Nghề trồng dưa hấu mong manh ranh giới được - mất
Được mệnh danh là loại "cây vua" của mùa hè, nhưng chưa bao giờ cây dưa hấu lại đem đến cho người nông dân một niềm vui trọn vẹn. Với hàng chục hecta dưa được người dân trồng mỗi năm, bãi bồi sông Trà ở xã Tịnh An (TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) từ nhiều năm nay đã trở thành “miền đất hứa” của cánh nhà nông trồng dưa hấu, đặc biệt là hàng chục hộ nông dân ở xã Bình Chương (Bình Sơn) đến đây thuê đất trồng dưa.
Song, vụ dưa năm nay, thời tiết bất thường đã ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích trồng cũng như gây nhiều khó khăn đối với người trồng dưa ở bãi bồi sông Trà. Cơn lũ trái mùa vào cuối tháng 3, đã cuốn trôi bao nhiều tiền của, công sức của bà con nông dân. Ruộng dưa của không ít hộ dân chỉ còn vài ngày nữa thu hoạch, nhưng đành rơi vào cảnh trắng tay.
Lũ rút, trời nắng, không đành bỏ đất trống, nhiều bà con lại tiếp tục “liều”, bắt tay vào cải tạo đất, làm luống, để xuống giống dưa vụ 2 theo kiểu “thua keo này bày keo khác”.
Lao đao trong cảnh trắng tay, khi gần 10 sào dưa sắp thu hoạch bị nước lũ nhấn chìm, vừa khắc phục xong hậu quả của trận lũ, bà Lê Thị Hiền ở xã Bình Chương (Bình Sơn) cố gắng dọn đất, trồng vụ dưa hấu mới với hy vọng tình hình sẽ khởi sắc hơn, kiếm chút lãi trang trải cuộc sống.
Bà Hiền buồn bã cho biết: Trận lũ vừa qua đã khiến gia đình tôi rơi vào cảnh khó khăn, vì bao nhiêu niềm hi vọng, vốn liếng hàng chục triệu đồng cũng trôi theo dòng nước lũ. Giờ, dẫu khó khăn, nhưng gia đình cũng ráng chạy vạy để xuống giống tiếp, mong gỡ lại được đồng nào hay đồng đó, chứ chẳng lẽ để đất trống.
"Giá thuê đất 1 năm 1,2 triệu đồng/sào chứ đâu phải rẻ. Gia đình tôi thuê 10 sào hết 12 triệu đồng. Mình không làm mà bỏ thì cũng mất tiền. Bởi, đất mình đã thuê xong xuôi, tiền cũng đã đưa" - bà Hiền cho biết thêm.
Vội vã khắc phục là vậy, song nhiều người trồng dưa ở vùng bãi bồi sông Trà cũng trong tâm trạng thấp thỏm trước diễn biết thất thường của thời tiết. Ông Nguyễn Văn Minh- người trồng dưa ở bày tỏ: Người trồng dưa bỏ công, bỏ vốn ra đôi khi như đi đánh bạc. Thời tiết diễn biến thất thường làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất dưa hấu.
"Nếu chẳng may vừa xuống giống mà gặp phải trời mưa là coi như bỏ vụ, bởi mưa trong giai đoạn này sẽ làm cây bị thối rễ không sinh trưởng được. Còn nếu mưa vào giai đoạn quả phát triển thì làm giảm chất lượng sản phẩm... hoặc nếu mưa to, nước lũ tràn về thì chỉ cần một đêm là mất trắng" - ông Minh cho biết.
Lâu nay, việc đầu tư trồng dưa hấu vẫn luôn là một “canh bạc” với người nông dân. Để có được thành công, họ phải dầm mưa dãi nắng, ăn ngủ cùng ruộng dưa. Thành quả của mỗi vụ dưa kéo dài khoảng 2,5 tháng với những ngày "ăn, ngủ, thức cùng dưa" là những trái dưa hấu xanh vỏ, đỏ ruột cùng vị ngọt ngào có xen lẫn vị mặn mồ hôi...
Nhiều hộ trồng dưa cho rằng, vụ dưa này, dưa có giá 5.000 đồng/kg, nhưng chưa ai dám chắc chắn rằng vụ dưa hấu sau trúng hay trật giá. Cái “được” và “mất” có ranh giới rất mong manh. Bởi, trong nhiều năm qua, điệp khúc "mất mùa, được giá", "được giá, mất mùa" luôn ám ảnh người trồng dưa.
Công sức và tiền của đầu tư cho cây dưa không phải là ít, nhưng hiệu quả thế nào thì phải ngồi bó gối chờ vận may quả đang là thực trạng hiện nay của người trồng dưa.
"Khi vừa bỏ hạt đến lúc dưa bò, ra hoa thì lo sâu bệnh, lo thời tiết không thuận. Đến khi sắp cắt trái thì lo giá rẻ, bị thương lái ép giá hoặc điệp khúc "trúng mùa rớt giá". Người trồng dưa hấu chỉ biết trồng chứ không cầm chắc thị trường. Đầu ra của dưa hấu lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, nếu họ "đóng cửa" không mua thì kể như phủi tay" - anh Nguyễn Văn Minh cho hay.
Trên những dặm dài mưu sinh, cùng những mùa quả ngọt, không ít lần người trồng dưa khổ sở vì mùa dưa... đắng. Một vụ dưa hấu nữa đã đến, sự lo âu trăn trở lại hiện diện trên khuôn mặt của những người trồng dưa bãi bồi sông Trà. Người trồng dưa hấu đang hy vọng vụ dưa này sẽ gặp thời tiết thuận lợi và giá bán cao hơn để có vụ mùa bội thu.
Có thể bạn quan tâm
Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (GSGC) phát sinh và có nguy cơ lây lan thành dịch. Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp, đây là thời điểm người chăn nuôi phải chủ động thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Mong muốn làm giàu, nhưng diện tích đất của gia đình ít, không đủ để trồng trọt và chăn nuôi. Chính vì vậy, mô hình trồng nấm chi phí thấp, chiếm it diện tích đất mà mang lại giá trị kinh tế cao là giải pháp của vợ chồng anh Hoàng Đức Hòa và chị Nguyễn Thị Toan ở thôn 12, xã Đắk Rla, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.
Các mô hình chuyển đổi cây trồng này mang lại thu nhập cho người nông dân Quảng Bình cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa.
Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh Phú Yên nói chung và thành phố Tuy Hòa nói riêng thuận lợi cho việc nuôi trồng các loại nấm như: Nấm linh chi, nấm hầu thủ, nấm chân dài, nấm rơm, nấm sò, nấm mộc nhĩ…
Vừa qua, tại Hà Nội, đặc sản quýt hồng Lai Vung và xoài Cao Lãnh là 2 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp vinh dự được tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2013. Chương trình do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.