Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dập Dịch Sâu Cuốn Lá Nhiều Địa Phương Triển Khai Chậm

Dập Dịch Sâu Cuốn Lá Nhiều Địa Phương Triển Khai Chậm
Ngày đăng: 25/07/2014

Những vạt ruộng trải dài màu bạc của lá lúa bị cháy do sâu cuốn lá. Người dân cho biết, mấy năm nay mới lại xuất hiện một đợt dịch sâu cuốn lá nặng đến thế. Đến nay, toàn tỉnh đã có 70.232 ha lúa bị bệnh sâu cuốn lá phát sinh và gây hại. Ngày 18/7, UBND tỉnh đã phải ra quyết định công bố dịch. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, vẫn còn tình trạng chủ quan trong công tác phòng trừ.

Gia đình chị Cao Thị Đào (xóm 5, xã Hưng Thông - Hưng Nguyên) có 10 sào ruộng. Thực hiện theo khuyến cáo của xã, chị đã mua thuốc đặc hiệu về phun từ ngày 19/7. "Gần như cả mẫu ruộng đều bị bệnh. Lâu lắm mới thấy một đợt dịch sâu cuốn lá nặng thế này. Hiện tại, lúa đang xanh tốt nhưng nếu sâu vẫn tiếp tục phát triển thì lại phải phun tiếp thôi" - Chị Đào cho biết.

Ông Cao Văn Tứ (cán bộ nông nghiệp xã Hưng Thông) cho biết, sâu lứa 3 xuất hiện từ ngày 10/6, trên 100 ha bị nhiễm với mật độ tương đối cao. Xã đã tiến hành thông báo, khuyến cáo người dân phòng trừ quyết liệt, nhưng gần một tháng sau, đến mùng 8, 9/7, bướm sâu lứa 4 đã xuất hiện rộ trên đồng ruộng, cả xã có 290 ha lúa thì đã có trên 200 ha bị nhiễm sâu, với mật độ nơi cao lên tới 200 con/m2.

Theo ông Tứ, dù huyện, xã đã có những khuyến cáo kịp thời, nhưng do khi sâu đang ở lứa tuổi 1, 2 (thời kỳ phòng trừ tốt và hiệu quả nhất), lá lúa vẫn đang xanh tốt nên người dân chần chừ, chủ quan dẫn đến phun phòng muộn, giảm hiệu quả phun, thậm chí có gia đình đến tận ngày 22/7 mới phun.

Cùng với Yên Thành, Diễn Châu, Thanh Chương…, thì Hưng Nguyên được coi là một trong những địa phương có biện pháp khá quyết liệt trong phòng trừ dịch sâu cuốn lá. Toàn huyện có gần 5.400 ha lúa hè thu. Ngay từ ngày 7/7, Trạm BVTV huyện đã có thông báo dự báo sâu non lứa 4 sẽ xuất hiện từ 13/7 và tham mưu các biện pháp phòng trừ.

Ngay sau đó, các biện pháp đã được triển khai khẩn trương, thành lập Ban chỉ đạo và các nhóm với cán bộ kỹ thuật là nòng cốt, đôn đốc tập trung phòng trừ từ 15 - 20/7, huyện trích ngân sách hỗ trợ 30% tiền thuốc. Ngoài ra, có 8 xã như Hưng Tân, Hưng Mỹ, Hưng Xuân, thị trấn… hỗ trợ thêm 20 - 40% tiền thuốc. Ngày 20/7, khoảng 80% diện tích lúa hè thu trên địa bàn toàn huyện đã được phun trừ sâu bằng các loại thuốc khác nhau, bằng 4.228 ha/5.395 ha.

Tuy nhiên, theo ông Lê Viết Hùng (Trạm trưởng Trạm BVTV huyện), do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sâu phát sinh, phát triển và gây hại, đồng thời, sâu có hiện tượng gối lứa nên mật độ trên một số vùng tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, ở một số vùng như Hưng Tây, Hưng Yên… nông dân còn chủ quan, không phòng trừ hoặc phòng trừ không đúng thuốc đặc hiệu, phun thuốc không theo nguyên tắc “4 đúng”, pha không đủ lượng nước, thậm chí dù đã được hỗ trợ tiền thuốc nhưng vẫn mua loại thuốc rẻ hơn để phun, nên hiện nay ở một số vùng vẫn còn mật độ sâu khá cao.

Đặc biệt ở trà gieo cấy muộn, giai đoạn đẻ nhánh rộ, có những vùng không phun thuốc, mật độ lên tới 500 - 800 con/m2. Hiện nay, toàn huyện vẫn còn 2.200 ha lúa bị nhiễm sâu, trong đó có 666 ha nhiễm nặng, nhiều diện tích chưa được phòng trừ.

