Đầu Xuân Làng Tôm Hùm Nhơn Hải Vẫn Đìu Hiu Ở Bình Định
Không khí đón Xuân Quý Tỵ 2013 của làng biển xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) không còn nhộn nhịp như mọi năm. Vì năm nay, biển mất mùa tôm hùm giống, ngư dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn.
Ngành kinh tế chủ lực của xã Nhơn Hải là ngành nghề khai thác, đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Trong đó, phải kể đến nghề đánh bắt khai thác tôm hùm giống và nghề ươm nuôi tôm hùm giống, tôm hùm thương phẩm. Xã Nhơn Hải là vựa nuôi tôm hùm thương phẩm duy nhất và quy mô nhất trong toàn tỉnh Bình Định.
Trong những năm qua, nghề đánh bắt và nuôi tôm hùm đã giúp cho ngư dân địa phương có cuộc sống ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, năm nay thời tiết diễn biến bất thường nên biển mất mùa cá, cũng như mất mùa tôm hùm giống, cộng thêm vào đó là nghề nuôi tôm thương phẩm gặp nhiều khó khăn do tôm rớt giá, dịch bệnh làm tôm chết… đã khiến đời sống của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong những ngày Tết vừa qua, không khí đón Xuân ở Nhơn Hải không còn nhộn nhịp như những năm trước.
Anh Lê văn Tùng – một chủ ghe làm nghề mành bủa tôm hùm giống ở thôn Hải Nam cho biết: “Năm ngoái tôm hùm giống nở rộ, giá rất cao, ghe của tui đi làm từ trước Noel cho đến Tết Nguyên đán, đi biển khoảng chừng trên hai mươi mấy ngày cũng có thu nhập trên 10 triệu đồng. Năm nay, tôm cũng có giá cao nhưng đi được 6 - 7 ngày lúc biển động có tôm thì nghỉ luôn cho tới giờ, chia mỗi người được 1 triệu đồng".
Mùa vụ khai thác tôm hùm giống năm 2011 – 2012, tôm hùm giống xuất hiện sớm, số lượng nhiều giá tôm cao nên ngư dân trong xã thu nhập cao, ngư dân trong xã đã khai thác được trên 5.000 con tôm hùm giống. Tuy nhiên, mùa vụ đánh bắt tôm giống năm 2012 – 2013 này, đến khoảng đầu tháng 11 âm lịch tôm hùm giống mới xuất hiện, giá rất cao (dao động từ 190 ngàn đồng – 250 ngàn đồng) nhưng lại mất mùa, tính đến hết tháng 1/2013, ngư dân xã Nhơn Hải đánh bắt ước khoảng 2.000 con tôm hùm giống, đạt giá trị khoảng 400 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Ngàn – một chủ hộ nuôi tôm hùm giống ở địa phương cho biết: "Năm ngoái, tôm hùm thương phẩm bị dịch bệnh, rớt giá, chi phí các thứ để đầu tư nuôi tôm lại cao, bên cạnh đó người nuôi tôm giống cũng bị lỗ cho nên năm nay ngư dân nuôi tôm cũng không mạnh dạn mua tôm giống để thả nuôi vì sợ mua đầu vào giá cao nhưng khi xuất bán lại rớt giá nên rất dễ bị lỗ vốn”.
Theo báo cáo của UBND xã Nhơn Hải, tổng giá trị đánh bắt và nuôi trồng hải sản ở địa phương trong năm 2012 ước đạt trên 105,4 tỷ đồng. Trong đó: Giá trị đánh bắt hải sản đạt trên 45,5 tỷ, giá trị nuôi trồng hải sản đạt gần 60 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Hùng – chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: “Năm nay, việc đánh bắt tôm hùm giống của ngư dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong những ngày giáp Tết vì biển mất mùa tôm, cũng như việc nuôi tôm thương phẩm cũng gặp không ít khó khăn do dịch bệnh phát sinh. Trước tình hình đó UBND xã cũng đã báo cáo lên cấp trên và các cơ quan chuyên môn cũng đã về địa phương giúp ngư dân nuôi tôm xử lý môi trường nước vùng nuôi, bên cạnh đó, xã cũng đã liên hệ các công ty về tuyển lao động địa phương, phần nào giải quyết công ăn việc làm cho người dân trong xã khi biển mất mùa. Đồng thời, hỗ trợ lương thực, tiền… để giúp cho người dân, nhất là những nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa phương đón tết Quý Tỵ 2013 vui vẻ".
Có thể bạn quan tâm
Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh HTX, Sở NN & PTNT tỉnh Hậu Giang vừa có chuyến khảo sát HTX quýt đường Long Trị, ở xã Long Trị, huyện Long Mỹ để hỗ trợ HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hoạt động này nằm trong đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014 - 2016, định hướng đến 2020” và đề án 1.000 của tỉnh.
Những năm gần đây, bọ cánh cứng hại dừa phát triển mạnh, gây thiệt hại nặng cho nhiều diện tích dừa ở Phù Cát (Bình Định); mặc dù các chủ vườn dừa đã áp dụng một số biện pháp như: phun thuốc hóa học, đặt muối, ong ký sinh... để phòng trừ, nhưng hiệu quả không cao.
Dù có nguồn gốc, xuất xứ từ những vùng đất khác nhưng khi du nhập vào Gia Lai, những loại cây ăn trái như nhãn lồng, sầu riêng, vải... thích nghi được với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây và cho ra những sản phẩm gắn thương hiệu Gia Lai đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Anh Huỳnh Tấn Lộc, ở ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp. Hôm chúng tôi đến, anh đang tất bật xử lý cho sầu riêng ra hoa để kịp thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, anh Lộc gắn bó với cây sầu riêng từ rất sớm. Hiện anh Lộc có 0,8 ha vườn trồng 160 cây sầu riêng hạt lép, giống Monthon và Ri 6.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nghề nuôi nghêu ở vùng biển Gò Công đã có những bước phát triển nhảy vọt, góp phần cải thiện đời sống ngư dân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn ven biển. Tuy nhiên, những năm gần đây nghề nuôi nghêu ở đây ngày càng đối diện với nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, giá cả... và có dấu hiệu chững lại về diện tích, sản lượng nghêu nuôi.