Đầu Năm Thanh Long Bình Thuận Có Giá

Một vườn thanh long đang chín có đến 4 - 5 thương lái của vựa này, vựa kia đến hỏi mua. Tình hình trên khiến những nhà vườn sắp có thanh long chín khấp khởi hy vọng...
Từ ngày mùng 6 tết trở đi, nhiều nậu vựa thanh long đã xuất hành mua hàng. Vì thế, trước đó từ ngày mùng 2 tết, thậm chí là những ngày cuối tháng chạp, các thương lái đã đi về các vùng thanh long tìm vườn có trái chín trong những ngày sau tết để hợp đồng miệng, hẹn ngày cắt. Thế nhưng, khác năm trước, năm nay những vườn thanh long chín vào thời điểm từ rằm tháng giêng đổ lại hiếm. Ngay ở những vùng có diện tích thanh long lớn như: Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình (Bình Thuận) cũng thế.
Theo một số nông dân, do thời điểm chong đèn để ra trái đợt này trúng vào dịp Noel, thời tiết lạnh nên dù lượng điện chong “già” trên 20 ngày đêm nhưng nhiều vườn thanh long vẫn không bung nụ. Cộng thêm, thời tiết năm nay lạnh nên thanh long chín muộn hơn bình thường, có nơi kéo dài 7 - 10 ngày hoặc hơn. Do đó, hiện rất nhiều vườn thanh long sẽ có trái chín rộ từ sau rằm tháng giêng trở đi.
Vì thế, đã tạo ra cơn sốt hàng thanh long bất chợt và theo dự đoán điều này cũng chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn. Lý giải điều này, một số thương lái cho biết, thanh long đầu năm đang sốt tại cửa khẩu biên giới, vì đang trúng vào thời điểm dân Trung Quốc chuẩn bị đón rằm Nguyên tiêu, đợt ăn tết lớn không kém gì dịp tết trùng với tết Việt Nam vừa qua.
Thế nhưng, điểm lại diễn biến giá thanh long vào thời điểm chuẩn bị đón tết cổ truyền vừa qua thì thật không biết đâu mà định đoán. Giá thanh long nhảy múa liên tục và hầu như đều xoay quanh mức 12.000 - 15.000 đồng/kg, mức giá nhà vườn xoay xở chỉ vừa đủ vốn.
Ngay thời điểm cận tết, tức vào ngày 24 - 25 tết, không ít nhà vườn như ngồi trên lửa khi thương lái không muốn đi mua nữa, vì cho rằng đang ứ hàng nên họ phải bán đổ bán tháo với giá 10.000 - 13.000 đồng/kg.
Hơn thế, lại có chuyện ngược với lẽ thường trong buôn bán thanh long tại Bình Thuận lâu nay là hàng nhỏ lại được giá cao hơn hàng lớn. Lâu nay, nhà vườn thanh long quen theo đòi hỏi của thương lái là làm ra trái to để bán giá cao, tức sẽ bán qua thị trường Trung Quốc; còn thời điểm trước tết chuộng trái nhỏ, có nghĩa hàng tiêu thụ nội địa, chứ không phải qua Trung Quốc.
Qua mùng 2 tết, không còn đòi hỏi trên nữa nhưng giá thanh long nhích lên 16.000 đồng rồi 18.000 đồng và tới mùng 6 tết đã lên 20.000 - 21.000 đồng/kg. Giá thanh long ở mức nhà vườn đã có lời thì sản lượng thanh long không nhiều. Các thương lái chạy đụng đầu nhau, một vườn thanh long đang chín có đến 4 - 5 thương lái của vựa này, vựa kia đến hỏi mua.
Tình hình này khiến những nhà vườn chuẩn bị có trái chín sắp tới khấp khởi chờ đợi. Không biết những ngày tháng tới thế nào, nhưng đầu năm, với khởi đầu thanh long có giá như thế có thể hy vọng những thuận lợi cho người trồng thanh long trong năm nay, bù những thất bát trong năm qua.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày cuối tháng 10, chị Vũ Thị Nga (đường Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội) vô cùng vui mừng khi lô cam Vinh đầu tiên ông ngoại gửi cho hai đứa trẻ nhà chị ra đến nơi. Ông nhắn, cam giờ vào mùa, hai tuần ông gửi cam ra một lần.

Sau thời gian tham quan học tập ở tỉnh Đồng Nai, anh Hải đã quyết định áp dụng mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học tại gia đình. Anh Hải chia sẻ: Nguyên liệu làm đệm lót sinh học là chất độn là trấu và mùn cưa sẵn có ở địa phương. Cách làm cũng khá đơn giản, trước tiên cần đổ 30 cm trấu cộng với 1 lớp men, sau đó lớp bên trên đổ 40cm mùn cưa.

Chuyển đổi những diện tích điều già cỗi, sâu bệnh sang trồng những loại cây khác phù hợp là một chủ trương đúng đắn của ngành Nông nghiệp tỉnh. Tuy nhiên, thực tế, công tác này ở huyện Đắk R’lấp đang đặt người nông dân và ngành chức năng, chính quyền cơ sở trước những khó khăn lớn.

Gia đình anh Ninh Hồng Hà ở thôn Đắk M’rê, xã Quảng Tân (Tuy Đức) hiện có 3 ha cà phê và 1,5 ha hồ tiêu đều đang trong thời kỳ kinh doanh. Thời gian này, gia đình anh đang vô cùng hứng khởi bởi tiếp tục sẽ có thêm một vụ mùa bội thu.

Là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất huyện Điện Biên, hiện nay xã Noong Luống có trên 70ha nuôi trồng các loại thủy sản. Biết tận dụng tiềm năng, khai thác lợi thế sẵn có, giờ đây nhiều nông dân ở xã Noong Luống đã vươn lên thoát nghèo với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề nuôi cá.