Đẩy Mạnh Dịch Vụ Hỗ Trợ Sản Xuất
HTX Nông nghiệp thị trấn Chí Thạnh (HTX Chí Thạnh) đang duy trì 7 hoạt động dịch vụ hỗ trợ sản xuất, phục vụ các thành viên của HTX.
Hiện HTX Chí Thạnh quản lý 706ha diện tích gieo trồng. Các hoạt động dịch vụ chính của HTX gồm giao thông nội đồng, thủy lợi, bảo vệ thực vật, làm đất, thu hoạch, tín dụng nội bộ, khuyến nông. Tổng doanh thu của HTX hơn 400 triệu đồng/năm, trong đó, chi phí đã hơn 320 triệu đồng/năm.
So với nhiều HTX khác thì doanh thu của HTX Chí Thạnh chỉ ở mức trung bình, tuy nhiên nhờ làm tốt các dịch vụ này mà năng suất lúa của bà con tăng lên mỗi vụ, chi phí giảm, kinh tế hộ phát triển.
Ông Ngô Trọng Hiếu, Giám đốc HTX Chí Thạnh, cho biết: Vụ hè thu 2014, thành viên HTX cấy lúa trên diện tích 136ha. Sau 10 ngày gieo sạ, HTX đã chủ động chống hạn bằng cách tập trung làm tốt công tác thủy lợi nội đồng. Trong đó, HTX xây mới trạm bơm Hòa Đức, nâng cấp đường dây điện thuộc hệ thống bơm Đá Bàn, nâng số trạm bơm do HTX quản lý lên 6 trạm.
Để đảm bảo nước tưới khi gặp thời tiết khô hạn kéo dài như năm nay, HTX đã phải cắt cử người vận hành, đảm bảo không xảy ra sự cố khi cần hoạt động với công suất tối đa. 12km kênh mương nội đồng cũng được nạo vét, nâng cấp ngay từ đầu vụ. Đến nay, 30ha diện tích bị thiếu nước đã được HTX khắc phục, đưa nước kịp thời tới các chân ruộng, không có diện tích nào bị mất trắng.
Phòng trừ sâu bệnh, giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng hạt lúa là mục tiêu mà HTX Chí Thạnh định hướng cho thành viên HTX. Để nâng cao nhận thức và hướng dẫn người dân cách làm, HTX đã vận động thành viên tham gia mô hình “Công nghệ sinh thái và giảm thiểu nguy cơ thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp”.
Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tuy An, từ tháng 5/2014, đơn vị đã phối hợp với HTX Chí Thạnh triển khai mô hình trồng hoa xuyến chi trên bờ ruộng. Mô hình này nhằm tạo môi trường trú ẩn cho các thiên địch như nhện, bọ rùa đỏ, chuồn chuồn…
Từ đó tạo ra tác nhân phòng trừ sâu hại mà không cần dùng hoặc dùng lượng tối thiểu thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, hướng dẫn cho nông dân cách thu gom, tiêu hủy an toàn bao bì, chai thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng; nâng cao ý thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Mô hình đã thu hút 50 thành viên HTX tham gia.
Ngày đầu ra quân đã trồng được 1.000 cây hoa xuyến chi trên bờ ruộng. Ông Nguyễn Minh Thanh, thành viên HTX, chia sẻ: Mô hình này giúp tôi sử dụng đúng cách và giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này có nghĩa là giảm được 50% chi phí sản xuất, đồng thời còn giữ được chất đất, hạt lúa đạt giá trị cao. Tôi và nhiều thành viên HTX mong muốn mô hình này được nhân rộng và phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, HTX Chí Thạnh còn hỗ trợ cho thành viên vay vốn để phát triển chăn nuôi. Nhờ vậy, đến nay, thành viên HTX phát triển được tổng đàn bò 1.300 con, đàn heo 500 con, đàn dê 200 con, thỏ 150 con, nai 6 con và đàn gia cầm 20.000 con.
Theo ông Phạm Trọng Yêm, Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, nhiều năm qua, HTX Chí Thạnh lấy phục vụ lợi ích xã viên làm mục tiêu hoạt động. Nhờ vậy mà thành viên HTX sản xuất đạt hiệu quả, đa dạng hóa vật nuôi, tạo thu nhập ổn định.
Đây là hướng đi đúng theo tinh thần của Luật HTX 2012 mà Ban chỉ đạo chuyển đổi hoạt động của các HTX đang hướng tới. Thời gian tới, HTX Chí Thạnh cần nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ hỗ trợ sản xuất để thu hút nhiều người sử dụng dịch vụ, từ đó tạo ra lợi nhuận cho HTX.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2014, Trung tâm đã tiến hành xây dựng mô hình cho 35 hộ chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học tại các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Thạch Thất, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Sơn Tây, Ba Vì, Sóc Sơn với quy mô 30 con/hộ. Bước đầu các mô hình cho hiệu quả tốt, sản phẩm đầu ra được Công ty TNHH Thực phẩm sinh học Yummyvn ký kết tiêu thụ.
Hiện, ngành chức năng và chính quyền huyện Mường Khương tăng cường các biện pháp phòng trừ, như khoanh vùng, cách ly và điều trị gia súc mắc bệnh, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng.
Không chỉ nổi tiếng trong vùng bởi trồng măng tây hiệu quả, ông Quang còn được nhiều người khâm phục bởi tính cần cù, ham học hỏi, tìm tòi những sáng kiến mới phục vụ lao động sản xuất. Nhờ vậy, trong vụ ngập úng mới đây, từ việc chủ động đắp ô đê bao, đặt máy bơm tát nước nên khu rẫy của ông không bị ảnh hưởng gì.
Trong vụ đông xuân 2014 - 2015, các huyện vùng ngập lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Tân Phước xuống giống trên 47.000 ha. Hiện nay, tranh thủ nước trong nội đồng đang rút nhanh, bà con đã tổ chức bơm sạ dề, sạ vùng đồng loạt xuống giống được 26.000 ha, diện tích còn lại dự kiến xuống giống dứt điểm trong tháng 12/2014.
Trong đó, cây actiso chiếm phần lớn diện tích (70 ha), còn lại là các loại cây như chè dây, đương quy, bạch truật, xuyên khung, gấu tầu, mộc hương, đỗ trọng… Hiện nay, các loại cây dược liệu nói trên sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập cao cho người trồng từ 120 - 240 triệu đồng/ha. Huyện Sa Pa phấn đấu đến năm 2015, giá trị kinh tế từ cây dược liệu trên địa bàn huyện đạt trên 5 tỷ đồng