Huyện Nam Đàn có 5.990 ha lúa hè thu thì đã có 4.942 ha lúa bị nhiễm sâu cuốn lá, trong đó có 3.481 ha nhiễm nặng, gần 1.000 ha nhiễm trung bình. Đi dọc các xã Vân Diên, Kim Liên… không khó để nhìn thấy những vạt ruộng lá bạc khô, xơ xác. Theo đánh giá chung, đây là một trong những địa phương triển khai khá chậm việc phun phòng.

Ngày 14/7, huyện tổ chức phát động toàn dân ra quân diệt sâu cuốn lá, lúc này ở các xã đã xuất hiện rộ sâu lứa 4, nhưng nhiều xã vẫn thực hiện rất chậm. Ngoài một số xã như Nam Thanh, Khánh Sơn, Nam Cát… quan tâm làm sớm, hiệu quả phun phòng cao hơn, thì hầu hết đều phun trừ khá muộn dù thời tiết thuận lợi cho việc phun phòng.

Đa số nông dân phun trừ từ ngày 17- 21/7, dẫn đến hiệu quả thấp, thậm chí có nơi như tại xóm Sen 1 (Kim Liên), dù xã đã đứng ra cấp thuốc nhưng nông dân chỉ phun được 80% diện tích, việc phun trừ lại được tiến hành muộn nên nhiều diện tích lúa bị cháy. "Chậm, chủ quan"- đó là nhận định chung của những cán bộ kỹ thuật được tăng cường xuống chỉ đạo tại Nam Đàn.

Ông Trần Đình Lộc (cán bộ Trạm BVTV huyện) cho biết: Kim Liên có 640/662 ha lúa hè thu bị nhiễm bệnh sâu cuốn lá. Từ ngày 14/7, bắt đầu xuất hiện rộ sâu non lứa 4 tuổi 1, nhưng đến ngày 15/7, khi đưa cán bộ xã ra đồng trực tiếp cùng kiểm tra, mật độ sâu đã lên tới 300 - 400 con/m2, nơi cao 800 - 1.000 con/m2, xã mới tin và tổ chức triển khai phun trừ. Tuy nhiên, công tác triển khai vẫn chậm và chưa được quan tâm đúng mức.

Đồng thời, người dân lại chủ quan, chỉ một số rất ít diện tích được phun từ 14 - 16/7 và số diện tích này hiện đang phát triển xanh tốt. Ngày 18/7, cán bộ Trạm BVTV tiếp tục làm việc với xã, nhưng ngày 19/7, sau khi lập biên bản kiểm tra, làm việc, xã mới bắt đầu triển khai quyết liệt, cung ứng bình bơm và thuốc để phun từ chiều 20/7.

Tuy nhiên, lúc này rất nhiều diện tích lúa đã bị cháy nhưng vẫn chỉ có 1/3 lượng thuốc được phun. "Hiện nay lúa đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, vẫn còn khả năng phục hồi, nhưng nếu ở giai đoạn sâu lứa 5 sắp tới, đúng giai đoạn lúa làm đòng, việc phun trừ vẫn tiến hành theo kiểu thế này thì năng suất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề"- ông Lộc lo lắng.

Theo tổng hợp của Chi cục BVTV tỉnh, tính đến ngày 21/7, toàn tỉnh đã có trên 70.232 ha lúa nhiễm sâu, trong đó có gần 42.503 ha nhiễm nặng.

Mật độ sâu phổ biến 80 - 100 con/m2, nơi cao 200 - 300 con/m2, cá biệt 500 - 700 con/m2. Hiện tại, sâu chủ yếu tuổi 3,4. Đến nay, cơ bản 100% các địa phương có diện tích nhiễm sâu đã tích cực vào cuộc để chỉ đạo nông dân phòng dịch. Tổng diện tích phun trừ đến ngày 22/7 là gần 54 nghìn ha, đạt 76,5% diện tích cần phòng trừ.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, ngoài các diện tích đã phun trừ theo đúng thời điểm, đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn cơ bản đạt kết quả tốt, thì ở một số địa phương việc quản lý sử dụng thuốc BVTV còn chưa tốt; nhận thức sử dụng thuốc của người dân chưa cao, do đó còn nhiều nông dân sử dụng thuốc không đặc hiệu theo hướng dẫn hoặc sử dụng thuốc không đúng yêu cầu kỹ thuật.

