Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đầu Ra Ế Ẩm, Người Trồng Nấm Lao Đao

Đầu Ra Ế Ẩm, Người Trồng Nấm Lao Đao
Ngày đăng: 14/04/2014

Trước thông tin nấm không rõ nguồn gốc xuất xứ đội lốt hàng Việt ngang nhiên bày bán trên thị trường, cộng với gần đây dư luận râm ran về những vụ ngộ độc có nguyên nhân từ nấm khiến nhiều người tiêu dùng tẩy chay nấm ăn. Hiện tượng này đã đẩy người trồng nấm lâm vào cảnh điêu đứng vì nấm đến kỳ thu hoạch không có người thu mua, ế đọng, thua lỗ...

Chợ ế nấm…

Dạo quanh các quầy hàng có bán nấm tại các chợ ở trên địa bàn Thành phố Vinh, chủ hàng nào cũng tỏ thái độ ngán ngẩm. Họ cho biết trước kia nếu bán được 10 phần thì giờ bán không được nổi 1 phần, dù đã giải thích rõ ràng rằng nấm được trồng tại tỉnh ta và ở các tỉnh phía Bắc nhưng khách hàng vẫn không mua.

Là một cơ sở chuyên cung cấp nấm các loại, có nguồn gốc rõ ràng nhưng hoạt động giao dịch tại cửa hàng nấm của anh Ngô Văn Quốc tại chợ đầu mối Vinh ế ẩm. Anh Quốc chia sẻ: "Giá tất cả các loại nấm đều hạ rất nhiều, như nấm kim châm hiện giá bán chỉ còn bằng 1/3 so với trước kia, còn nấm sò, nấm mỡ của Yên Thành thì nay đồng loạt giảm giá bán từ 30.000 xuống còn 12.000 đồng/kg.

Hàng chúng tôi bán đều có địa chỉ cung cấp rõ ràng, như nấm kim châm, nấm đùi gà Biovegi của Hàn Quốc là do nhà phân phối Công ty TNHH Công nghệ Xanh Hưng Phát trong TP Hồ Chí Minh nhập khẩu cung ứng, có hướng dẫn sử dụng, có thời hạn sản xuất".

Tại các chợ trên địa bàn nội thành nhiều loại nấm tươi vẫn được bày bán nhiều dù ít người hỏi mua. Đáng chú ý là trên bao bì khuyến cáo bảo quản ở nhiệt độ từ 1 - 5 độ C nhưng phần lớn người bán để sơ sài cùng với các loại rau, củ quả khác.

Do bảo quản ở nhiệt độ thường nên có những túi nấm đã bám nhiều hơi nước, ngả sang màu vàng; có loại  nhãn mác đầy đủ, nhưng cũng có loại chỉ được bọc trong túi nilon sơ sài, buộc thủ công bằng dây chun, "trắng" thông tin nhà sản xuất và thời hạn sử dụng. Một tiểu thương kinh doanh hàng rau, củ và nấm tại chợ Quang Trung cho hay: "Tôi cũng muốn trả lại hàng nhưng người bỏ mối năn nỉ "gánh" cho họ một ít trong lúc khó khăn này".

Người trồng nấm điêu đứng

Nghề trồng nấm được du nhập vào tỉnh ta từ năm 2008 và phát triển nhanh tại các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu... trong đó Yên Thành được xem là vựa nấm của tỉnh. Từ vụ đông năm 2012, UBND huyện Yên Thành chủ trương nhân rộng diện sản xuất nấm trên địa bàn toàn huyện, có 22 xã tham gia với gần 50 hộ.

Tuy nhiên, nhận thấy việc chỉ đạo theo phong trào dẫn đến sản xuất thiếu ổn định, năng suất thấp, tính rủi ro nhiều, huyện chủ trương hướng dẫn các xã tổ chức sản xuất nấm theo quy mô gia trại hoặc mô hình liên kết hộ. Tính đến nay có 78 hộ tham gia sản xuất ở 19 xã, gần 500 lao động tham gia nghề.

Năm 2013 huyện đã thành lập được HTX dịch vụ sản xuất nấm Đoàn Kết với 28 thành viên của 9 xã tham gia đóng cổ phần; sản lượng nấm tươi đạt 310 tấn, giá trị sản xuất 7,3 tỷ đồng. Trạm sản xuất giống nấm đã sản xuất được 14.260 kg giống nấm các loại.

Riêng vụ đông xuân 2014, sản lượng nấm của Yên Thành ước đạt từ 130-140 tấn với 4 loại là nấm sò tím, nấm mỡ, nấm rơm, mộc nhĩ. Nhưng từ khi có thông tin về nấm không có nguồn gốc bày bán tràn lan, việc tẩy chay nấm trên thị trường của người tiêu dùng khiến những người nông sản xuất nấm đang lâm vào cảnh lao đao.

Anh Nguyễn Thọ Hạnh ở xóm Sơn Thành - xã Nam Thành (Yên Thành) là 1 trong 4 hộ trồng thí điểm sau khi Hội Nông dân huyện tổ chức cho đi tham quan thực tế mô hình sản xuất nấm ở các tỉnh phía Bắc năm 2011.

Cơ sở trồng nấm của anh Hạnh được xã tạo điều kiện cho mượn khu đất bỏ hoang của Trường THCS Nam Thành làm nơi sản xuất. Từ chỗ được hỗ trợ 100% vốn, 50% tiền giống để làm mô hình điểm nấm rơm trên diện tích 100m2, đến nay gia đình anh đã phát triển nghề trồng nấm, mở rộng diện tích lên 1.200m2, gồm  mộc nhĩ,  nấm sò và nấm mỡ.

