tỷ đồng.

Đẩy mạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thức ăn, thuốc, hóa chất xử lý môi trường, phòng trị dịch bệnh thủy sản xây dựng thị trường, mở rộng mạng lưới cung ứng, giới thiệu sản phẩm, chăm sóc khách hàng, đồng hành cùng người dân, góp phần hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật đầu tư thâm canh, phòng trị dịch bệnh thủy sản cho người nuôi cá lồng.

Để tránh tình trạng phát triển ồ ạt, cục bộ mang tính tự phát công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nuôi cá lồng trên địa bàn được tăng cường, Chi cục Thủy sản đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quy định thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận đăng ký bè cá trên sông làm cơ sở để quản lý và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện.

Sau 3 năm phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ theo hướng mới đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét cho người dân, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, để nghề nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa phát triển một cách bền vững, thời gian tới Chi cục Thủy sản  tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến ngư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, nuôi cá lồng.

Tham mưu, đề xuất Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ban hành các quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật với hình thức nuôi lồng trên sông và hồ chứa để các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức sản xuất; quy định cụ thể về thủ tục cấp phép nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa đảm bảo thuận lợi cho người dân.

Tăng cường quản lý hoạt động xả thải của các nhà máy công nghiệp, nhất là các tỉnh phía thượng nguồn; có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân phát triển nghề nuôi cá lồng: Thủ tục vay vốn, bảo hiểm sản xuất, máy chế biến thức ăn quy mô nhỏ, đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình, thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm cá lồng giữa các tỉnh phía Bắc.


Có thể bạn quan tâm

Lên Rừng Trồng Nấm Lên Rừng Trồng Nấm

Được hai ông bạn cùng ở ngoại thành Hà Nội, một là nông dân ở Thạch Thất và một là thạc sỹ, giảng viên Đại học Lâm nghiệp ở Xuân Mai (Chương Mỹ) rủ cùng làm nấm, tôi bảo: Tôi chỉ biết đánh “võ mồm” thôi, ngoài ra chẳng biết gì sất.

11/06/2012
Ba Giống Ngô Việt Nam Cho Vụ Đông Ba Giống Ngô Việt Nam Cho Vụ Đông

Năm 2011 do tác động của điều kiện thời tiết nên kéo dài thời gian sinh trưởng của lúa xuân từ 10-25 ngày, ảnh hưởng lớn tới lịch gieo cấy lúa hè thu, lúa mùa cũng như thời vụ vụ đông. Tại hội nghị tổng kết sản xuất vụ đông năm 2010 và triển khai kế hoạch vụ đông năm 2011 của các tỉnh, thành phố phía Bắc diễn ra tại Vĩnh Phúc

22/09/2011
Giống Sắn KM140 Không Nhiễm Bệnh Chổi Rồng Giống Sắn KM140 Không Nhiễm Bệnh Chổi Rồng

Theo Chi cục Bảo vệ Thực vật Phú Yên, kết quả giám định của Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) giống sắn KM140 đang trồng ở Phú Yên không nhiễm bệnh chổi rồng.

11/06/2012
Gần 10 Tỷ Đồng Từ Nhãn Chín Muộn Gần 10 Tỷ Đồng Từ Nhãn Chín Muộn

Vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay chúng tôi về xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội khi bà con nông dân đang hối hả thu hoạch vụ nhãn muộn thắng lợi. Nhãn chín khắp các vườn nhà trong thôn, nhãn khoe sắc vàng trên những tán cây xanh dọc theo con đê quanh làng, nhãn được đóng thùng xốp để xếp lên các xe tải cỡ lớn chờ vận chuyển đi vào các tỉnh phía trong...

30/09/2011
Người Nuôi Tôm Việt Nam Cần Hướng Đến Nguồn “Thức Ăn Xanh” Người Nuôi Tôm Việt Nam Cần Hướng Đến Nguồn “Thức Ăn Xanh”

Đó là chia sẻ và cũng là tâm huyết của ông Liu Yi Sung - Phó Tổng giám đốc Công ty Grobest, một công ty sản xuất thức ăn cho tôm lớn tại Việt Nam và ông cũng là người đã có khoảng thời gian dài gắn bó với ngành thủy sản Việt Nam.

14/06/2012