Bên cạnh đó, một số diện tích gặp mưa sau khi phun hoặc mật độ gây hại của sâu quá cao nên mặc dù đã được phun trừ  nhưng đến nay mật độ sâu gây hại vẫn còn cao, trên ngưỡng phòng trừ, do đó vẫn còn khả năng gây hại nặng. Thậm chí, nhiều diện tích có mật độ sâu cao, chưa được phun trừ đã bắt đầu cháy trắng.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức (Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh), thì trong thời gian tới, tình hình thời tiết và giai đoạn sinh trưởng của cây lúa còn rất thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại, mặt khác, sâu chuyển sang tuổi 4, 5 là giai đoạn có sức gây hại lớn và nhanh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng phát triển và năng suất lúa nếu không được tổ chức phun trừ kịp thời, có hiệu quả.

Trong khi đó, đến nay vẫn còn khoảng trên 16 nghìn ha lúa nhiễm sâu chưa được phun trừ, một số diện tích đã phun trừ song do sâu gây hại với mật độ quá cao, việc phun trừ còn bất cập nên sâu vẫn còn gây hại nặng.

Vì vậy, trong vài ba ngày sắp tới, các địa phương và nông dân cần tiếp tục phun trừ theo đúng hướng dẫn để tránh việc sâu gây hại nặng gây trắng lá hoàn toàn.


Có thể bạn quan tâm

Hòa Bình Đón Nhận Chỉ Dẫn Địa Lý “Cao Phong” Cho Sản Phẩm Cam Cao Phong Hòa Bình Đón Nhận Chỉ Dẫn Địa Lý “Cao Phong” Cho Sản Phẩm Cam Cao Phong

Ngày 16/11, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ đón nhận Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam Cao Phong. Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” bước đầu bảo hộ cho bốn giống cam là CS1, xã Đoài lùn, xã Đoài cao và cam Canh, vốn là những giống cam được di thực ở các địa phương khác về huyện Cao Phong từ những năm 1960. Đây cũng là chỉ dẫn địa lý đầu tiên được cấp cho tỉnh Hòa Bình.

17/11/2014
Nhật Bản Muốn Chuyển Giao Công Nghệ Nông Nghiệp Cho Việt Nam Nhật Bản Muốn Chuyển Giao Công Nghệ Nông Nghiệp Cho Việt Nam

Trong khuôn khổ hội chợ triển lãm Nông nghiệp quốc tế lần thứ 14- AgroViet 2014, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức Hội nghị giao thương Việt Nam- Nhật Bản, tham dự có trên 60 doanh nghiệp hai nước.

17/11/2014
Mốt Chơi Nấm Linh Chi Bonsai Giá Bạc Triệu Ở Hà Nội Mốt Chơi Nấm Linh Chi Bonsai Giá Bạc Triệu Ở Hà Nội

Anh Kỷ chia sẻ, một lần đến thăm người thân ở Hàn Quốc, anh thấy nhiều người đặt chậu bon sai lạ trên bàn khách và trong phòng làm việc. Anh tò mò hỏi và được biết đó là loại linh chi đỏ bon sai. Vốn có sở thích cây cảnh và đầu óc kinh doanh, anh Kỷ học hỏi kỹ thuật chăm trồng và về thử nghiệm ở Việt Nam. Không ngờ, sau nhiều lần thử nghiệm, chậu cây linh chi bon sai đầu tiên cũng thành công.

17/11/2014
Sản Lượng Tôm Ở Kiên Giang Thu Hoạch Tăng Sản Lượng Tôm Ở Kiên Giang Thu Hoạch Tăng

Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh Kiên Giang trong tháng 10 ước đạt 53,9 ngàn tấn, giảm 10,96% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng đầu năm, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 538 ngàn tấn, đạt 87,82% kế hoạch, tăng 11,67% so với cùng kỳ.

17/11/2014
Nuôi Cá “Heo” Nước Ngọt Ở An Giang Nuôi Cá “Heo” Nước Ngọt Ở An Giang

Cá có màu sắc đẹp, mình xanh bóng, đuôi và vây đỏ cam; thịt thơm ngon, béo ngậy. Chế biến món ăn đang thịnh hành là nướng muối ớt hay kho tiêu, ăn với cơm cháy thì rất hấp dẫn. Trước đây, cá “heo” cũng như cá linh, cá chốt là sản vật bình thường, gần đây trở thành đặc sản có tiếng của ĐBSCL do nuôi được nhiều, bán khắp nơi đáp ứng nhu cầu thực phẩm chất lượng cao. Vì cá có màu sắc đẹp, nhiều người còn nuôi làm cảnh.

17/11/2014
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.