Anh Hạnh cho biết:  "Vào thời điểm chính vụ mỗi ngày gia đình thu hoạch được 180 - 200 kg nấm các loại, riêng nấm sò, nấm mỡ giá bán là 30.000- 35.000 đồng/kg, nếu tính 100m2 thu từ 3,5 - 4 tấn nấm/vụ, trừ chi phí, lãi khoảng 40 triệu đồng/vụ.

Từ đầu năm 2014 đến nay, nhất là khi xảy ra vụ việc người dân ăn nấm lạ bị ngộ độc,  đầu ra của nấm rất khó. Nấm thì sáng nào cũng phải hái, đem cho hàng xóm họ ăn mãi cũng chán, vứt đi thì không đành nên biện pháp cuối cùng là cho lợn ăn và đem phơi nắng.

Vì tiếc cái công mà chúng tôi phải làm vậy chứ nấm khô cũng chưa biết nhập cho ai. Tôi lại vừa vào vụ mới khoảng 4.000 bịch trên diện tích 300m2 từ giữa tháng 3 dương lịch, hiện đã ươm sợi, meo nấm đã ăn trắng nên chuẩn bị phải thuê nhân công treo bịch"...

Không riêng gì gia đình anh Hạnh, hộ chị Nguyễn Thị Hương ở xóm Đăng Lưu trồng 400m2, hộ anh Trần Xuân Đình ở xóm Lâm Thành trồng 200m2, anh Nguyễn Như Bình xóm Đăng Lưu... là những hộ sản xuất thường xuyên cũng đang đứng ngồi không yên khi nấm sản xuất ra không bán được mà lứa sản xuất mới đã cận kề.

Theo anh Lê Văn Sơn - Chủ nhiệm HTX dịch vụ sản xuất nấm Đoàn Kết: Đầu ra của nấm Yên Thành chủ yếu là thị trường trong huyện, TP. Vinh và huyện Con Cuông.

Khi thông tin người dân ăn nấm bị ngộ độc, từ khoảng giữa tháng 3 đến nay huyện Con Cuông đã cấm lưu thông sản phẩm nấm trên địa bàn. Trước đây, riêng điểm thu mua chính tại thị trấn của HTX một ngày là khoảng 300 kg nấm tươi, chưa kể các điểm thu mua vệ tinh đặt tại các xã, trong đó thị trường Con Cuông "ăn hàng" chiếm khoảng 30% tổng sản lượng.

Trước tình hình nấm ứ đọng, HTX cũng chỉ biết động viên, trấn an người dân cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này để duy trì nghề. Vì xét về lợi ích xã hội, trồng nấm có thể tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ thải ra để làm nguyên liệu chính cho nghề trồng nấm và quy trình được quay vòng khi bã nấm được tận dụng làm phân vi sinh để bón đồng ruộng.

Đồng thời giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường. Nghề trồng nấm còn góp phần tích cực vào giải quyết việc làm và là sản phẩm chủ lực giúp người dân vùng nông thôn xóa đói, giảm nghèo.

Việc thị trường giảm tiêu thụ các sản phẩm nấm là một phản ứng tự bảo vệ dễ hiểu khi chưa rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng của các sản phẩm nấm đang được bày bán trên thị trường.

Tuy nhiên, để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, trước những thông tin và dư luận về cạnh tranh thị trường nấm nói trên, các cơ quan chức năng cần tăng cường việc kiểm tra việc lưu thông, chất lượng của các sản phẩm nấm trên thị trường, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tới các cơ sở sản xuất nấm an toàn.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Dông Dễ Bán Nuôi Dông Dễ Bán

Anh Trần Văn Chánh ở ấp Bà Đen, xã An Cư, huyện Tịnh Biên thực hiện mô hình nuôi dông đầu tiên ở vùng Bảy Núi, thả nuôi 1.500 con giống với diện tích chuồng trại rộng 500 m2.

19/05/2014
Làm Giàu Nhờ Nuôi Chim Trĩ Đỏ Làm Giàu Nhờ Nuôi Chim Trĩ Đỏ

Khoảng ba năm trở lại đây, một số gia đình trên địa bàn xã Quang Bình (Kiến Xương - Thái Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn mô hình nuôi chim trĩ đỏ để thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

19/05/2014
Chương Trình Khí Sinh Học Cho Ngành Chăn Nuôi Việt Nam Chương Trình Khí Sinh Học Cho Ngành Chăn Nuôi Việt Nam

Dự án Chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam được triển khai ở Phú Yên từ giữa năm 2013, đã góp phần cải thiện, thay đổi thói quen chăn nuôi của nông dân nhiều địa phương. Qua đó người dân quan tâm hơn đến việc xử lý chất thải chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển chăn nuôi một cách bền vững.

19/05/2014
Quảng Ngãi Ngổn Ngang Vụ Mới Quảng Ngãi Ngổn Ngang Vụ Mới

Vụ đông xuân vừa kết thúc, vụ hè thu đã bắt đầu. Dù biết đây là cách giảm thiểu tối đa thiệt hại do hạn hán khi lúa trổ và mưa bão lúc thu hoạch, nhưng việc sản xuất gối đầu như thế khiến nông dân không khỏi âu lo…

19/05/2014
Mô Hình Chống Hạn Hiệu Quả Mô Hình Chống Hạn Hiệu Quả

Anh Nguyễn Em 56 tuổi là nông dân đầu tiên ở thôn Nha Húi (xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) thực hiện hiệu quả mô hình đào ao chứa nước chủ động chống hạn. Hệ thống ao chứa và mương dẫn nước được anh đầu tư xây dựng căn cơ đáp ứng nhu cầu sản xuất, chăn nuôi gia súc và sinh hoạt của gia đình trong những tháng mùa khô.

19/05/2014